- Được hỏi về việc Bộ Y tế có xin lỗi, Bộ trưởng trả lời: Luật pháp quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là những người từ 18 tuổi trở lên nếu có lỗi, họ phải xin lỗi, nếu phạm luật, họ sẽ bị pháp luật trừng trị.

Giữ đúng lời hứa, 2 ngày sau phát biểu khi rơm rớm nước mắt ở QH, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời báo chí sáng nay bằng văn bản về trách nhiệm quản lý nhà nước xung quanh vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân đang gây chấn động dư luận.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn VietNamNet rất dài, nhiều đoạn nêu văn bản, chỉ thị, kế hoạch... khá khô cứng của Bộ trưởng Y tế:

Trong mấy ngày vừa qua, dư luận xã hội vô cùng bàng hoàng trước thông tin về hành động phi nhân tính của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác nạn nhân - khách hàng của trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường, xuống sông Hồng.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đầy tâm trạng ở phiên họp tổ sáng 24/10. Là người cuối cùng phát biểu, bà nói "rất đau đớn, xót xa"

Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế điều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn. Chúng tôi cảm thấy choáng và sốc vì không thể tưởng tưởng nổi một bác sỹ lại có thể hành động như vậy, phẫn nộ vì vị bác sỹ này đã phản bội lời thề Hippocrates, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật - hoạt động không phép, hành nghề không đúng chuyên khoa, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn, làm liều dẫn đến tử vong cho nạn nhân. Việc vứt xác nạn nhân xuống sông hòng phi tang là một hành động không còn tính người.

Chúng tôi cũng cảm thấy buồn và đau xót vì một cán bộ trong ngành, còn trẻ, được đào tạo, có cả con đường rộng mở phía trước, đã phạm một sai lầm không thể tưởng tượng nổi, để phút chốc phá đổ tất cả sự nghiệp, tiền đồ, tương lai của bản thân mình, làm ảnh hưởng đến gia đình, làm hoen ố màu áo trắng của bác sỹ. Chúng tôi hết sức bất bình và lên án hành vi không thể chấp nhận được của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường.

Tôi cũng cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống. Gia đình chị đã mất đi một người con, một người vợ, một người mẹ. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân về những đau thương, mất mát này.

Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Cá nhân bác sỹ Tường đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức cơ bản của một con người nói chung và đạo đức của người thầy thuốc nói riêng; hành vi trên thể hiện ý thức rất kém trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp. Việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến việc không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm

Bộ Y tế vào cuộc như thế nào trong vụ việc này?

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng triển khai ngay một loạt hoạt động như:

1. Gửi văn bản số 6794/BYT-VPB1 ngày 22/10 đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội, Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý tích cực, chủ động nắm bắt tình hình vụ việc, cung cấp thông tin có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, phục vụ cho việc điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố có biện pháp tăng cường rà soát, chủ động thanh tra, kiểm tra các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn quản lý. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc điều tra, xử lý vụ việc nói trên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

{keywords}
Bộ trưởng trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan giờ giải lao phiên họp

2. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện việc thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh, nghị định 87/2011/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật này, thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực tế, từ cuối năm 2012, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh cả trong khu vực công lập và ngoài công lập. Ngày 14/12/2012, Bộ đã có văn bản số 944/TTrB-P2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Kế hoạch 1395/KH-BYT về công tác thanh tra y tế năm 2013 đã nêu rõ nhiệm vụ thanh tra toàn diện công tác bệnh viện tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ và thanh tra công tác quản lý hành nghề y tư nhân của Sở Y tế và phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực tiếp thanh tra, kiểm tra tại các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn một số tỉnh, thành phố. Hiện nay các đoàn thanh tra đang hoàn tất báo cáo để trình lãnh đạo Bộ.

Ngày 5/9/2013, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản 679/TTrB-P2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, trong đó yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế khẩn trương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về khám chữa bệnh của các cơ sở ngoài công lập trên địa bàn và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 30/10/2013.

3. Yêu cầu Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội và chính quyền địa phương thăm hỏi và chia buồn với gia đình nạn nhân. Giao Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu.

Bệnh viện Bạch Mai đã đình chỉ công tác đối với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường.

4. Bộ cũng đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

5. Ngày 23/10/2013, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản 6836/BYT-KCB gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế và các Sở ban ngành chức năng thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở có liên quan đến hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn.

{keywords}

Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra vụ việc trên. Bộ Y tế tuân thủ các quy định của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, nghiêm minh. Người nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bị pháp luật trừng phạt.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác quản lý cán bộ, cũng như việc giáo dục đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế và kỹ năng ứng phó, xử trí các tình huống trong y khoa. Bộ cũng đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Thông tư quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế.

Hiện nay các thẩm mỹ viện chui hoạt động tràn lan, Bộ trưởng có động thái chấn chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

Để chấn chỉnh các hoạt động y tế tư nhân, trong đó có hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ viện, ngay từ cuối năm 2012 Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh cả trong khu vực công lập và ngoài công lập trên toàn quốc, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngày 14/12/2012, Bộ đã có văn bản số 944/TTrB-P2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Kế hoạch 1395/KH-BYT về công tác thanh tra y tế năm 2013 đã nêu rõ nhiệm vụ thanh tra toàn diện công tác bệnh viện tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ và thanh tra công tác quản lý hành nghề y tư nhân của Sở Y tế và phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực tiếp thanh tra, kiểm tra tại các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn một số tỉnh, thành phố. Hiện nay các đoàn thanh tra đang hoàn tất báo cáo để trình lãnh đạo Bộ.

Ngày 5/9/2013, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản 679/TTrB-P2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, trong đó yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế khẩn trương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về khám chữa bệnh của các cơ sở ngoài công lập trên địa bàn và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 30/10/2013.

Triển khai Kế hoạch 1395/KH-BYT, Bộ Y tế đã tổ chức thanh tra công tác quản lý hành nghề y tư nhân của các Sở Y tế và trực tiếp thanh tra một số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; Bộ Y tế cũng đã công khai danh sách của các cơ sở vi phạm, trong đó có cả các cơ sở thẩm mỹ viện.

Trước tình hình hoạt động không giấy phép của một số cơ sở thẩm mỹ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với với cơ quan chức năng rà soát lại công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, về vấn đề này đồng thời sẽ xem xét đề xuất những chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát các chính sách, cơ chế quản lý ngành, phát hiện những bất cập trong quản lý hành nghề y tư nhân, nhằm chấn chỉnh kịp thời.

Đã phân cấp rõ trách nhiệm trong luật

Nhiều đại biểu QH nói Bộ Y tế nên xin lỗi. Ý kiến của bà?

Luật pháp quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là những người từ 18 tuổi trở lên nếu có lỗi, họ phải xin lỗi, nếu phạm luật, họ sẽ bị pháp luật trừng trị.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh, đặc biệt là luật Khám bệnh, chữa bệnh, nghị định 87/2011/NĐ-CP, thông tư 41/2011/TT-BYT về cấp phép hành nghề. Đồng thời Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra giám sát các hoạt động quản lý ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành chức năng của địa phương đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát hành nghề y tư nhân, trong đó có cả thẩm mỹ, trên địa bàn.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với việc quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi địa phương. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm đã được quy định rõ ràng trong luật. Nhưng mỗi khi xảy ra các sự cố, Bộ Y tế đều phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để xem xét, giải quyết cũng như chấn chỉnh công tác quản lý y tế tại địa phương. Trong tương lai, các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng và hoàn chỉnh theo hướng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, UBND cấp xã, phường trong việc quản lý cơ sở y tư nhân, các nhà thuốc đóng trên địa bàn xã, phường, đặc biệt vai trò thanh tra, kiểm tra của chính quyền sở tại về giấy phép hành nghề của các cơ sở y tư nhân.

Như tôi đã nói ở trên, ngay trong chiều 22/10, Bộ Y tế đã khẩn cấp triển khai các công việc: yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ phối hợp các địa phương trên toàn quốc thanh, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp Bộ Y tế rà soát, chủ động trong thanh tra, kiểm tra các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn quản lý.

Với sự hỗ trợ , phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra quyết liệt trên toàn quốc các hoạt động của thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, chúng tôi cần sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội.

Song song với các hoạt động trên, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, cũng như việc giáo dục đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế và kỹ năng ứng phó, xử trí các tình huống trong y khoa. Bộ cũng đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng thông tư quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế.

Năm 2013 có quá nhiều vụ đau lòng đến từ ngành Y tế, có phải do đạo đức bác sỹ xuống cấp? Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Cá nhân tôi, khi được báo cáo vụ việc này cũng vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Không thể chấp nhận được hành động của bác sỹ này và cũng không thể phủ nhận là có một số cán bộ y tế có hành vi sai trái và biểu hiện xuống cấp về đạo đức. Nhưng đây là trường hợp cá nhân, ngành y còn vô vàn những bác sỹ tận tâm với nghề, ngày đêm hết mình cứu sống bệnh nhân. Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nghề y càng cần hơn nữa sự tận tâm, dám chịu trách nhiệm và cần phải có bản lĩnh đối mặt với tai nạn nghề nghiệp, những tai biến không lường trước.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều việc, như:

- Tổ chức tập huấn về thực hiện Quy tắc ứng xử cho 100% viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, thực hiện chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 01/4/2013, Kế hoạch số 336/KH-BYT ngày 04/5/2013 về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

Trực tiếp tổ chức 7 lớp tập huấn tại 3 miền về Quy tắc ứng xử cho lãnh đạo và cán bộ ngành Y tế; Kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại 14 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, 20 Sở Y tế và 7 bệnh viện thuộc Sở Y tế; Tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho 5.042 người, gồm giám đốc, trưởng khoa và điều dưỡng trưởng, trưởng khoa phòng khám, khoa ngoại, khoa sản của các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ, tuyến tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện trong toàn quốc.

Nhìn chung, sau khi Bộ Y tế triển khai các hoạt động về thực hiện quy tắc dân chủ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, vấn đề thái độ y đức và ứng xử của cán bộ ngành Y đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong ngành Y tế vẫn còn những cá nhân đi ngược với đạo đức nghề nghiệp, “con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ Y tế đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc với những cán bộ y tế thiếu thái độ y đức đó.

- Bộ Y tế đang xây dựng thông tư để thành lập Khoa Công tác xã hội và Bộ môn Y đức trong tất cả các trường y nhằm đào tạo những cán bộ có nhiệm vụ truyền thông và giải quyết những vấn đề thắc mắc của người bệnh, đặc biệt những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn (một số bệnh viện ở miền Nam đã thực hiện việc này).

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao y đức:

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế thực hiện chỉ thị 03-CT/BCT ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và chỉ thị 1793/CT-TTg ngày 7/11/2011 của Thủ tướng về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

- Ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử, quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Y tế bộ, ngành, trách nhiệm của Giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng bệnh viện; đồng thời xây dựng các chế tài xử lý nghiêm khắc những sai phạm…

- Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho lãnh đạo và cán bộ y tế ngành Y trong toàn quốc.

- Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng y, ngoài việc nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, còn phải nắm thành thạo các tiêu chí đạo đức của người làm y tế.

- Hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị trong toàn ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện ISO trong công tác khám bệnh, chữa bệnh...

T.Lâm - H.Anh - Ảnh: L.A.Dũng