Giới thiếu gia cho rằng loại rượu ngâm hoa anh túc không những làm minh mẫn thần kinh mà còn giúp “chuyện ấy” lên “đỉnh” nhanh và lâu hơn.



Thời gian qua, giới thiếu gia Hà Thành và một số tỉnh thành lân cận rỉ tai nhau về một loại rượu ngâm có công dụng cực đỉnh cho nam giới, chỉ có trong bar và sàn nhảy. Đó là loại rượu ngâm với sản phẩm của cây thuốc phiện, nhất là hoa.

Giới thiếu gia “đánh giá cao” công dụng của loại rượu phù dung này. Theo đó, nó không những làm tỉnh táo, minh mẫn thần kinh mà còn giúp cho “chuyện ấy” lên “đỉnh” nhanh hơn, lâu hơn. Thế là, cuộc săn lùng thứ rượu chết người ấy diễn ra như một cách thể hiện đẳng cấp của dân chơi vậy.

Nguyên liệu cũ, rượu mới


Tôi quen anh Nguyễn Văn Trường (ở thị trấn Mị, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã hơn chục năm, thế mà, gần đây, Trường mới khoe: “Mốt ngâm rượu với hoa anh túc đã có ở vùng cao từ nhiều năm trước vậy mà dân chơi Hà Thành bây giờ mới “sính”. Họ cũng “quê” lắm nhưng có “tỉnh” hơn nhà quê là dùng rượu ngoại mà thôi”. Nghe anh Trường nói, chúng tôi quá tò mò về chuyện nguyên liệu cũ mà rượu ngâm mới này (tức rượu ngoại).

Dù sao cũng là câu chuyện, tôi tò mò hỏi: “Sao anh biết?”. Trường khoe: “Trung tuần tháng 6, tôi có dịp về “đu” với đám bạn ở Hà Nội. Trong một bữa tiệc sinh nhật vợ bạn, chúng tôi đã ngồi thâu đêm. Sau mà nâng ly chúc mừng, bạn tôi mang một bình rượu cùng lời quảng cáo, rượu hảo hạng, “công dụng” tăng cường bản lĩnh đàn ông,. Khi bình rượu vừa được mở nắp, mùi thơm lan tỏa cả phòng. Tất cả mọi người đồn đoán rượu này rượu kia, chỉ riêng tôi, khi vừa ngửi mùi đã “bắt vị” đó là rượu gì, vì tôi đã từng uống rượu này nhiều lần”.

Hoa đẹp thế này nhưng có thể là cạm bẫy của sức khỏe.

Khi chủ nhân bữa tiệc rỉ tai tất thảy khách khứa về thứ rượu hảo hạng kia – “rượu phù dung” (hay còn gọi là hoa anh túc) ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Chủ nhân bữa tiệc cao giọng: “Tôi mới được biếu đấy. Rượu tuyệt hạng, yếu sinh lý sẽ phục hồi ngay, mệt mỏi uống 1 ly sẽ tỉnh táo; Muốn sinh con trai, uống có liền…”.

Dường như chạm vào mạch cảm xúc, Trường ca ngợi hết lời về “công dụng” của rượu “hảo hạng” cùng cao: “Bao đời nay, người Mông vẫn coi phù dung là biệt dược quý trong nhà. Thiếu nó là …thiếu sức sống. Người ta chế ra loại rượu này và thường cung cấp về vùng xuôi. Uống rượu này vào thì cứ yên tâm là “chiến đấu” cả đêm không biết mệt và ông uống bà khen. Hiệu quả tức thì khi loại rượu này chạy qua huyết quản là cảm giác lâng lâng, thăng hoa khó tả”.

Trường bảo với tôi: “Tôi cũng từng thử uống thứ rượu này. Tuyệt lắm! Nhiều đại gia vẫn lên Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) mua “hàng”. Họ còn bảo, hoa anh túc, các sản phẩm của cây thuốc phiện ngâm rượu ngoại ngon hơn, chất hơn!??.

Trường dù không phải là tay dắt mối cho các chủ hàng ở Yên Bái nhưng lại có vẻ tỏ tường về loại rượu này. Anh quả quyết: “Ngoài công dụng giúp tăng sinh lực đàn ông, rượu ngâm hoa anh túc giúp chữa trị nhiều bệnh tật khác. Vì các chất tiết ra từ cây anh túc vốn có tác dụng giảm đau nên ắt hẳn khi ngâm rượu cũng sẽ có được “công dụng” như vậy”?!

Trường nói với tôi về “thánh địa” của hoa anh túc là huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Trường bảo: “Loại rượu ngâm phù dung được bán lén lút tại một số huyện ở Yên Bái nhưng nếu biết mối, có dân bản địa dẫn đường, có thể mua dễ dàng một bình rượu ngâm sẵn 5 lit. Ở đây, người ta thường gọi là “rượu 138”.

Sở dĩ nó có tên như vậy là vì tỉnh giao cho Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, cã huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải thực hiện kế hoạch 138 về kiểm tra, rà soát, xử phạt người trồng cây thuốc phiện. Loại rượu này phần lớn do dân bản của Trạm Tấu và Mù Cang Chải cung cấp và vùng giáp ranh huyện Phù Yên, Bắc Yên của tỉnh Sơn La”.

Trường bảo rằng, đáng giá nhất là loại rượu ngâm quả thuốc phiện, cao gấp đôi so với rượu ngâm thân cây, bình 2 lít khoảng 3 triệu đồng. “Thần dược” được tiêu thụ chủ yếu ở miền xuôi, bán cho các đại gia có nhu cầu tăng cường sức mạnh.

50 triệu đổi lấy một bình rượu hảo hạng

Gần đây, giới thiếu gia Hà Thành và một số tỉnh thành lân cận rỉ tai nhau về một loại rượu ngâm có công dụng cực đỉnh cho “của quý”. Đó là rượu ngoại ngâm với hoa anh túc. Thời gian qua, chuyện ngâm rượu nấu (nếp, tẻ, sắn…) ngâm với các thành phẩm của cây thuốc phiện như thân, lá, cành,…bán tràn lan, đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm.

Song, chuyện ngâm hoa anh túc, thân cây, rễ cây thuốc phiện với rượu ngoại để uống theo kiểu “thần dược” thì đúng là chỉ có thiếu gia – kẻ thừa tiền lắm của – mới nghĩ ra độc chiêu này.

Theo lời kể của đám thiếu gia choai choai mới nổi, thì độc chiêu ngâm rượu ngoại với hoa thuốc phiện được thiếu gia Duy Võ, quê ở Bắc Ninh nhưng sành điệu chuyện chơi bời hơn nhiều thiếu gia Hà Thành – “phổ biến kiến thức” cho dân chơi. 13 tuổi, Võ đã biết vũ trường, quán bar, đánh bạc…

Dân chơi đồn thổi Võ vào một vũ trường khá “hot” ở Hà Thành, gọi đồ uống, gọi người phục vụ,…Các cô gái ở vũ trường nhìn thấy Võ bỏ đi ngay, vì cho đó là “trẻ con đít xanh”. Võ ném một cọc tiền xuống bàn…các em và người phục vụ im lặng, làm theo yêu cầu ngay lập tức.

Quan hệ tình dục vô độ, bừa bãi từ nhỏ nên bây giờ, Võ như một thằng cò hương, lấy vợ được 4 năm rồi nhưng vợ vẫn chưa sinh được con. Vì chơi bời quá mức, sinh lý yếu dần nên chuyện Võ nghĩ ra cái độc chiêu rượu ngoại ngâm phù dung để tăng khả năng đàn ông cũng là dễ hiểu.

Theo lời kể của Văn Hoằng, một tay chuyên sưu tầm rượu “thần dược” thì mốt rượu ngoại ngâm phù dung là do một thiếu gia tỉnh lẻ “dẫn mũi” cho thiếu gia Hà thành. Hoằng còn nói: Trong giới dân chơi, cái gì thấy “có lợi” cho cuộc chơi thì theo chứ không phân biệt “bản quyền” của ai và ở đâu ra. Một bình rượu ngoại ngâm hoa thuốc phiện đó, trị giá bao nhiêu tiền, sử dụng được bao nhiêu lâu? Hoằng cho biết: Mỗi đứa thích một loại rượu, mùi thơm khác nhau. Đứa nào thích Chivas, Valentine, Hennessy, Vodka Platium, Remy Martin… thì tự mua cái đó về ngâm. Thực chất, khi mua những loại đó, cả bọn đều chọn những loại nhất bảng – tức lâu năm, giá cao nhất dòng rượu đó…

Tôi hỏi: Một bình rượu Chivas, 5 lít ngâm với hoa anh túc, thành tiền là bao nhiêu? Im lặng, cau mày một lát, miệng lẩm nhẩm, Hoằng bảo: “Trên dưới 50 củ (50 triệu đồng) cho 1 bình 5 lít”.

Tôi tỏ vẻ ngơ ngác. Hoằng bảo: “Chỉ riêng tiền rượu đã ngốn bao nhiêu rồi còn tiền mua hoa anh túc nữa”. Nghe xong, tôi choáng, vì số tiền đó mua được gần 3 tấn gạo. Và, còn choáng hơn khi Hoằng khẳng định: Một buổi chơi, giới thiếu gia có thể uống 5 bình/5 lít rượu ngoại ngâm hoa anh túc như thế. Có nghĩa là, trong cuộc chơi đó, tiền rượu đã hết hơn 250 triệu đồng, chưa kể những phụ phí khác kèm theo.

Hoằng khoe mẽ: “Công đoạn ngâm rượu cũng phải cẩn thận. Khi ngâm, lấy nước rượu đầu tiên nồng độ chừng trên 45 độ C cho vào rửa hoa phù dung qua một lượt (như chúng ta tráng trà trước khi uống ), rồi mới đổ rượu vào ngâm với rượu ngoại. Chỉ cần sau một tuần là uống được, lúc này rượu đã mang một màu đen đen, đặc sánh. Rượu để càng lâu, các hợp chất từ cây, rễ, quả anh túc tiết ra càng ngon hơn”.

Theo ông Vũ Duy Hoàng – Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông: “Những lời quảng cáo về loại rượu thần dược ngâm từ hoa anh túc là hoàn toàn không đúng và không có tính khoa học. Dù rằng các hoạt chất gây nghiện của phù dung tồn tại ở cả thân, lá , rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ khi đem ngâm với rượu chắc chắn không thể chữa khỏi các loại bệnh như những người bán thứ rượu này quảng cáo. Uống rượu ngoại ngâm phù dung mà sinh được con trai lại càng hoang đường. Dùng rượu ngâm phù dung tạo cho người dùng ảo giác. Nếu quá liều có thể ngộ độc, chết người”.


Không nên tin vào “ảo giác”


GS.TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết: Đã có không ít trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm hoa phù dung. Giới trẻ rộ lên mốt ngâm rượu ngoại với sản phẩm của ả phù dung rồi uống là rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Trong một số bài thuốc Đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây phù dung được chiết xuất thành thuốc phiện sẽ được dùng với số lượng rất nhỏ nhằm để phối hợp điều trị một số chứng bệnh. Nhựa cô đặc từ quả phù dung hay còn gọi là thuốc phiện vốn vẫn được dùng như một biệt dược để khống chế những con đau, tăng hưng phấn, kích thích chức năng tiêu hóa. Nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nghiện, có hại cho hệ thần kinh. Còn đối với việc dùng thân, rễ, lá cây phù dung để ngâm rượu thì không có tác dụng gì đặc biệt cả.

(Theo Đời sống và Pháp luật)