- Trong sức ép vòng vây truyền thông và sự cuồng nhiệt của công chúng, tuyển thủ U23 có điều ước thật giản dị: Sớm được về nhà, ăn bữa cơm mẹ nấu; được ngủ giấc ngủ thật đẫy...

Bóng đá và vận nước?

Khi tuyển U23 vào chung kết tranh chức vô địch châu Á 2018, có người vui quá, cất tiếng reo: Vận nước đến rồi!

Đó là tiếng reo vụt đến trong lúc niềm vui không ngờ, cảm xúc trào dâng, hồn nhiên và đáng yêu.

{keywords}
Khi tuyển U23 vào chung kết tranh chức vô địch châu Á 2018, có người vui quá, cất tiếng reo: Vận nước đến rồi!

Bóng đá và vận nước đúng là có duyên hạnh ngộ. Đất nước gặp hồi hưng cát, không chỉ bóng đá, mà nhiều lĩnh vực văn hoá tinh thần khác cũng có cơ “trăm hoa đua nở.” Gặp thời chiến tranh loạn lạc, chính trị suy vong, khi đó lòng người li tán, hiếm quốc gia nào nuôi dưỡng được đội bóng mạnh, nói gì đến duy trì nền bóng đá đẳng cấp.

Nhưng, như thế không có nghĩa, quốc gia gặp thời thịnh trị thì bóng đá tất yếu vươn tới đỉnh cao, đẳng cấp. Càng không phải đội tuyển bóng đá thi đấu thành công trong một giải đấu thì ngay đó, vận nước dương thịnh. Cũng không phải đội tuyển quốc gia thi đấu thất bại, thì kéo theo vận nước trùi sụt.

Trong cuộc đua tranh ở vòng chung kết giải U23 châu Á vừa rồi, có phải đội bóng nào cũng giành chiến thắng? Các quốc gia có đội bóng dừng chân trước vòng tứ kết, bán kết hay chung kết, đa phần họ cũng vận nước sáng láng, chính trị ổn định, dân chủ rộng mở, kinh tế vững vàng đấy chứ? Và, có căn cứ nào để nói rằng, chỉ khi đội tuyển U23 Việt Nam bước vào trận chung kết, “vận nước” mới...”đến rồi”?

Có chăng, thành công từ thứ bóng đá cống hiến, đẹp và sạch vừa giành được trên sân chơi đỉnh cao châu lục, đã mở ra thời vận mới cho bóng đá Việt Nam tự tin vươn tới chuyên nghiệp, hội nhập, đẳng cấp.

“Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng”...

Bóng đá là cuộc chơi tập thể, thành công hay thất bại đều mang dấu ấn tập thể. Suốt giải đấu U23 châu Á lần này, tuyển U23 Việt Nam thể hiện là một tập thể gắn kết, hỗ trợ và tạo cơ hội cho nhau lập công.

Cầu thủ mắc lỗi không bị rơi vào trạng thái mặc cảm, cô đơn; người lập chiến công không nhuốm căn bệnh ảo tưởng, ngôi sao. Chiến công của Quang Hải (19), Công Phượng (10), Đức Chinh (13), hay Văn Đức (14)...có trí tuệ, mồ hôi của đồng đội, mang đậm dấu ấn tập thể. Trong mắt người hâm mộ, Đội trưởng U23 Việt Nam mang áo số 6 Lương Xuân Trường càng chững chạc, trưởng thành hơn khi nói rằng, đội tuyển U23 không có ngôi sao, nếu có ngôi sao, thì đó là ngôi sao trên ngực áo mỗi cầu thủ...

Thì rõ là “Một ngôi sao chẳng sáng đêm/Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng”(Tố Hữu). Nhưng, cái cách mà chúng ta ăn mừng theo lối lễ hội trong mấy ngày qua, lại gây nên những hiệu ứng ngược.

Câu chuyện cuộc đời, mọi thứ đều có giới hạn, “thái quá bất cập”, quá một chút là vượt ngưỡng, lệch chuẩn, lợi bất cập hại. Rèn tính khiêm nhường không dễ. Nhiễm thói ngạo mạn thì nhanh. Cách thể hiện tình cảm, đón rước, tôn vinh một số cầu thủ, có phần thái quá, không thể không làm nhiều cầu thủ mủi lòng và khiến số đông công chúng chẳng thể hài lòng.

Không hiếm người nhìn vào cách tôn vinh, tưởng thưởng cầu thủ bóng đá mà chạnh lòng, khi nghĩ tới những tài năng trẻ thực sự ở lĩnh vực giáo dục hay lĩnh vực khác, cứ lặng lẽ như “cây quế giữa rừng”, “thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay”.

Sau màn mừng chiến thắng ồn ã, liệu thứ bóng đá đầy tính tập thể, đẹp và sạch từng được tập thể U23 dày công tạo dựng và trình diễn, có được tiếp nối, phát huy hay bị hao mòn, mai một? Từng cầu thủ có còn giữ được tính tự tôn, tự trọng, tiếp tục rèn luyện và cống hiến, hay sớm nhuốm bệnh ngôi sao, tự mãn?

Sóng Biển Đông lớp sau xô lớp trước...

Một đội bóng không làm nên nền bóng đá. Tuyển U23 bước tới đỉnh cao bóng đá châu lục không có nghĩa là nền bóng đá Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao.

Sau những phút giây thăng hoa, hào sảng, có phần ồn ào, xốp nổi, hãy trở lại trạng thái trầm tĩnh cần có, để nhìn về tương lai nền bóng đá nước nhà, để những trạng thái cảm xúc đẹp về bóng đá không phải đến một lần rồi ra đi mãi mãi.

Sóng Biển Đông lớp sau xô lớp trước... Đã có một U23 hôm nay vào độ chín, khá hoàn hảo, chưa đủ. Cần phải có lớp U đàn em, những U21, 19, 15, 11..., được đào tạo bài bản, toàn diện, với kỹ năng, trình độ điêu luyện, trên nền tảng văn hoá khác biệt, mang giá trị Việt Nam. Lại phải có môi trường xã hội lành mạnh để bóng đá phát triển. Được như thế, không còn lo nền bóng đá nước nhà trồi sụt, nay mạnh mai yếu, thoắt lên thoắt xuống.

Trong những ngày công chúng náo nức, cuồng nhiệt mừng đội tuyển U23 từ Thường Châu (Trung Quốc) trở về, trong khi không ít nhân vật “từ trên trời rơi xuống” ồn ào trước đám đông, thì hiếm thấy những “ông bầu” bóng đá xuất hiện. Họ là người bao năm hằng tâm hằng sản, kiên trì mở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, góp cho đội tuyển những cầu thủ-chiến binh mang phong cách chuyên nghiệp, khát vọng chiến thắng, rất đáng được tôn vinh. Thầm lặng gom gió, gọi nắng, tạo hàng hàng lớp sóng, để sóng tiếp sóng, lớp sau xô lớp trước, họ chính là những Trịnh Văn Bô trong bóng đá thời hội nhập.

Dựng xây nền bóng đá Việt Nam đi tới chuyên nghiệp, vươn lên đẳng cấp, cần nhiều hơn những nhân vật như thế.

Bóng đá trở về là... bóng đá

Bóng đá, trong từng hoàn cảnh, từng gánh những sứ mệnh cao cả: Sứ mệnh chính trị, sứ mệnh ngoại giao, sứ giả hoà bình, hoà giải dân tộc...

Nhưng trước hết, bóng đá phải là bóng đá, chịu chi phối quy luật của chính nó.

Có ai không cháy bỏng ước mong U23 Việt Nam giành chiếc cúp vô địch châu Á? Có ai không mong đội bóng nước nhà mãi mãi ổn định phong độ, vươn tới đẳng cấp?

Sân cỏ định đoạt anh hào. U23 Việt Nam khát khao chiến thắng, thì U23 Uzbekistan đâu phải đến Thường Châu chỉ để ngắm tuyết rơi? Họ giành cúp vô địch cũng đáng mặt anh hào!

Những ngày qua, truyền thông khu vực và thế giới hết lời ca ngợi thành công của bóng đá Việt Nam qua gương mặt đội tuyển U23.

Đáng nhớ, truyền thông Thái Lan có ý rằng, các bạn Việt Nam đã bước đến đỉnh cao bóng đá châu lục...Xin các bạn đừng bỏ rơi chúng tôi...Hãy tiếp tục đá bóng cùng chúng tôi...

Không biết họ nhún nhường, khép mình thật, hay có ý thách thức, cảnh báo chúng ta?

Mà hình như họ cảnh báo và thách thức thì phải.

Đừng tưởng núi lớn băng băng thì mô đất sá gì. Bao nhiêu anh hào khiến thiên hạ cúi mình mà về sới vật làng lại phút chốc lấm lưng trắng bụng!

Lại nhớ “điều ước” của tuyển thủ U23 trong sức ép vòng vây truyền thông và sự cuồng nhiệt của công chúng mấy ngày qua: Chỉ mong sớm được về nhà, ăn bữa cơm mẹ nấu; được ngủ giấc ngủ thật đẫy...

Hãy tôn trọng điều ước giản dị đó của các em.

Uông Ngọc Dậu