Nền kinh tế của đất nước ta là nền kinh tế nông nghiệp, độc canh lúa nước, vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Nếu như thời tiết khí hậu thuận lợi thì đó là môi trường thuận lợi để nông nghiệp phát triển nhưng khi gặp những thời kỳ mà thiên tai khắc nghiệt như hạn hán, bão lụt thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của nhân dân, đặc biệt đối với sự phát triển của cây lúa.
Vì vậy, hệ thống thuỷ lợi có vai trò điều tiết. Dưới đây là bốn công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt.
Hồ chứa nước Dầu Tiếng có dung tích lớn nhất cả nước (158 tỷ m3) vừa là công trình quan trọng đặc biệt, vừa là công trình liên tỉnh phụ vụ cho 5 địa phương (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhiệm vụ của hồ là tưới trực tiếp cho 63.000ha, tạo nguồn nước cho 41.000ha ven sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông; tạo nguồn nước cấp cho các nhà máy nước Thủ Dầu Một, Tp. Hồ Chí Minh; phòng chống lũ cho hạ du và tận dụng mặt nước hồ để nuôi cá; đẩy ranh mặn xuống dưới rạch Tra trên sông Sài Gòn và dưới Xuân Khánh trên sông Vàm Cỏ Đông, góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm trên sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong vùng vào thời đoạn khô hạn.
Hồ chứa nước Cửa Đạt có dung tích 1,45 tỷ m3 được xây dựng ở khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, là một trong những công trình lần đầu tiên áp dụng loại đập đá đổ bản mặt bê tông ở Việt Nam.
Hồ Cửa Đạt có nhiệm vụ tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862ha đất canh tác; giảm lũ với tần suất P = 0,6%, đảm bảo mực nước tại Xuân Khánh không vượt quá +13,71m (lũ lịch sử năm 1962); cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng Q = 7,715 m3/s; kết hợp phát điện với công suất máy N = 97MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng Q = 30,42m3/s.
Đập, hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh thừa Thiên Huế có dung tích 646 triệu m3 có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp với lưu lượng Q = 2m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782ha đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương.
Đồng thời, bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản với lưu lượng Q = 25m3/s; phát điện với công suất lắp máy N = 21MW.
Đập, hồ chứa nước Ngàn Trươi nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có dung tích 775 triệu m3, vùng hạ du hồ có đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam, tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh. Đây là các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Hồ Ngàn Trươi gồm đập ngăn sông dài 363m, chiều cao lớn nhất 64,8m, bề rộng đỉnh đập 12m và đập phụ dài 213m, chiều cao lớn nhất 26,5m. Công trình có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du, đặc biệt là vùng Hương Khê, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh); cấp nước và tạo nguồn cho hệ thống kênh Linh Cảm đã có, cấp nước tưới cho khoảng 18.000ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 6m3/s kết hợp phát điện khoảng 15MW và cải tạo môi trường sinh thái.
Bốn công trình quan trọng đặc biệt cấp quốc gia đều là hồ, đập thủy lợi, có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ; cấp nguồn cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt và công nghiệp; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 350.000ha; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng hạ lưu; cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, kết hợp phát điện.
Thực hiện: Quốc Huy, Thanh Bình, Lục Văn Tiến