“Có những lúc 1 giờ sáng vẫn còn ngồi lau chùi từng chiếc xe. Làm việc vất vả nhưng chỉ cần ngắm những chiếc xe ấy, mọi mệt mỏi dường như tan biến”, anh Hoàng Trọng Đức, chủ nhân của 25 chiếc xe đạp cổ mở đầu câu chuyện.

Thuê nhà... trưng bày xe

Đến địa chỉ 176/10 Phan Chu Trinh, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy không gian đậm chất nghệ sĩ giữa sự phối hợp của cây cảnh và những chiếc xe đạp cổ. Chủ nhân của bộ sưu tập ấy – anh Hoàng Trọng Đức cho biết, đây là căn nhà thuê suốt 3 năm qua chỉ để… trưng bày xe. Anh Đức bảo, 25 chiếc xe anh đang nắm giữ đa số là xe sản xuất từ các nước: Tiệp Khắc, Liên Xô, Đức và xe Pháp. Có chiếc ra đời cách đây cả trăm năm vẫn còn được bảo quản mới đến 70%.

Trong khối “tài sản quý” ấy, mỗi loại xe mang một phong cách khác nhau về kiểu dáng, phụ tùng. Cái hay mà anh Đức làm được là hầu như các xe điều còn “rin” về từng chi tiết phụ tùng, không hề có sự thay đổi hoặc “chế” lại, đồng thời đến nay vẫn có thể phục vụ việc đi lại. Trong bộ sưu tập ấy, độc đáo nhất phải kể đến chiếc Aviac, là chiếc xe bánh gỗ, loại bánh xe mà hầu như bây giờ rất khó tìm. Bên cạnh đó, chiếc xe Alcyon được sản xuất giai đoạn năm 1900-1920 cũng khiến nhiều người khó rời mắt.

{keywords}

Buổi tối, anh Đức lại dắt xe vào nhà

Anh Đức tâm sự, tổ ấm của gia đình “đóng đô” tại phường Thủy Biều (TP Huế) nhưng mong muốn kết nối những ai đam mê xe đạp cổ, tạo ra không gian trưng bày dòng xe này, anh đã thuê căn nhà ở địa chỉ hiện tại, lắp ráp hệ thống đèn điện, bố trí cây cảnh,…tạo ra khung cảnh xưa giữa lòng thành phố. Để những chiếc xe bớt “cô đơn”, mỗi buổi sáng rảnh rỗi anh thường tập hợp những người cùng chung đam mê đạp những chiếc xe cổ dạo trên đường phố, rồi về ngắm xe, đồng thời nhờ người hằng ngày trông coi.

Anh Trần Đình Tuấn, một người chuyên về phụ tùng xe đạp, cùng có đam mê sưu tầm xe đạp cổ nhận xét: “Bộ sưu tập xe của anh Đức có được sự đa dạng mẫu mã, phụ tùng chính xác đời của chiếc xe dù thời gian tìm kiếm cách nhau để gần 10 năm. Chất lượng những chiếc xe của anh Đức đang giữ rất chuẩn, điều này thể hiện được cái tâm của một người chơi đồ cổ”.

“Xe là niềm đam mê, chơi nhưng rất quý. Thường ngày không bận đi công tác, cũng phải dành vài giờ đồng hồ về đây ngắm xe. Có những lúc 1 giờ sáng vẫn còn ngồi lau chùi từng chiếc xe. Làm việc vất vả nhưng chỉ cần ngắm những chiếc xe ấy, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Đôi khi vợ hỏi tại sao chưa ngủ, mình trả lời còn bận ngắm xe”, anh Đức mỉm cười.

Kỳ công

Theo giới săn lùng xe cổ, việc tìm được những chiếc xe còn nguyên vẹn mẫu mã, phụ tùng chi tiết là cả kỳ công. Riêng anh Hoàng Trọng Đức, lý do mà anh có được bộ sưu tập “khủng” ấy được giải thích là do “cơ duyên”.

Năm 1988 là thời điểm chàng trai Hoàng Trọng Đức còn học phổ thông, may mắn quen biết người chuyên về phụ tùng xe đạp đã khiến anh say mê xe đạp cổ. Mười năm sau, anh Đức trở thành một hướng dẫn viên. Thuận lợi đi đây đó, quen biết nhiều giúp anh có một “mạng lưới” hỗ trợ mình sưu tập xe đạp cổ. “Chiếc đầu tiên mình có là chiếc xe cuộc bánh 650, phanh lam, bộ đề Tiệp Khắc. Chiếc đó mình bỏ ra cả tháng lương mới mua được. Xe của mình sưu tầm nhiều nơi, kể cả trong và ngoài nước. Cứ tới thành phố hay nước nào, mình lại nhờ người quen tìm hỏi. May mắn nhất là gặp được những chiếc xe như ý”, anh Đức nói.

Hành trình sưu tầm xe của anh Đức may mắn nhưng đầy gian nan, do ý nguyện của tác giả đang có bộ sưu tập 25 chiếc xe đạp cổ là phải giữ được nguyên bản (từng bộ phận) của chiếc xe ấy. Như chiếc Aviac, phải mất 6 năm anh mới hoàn thành được việc sưu tầm đúng từng bộ phận để ráp chiếc xe hoàn chỉnh. Anh Đức nhắc lại kỷ niệm: “Ráp xong mình mừng lắm. Chiếc xe đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Sự kỳ công, khó khăn khi tìm phụ tùng bao nhiêu thì ráp được chiếc xe lại vui sướng bấy nhiêu”.

Anh Lê Quốc Hưng, người có chung đam mê sưu tầm xe cổ nhận định, thực tế việc sưu tầm xe đạp cổ không đơn giản. Đầu tiên là phải tìm hiểu kiến thức về lịch sử, kiểu dáng, phụ tùng. Những tài liệu của xe đạp cổ đôi khi phải dò tìm ở các trang nước ngoài. Điểm đáng chú ý là bộ sưu tập xe đạp cổ của anh Đức không chỉ có khả năng sưu tầm được nhiều loại xe đúng như nguyên bản mà cách bảo quản xe, giữ đúng màu sơn, cách phun hóa chất bảo vệ xe cũng rất cẩn thận.

Chủ nhân 25 chiếc xe đạp cổ tâm sự, sưu tầm xe đạp cổ là cách thể hiện sự trân quý những nét đẹp thuộc về quá khứ. Ngày nay, khi xã hội phát triển, phương tiện xe máy, ô tô ra đời nhiều giúp con người đi lại thuận tiện nhưng ít nhiều ảnh hưởng môi trường. Những chiếc xe ấy như nhắc nhở về một thời ký ức, một hình ảnh mộc mạc, giản dị qua đó để con người sống thân thiện với môi trường hơn.

(Theo báo Thừa Thiên - Huế)