Gần 10 năm kể từ khi mang gương mặt hình hài “con người”, 3 người trong số 5 chị em bị “quỷ ám” đã dựng vợ, gả chồng. Người mang đến phép màu cho những cho những con người ấy chính là bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, bệnh viện K Trung ương.

{keywords}

BS. Nguyễn Quốc Bảo khám cho một trong 5 chị em có u quái

Cứu sống “5 cuộc đời”

Bác sĩ Bảo kể lại, năm 2007, một người cha khắc khổ, gương mặt đau đớn đã dẫn 5 người con đến tìm ông. Người bố là Lục Văn Quân (người Sán Dìu, trú tại xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Cả năm đứa con (4 gái, 1 trai, tuổi từ 10 đến 20) đều bị u mặt, khiến mặt bị biến dạng toàn bộ. Lục Thị Hai (SN 1979) có u to nhất, chiếm toàn bộ nửa mặt bên trái, mắt bị đẩy lên tận trán, lồi khỏi hốc mắt, to cỡ quả dưa hấu 4-5kg. Kỳ lạ là mắt lại không bị hỏng mà vẫn có thể chớp chớp và nhìn từ trên trán xuống. Lục Thị Mói (SN 1978) thì bị u cả hai bên mặt, hai mắt cũng bị đẩy sang hai bên, híp lại. Muốn nhìn phải cúi đầu xuống. Lục Văn Cường (SN 1985). Em út Lục Thị Linh (SN 1996) có u nhỏ hơn nhưng nếu không can thiệp 3-4 năm nữa, u cũng sẽ chiếm toàn bộ mặt. “Chẩn đoán cho thấy cả 5 chị em đều bị ca loạn sản xơ sinh xương. Đây là ca u “gia đình” rất hiếm gặp, thậm chí trên thế giới cũng chỉ có 1 gia đình 3 anh em bị u xơ mặt như vậy” – bác sĩ Bảo cho biết.

{keywords}

Gia đình 5 chị em có u quái

Ông Quân chia sẻ, 5 đứa con ông sinh ra đều khỏe mạnh, xinh đẹp nhưng đến lúc 6-7 tuổi bắt đầu xuất hiện các khối u nhỏ trên mặt, sau đó lớn dần. Dân làng trong xóm đã hắt hủi, xua đuổi các con ông, cho rằng các con ông bị quỷ ám, nếu sống trong xóm sẽ khiến dân làng gặp chuyện không may. Để con không bị xua đuổi, mắng chửi, vợ chồng ông đã phải làm lán ở trong rừng cho các con ở, sống kiếp “người rừng”. Ông cũng nhiều lần dẫn con đến các bệnh viện ở Hà Nội để tìm cách cứu chữa nhưng không nơi nào nhận. Vợ chồng ông tuyệt vọng nhìn khuôn mặt các con ngày càng biến dạng, ông lo sợ khối u lớn hơn có thể mắt con ông cũng sẽ bị “nổ”, mù lòa.

{keywords}

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới thăm và trao bằng khen cho BS. Nguyễn Quốc Bảo

Năm 2007 với sự hỗ trợ của một tờ báo, những người con ông Quân đã gặp được bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo. Sau những ngày trăn trở, tìm kiếm thông tin về ca bệnh, bác sĩ Bảo và đồng nghiệp đã quyết định thực hiện ca mổ mà nhiều BV đã lắc đầu từ chối vì… quá khó. Thời điểm đó khi chia sẻ về ca mổ cho bệnh nhân Lục Thị Hai, ông cho biết mặc dù đã qua nhiều lần hội chẩn với hàng loạt các tình huống, phương án xử lý về những nguy hiểm có thể xảy ra trong và sau ca mổ, nhưng vài hôm trước ngày phẫu thuật cho bệnh nhân ông vẫn không khỏi lo lắng. Điều khiến bác sĩ Bảo băn khoăn nhất là việc không chỉ ở Việt Nam mà cả y văn thế giới có quá ít thông tin về phương pháp điều trị cho những bệnh nhân mắc căn bệnh này. 

{keywords}

Gia đình 5 chị em mang u quái trên mặt

Có những đêm ngồi một mình tìm thông tin trên mạng ông như là người “mò kim đáy bể”. Trong khi đó, khối u của cháu Hai ngày càng to và bắt đầu nứt, nếu không mổ sớm rất dễ tử vong do khối u đã ăn quá sâu vào tổ chức xương hàm mặt và sọ. Sức ép về bệnh tật của cháu Hai đã nặng nề thì sức ép của dư luận cũng không kém. Nhưng rồi, những lúc căng thẳng đó, ông lại nhận được rất nhiều sự động viên và khích lệ của đồng nghiệp. Sau vài lần trì hoãn, ca phẫu thuật cho chị Hai cũng đã được thực hiện với thành công ngoài dự kiến. Cuối cùng, bác sĩ Bảo vẫn khoét u, giữ lại tổ chức da bên ngoài, sau đó lấy da ở cân cơ thái dương để đắp vào chỗ khuyết hở, tái tạo thành công khuôn mặt cho bệnh nhân Hai, thậm chí đưa mắt từ trán về vị trí bình thường, vẫn giữ được thị giác của cả 2 mắt, mũi môi cân đối. “Sau khi rạch đường dao cuối cùng mở hết tổ chức của khối u khổng lồ trên khuôn mặt bệnh nhân, tôi biết mình đã tìm được đúng hướng đi cho ca phẫu thuật. Bệnh nhân đã được cứu sống. Nếu ca mổ không thành công coi như tương lai của các bệnh nhân đã gần như khép lại” - ông Bảo bộc bạch.

{keywords}

BS. Nguyễn Quốc Bảo khám cho gia đình bệnh nhân có u quái

{keywords}
Mô tả

Bác sĩ Bảo kể lại: “Hơn 20 năm cầm dao mổ, từng gặp những ca phẫu thuật khó và phức tạp, nhưng lần đầu tiên tôi phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều trước khi bước vào ca phẫu thuật cho Lục Thị Hai, bệnh nhân có khối u to và phức tạp. Nhiều khối u đã xâm lấn những phần còn lại trên khuôn mặt Hai. Trong khi đó, khối u lớn bên má trái đã có biểu hiện vỡ và chảy máu trong, phá nát xương hàm mặt thành những mảnh lớn, nhỏ”- bác sĩ Bảo nhớ lại. May mắn, ca phẫu thuật cho Lục Thị Hai đã thành công. Qua 2 đợt phẫu thuật cắt khối u nặng khoảng 7 kg và đợt phẫu thuật tạo hình, Hai đã được xuất viện. Qua những lần tái khám điều đáng mừng là không thấy sự tái phát của khối u.

{keywords}

Cận cảnh ca mổ u quái

Hơn cả bằng khen

Sau thành công ấy, lần lượt 4 đứa con còn lại trong gia đình ông Quân được bác sĩ Bảo và đồng nghiệp bóc tách các khối u, “dựng” lại khuôn mặt đã bị phá huỷ, giúp họ có được khuôn mặt bình thường. Bác sĩ Bảo và đồng nghiệp đã phải thực hiện hàng chục lần phẫu thuật cho cả 5 chị em, ròng rã trong nhiều năm. Kỳ lạ là những khối đã không tái phát, 5 chị em đã có thể về nhà sống với cha mẹ, đi học, đi làm bình thường. Chẳng bao lâu thì Lục Thị Hai lấy chồng, sinh con. Khi đứa con chào đời, Lục Thị Hai đã điện thoại cho “bố Bảo” nhờ đặt tên cho con. Bác sĩ Bảo đã đặt tên bé trai là Lý Thiên Ân- như món quà cảm tạ trời đất. Nhưng Lục Thị Hai luôn tâm niệm, chính bác sĩ Bảo mới là người “sinh ra” cả 5 chị em chị một lần nữa... Sau ngày cưới của Lục Thị Hai, ông đã cố gắng gác lại ông việc bận bịu của một bác sĩ phẫu thuật để lặn lội lên Thái Nguyên thăm gia đình có những người con từng bị “trời đày”. Khi hỏi về lý do nào giúp ông đam mê công việc ông kể khi bước vào phòng mổ, trước mặt ông khi ấy sẽ chỉ có bệnh nhân và một việc duy nhất là làm thế nào để cứu sống người bệnh và ông luôn tâm niệm “phải làm hết sức mình, hết khả năng của mình cho người bệnh”. Tất nhiên bác sĩ không ai là “thánh”. Đã không ít lần, ông và các đồng nghiệp đành bó tay trước những ca bệnh quái ác. Bất lực trước nỗi đau của người bệnh, sau mỗi ca bệnh như thế, ông chỉ còn biết trách móc, day dứt với bản thân và tự hỏi mình làm hết khả năng có thể chưa?

{keywords}

BS. Nguyễn Quốc Bảo bên 1 trong 5 chị em sau khi được mổ u quái

Bác sĩ Bảo tâm sự, 35 năm cầm dao mổ, ông đã phẫu thuật hàng nghìn ca bệnh, có ca cấp cứu, có ca mổ khó, có ca bệnh nhân quay lại cảm ơn nhưng cũng có ca “mất hút” nhưng ông lại mừng vì có nghĩa bệnh nhân khỏe mạnh, an lành. “Đối mặt với những u quái, với những đau đớn dày vò, với sự méo mó, biến dạng, hoại tử của những khuôn mặt không còn hình hài người, nếu không say mê, không có nỗ lực từ trong tim, trong tâm không thể làm được. Nhưng chúng tôi không cần khen đâu. Thứ mà tôi vẫn cất giữ trân trọng nhất là những bức thư, những tờ ghi chú lời cảm ơn của bệnh nhân. Lại có những kỷ niệm về những ca bệnh được mình cứu sống trong tích tắc… Những điều đó còn đáng giá gấp nhiều lần bằng khen” – bác sĩ Bảo đã chậm rãi tâm sự trong một chiều đông ngày giáp Tết. Ông cho biết, đây là thời điểm mà ông rảnh rang nhất. Còn bình thường, ông “chúi mặt” vào những ca mổ, mỗi ca 4-5 tiếng, có ca kéo dài cả chục tiếng. Lúc đó, y tá điều dưỡng cho gì ăn nấy, thậm chí chả được ăn, bước ra khỏi phòng mổ là mệt muốn ngất. Nhưng mà nhìn bệnh nhân được cứu lại phấn chấn, lại tràn đầy năng lượng để tiếp tục đi khám bệnh, đi mổ.

{keywords}

Một trong những người chị em đã dựng vợ gả chồng

“Đối với những người phẫu thuật các khối u đầu cổ, mặt như tôi thì không chỉ là cắt bỏ khối u, buông dao mổ là hết chuyện. Mà trước đó cũng đã phải tính toán làm thế nào để tạo hình khuôn mặt cho bệnh nhân. Nếu chỉ cắt bỏ khối u, để lại lỗ hổng lớn trên khuôn mặt, khiến bệnh nhân vẫn sống cuộc đời “méo mó” thì coi như thất bại. Tôi luôn trăn trở để tạo hình cho họ một gương mặt tương đối bình thường, ra hình “khuôn mặt”, để bệnh nhân thoát khỏi bóng ma của quá khứ. Như vậy tôi mới hài lòng” – bác sĩ Bảo cười đôn hậu.

{keywords}

{keywords}

Một ca mổ u quái của BS. Nguyễn Quốc Bảo

Hàng chục năm cầm dao mổ, giành giật cuộc sống từ bàn tay thần chết cho biết bao người, thế nhưng sau những ngày phải gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác mà chính bản thân ông cũng không tránh khỏi BS. Nguyễn Quốc Bảo đã từ giã cõi đời vào đêm ngày 16/11. Có lẽ câu “sinh nghề, tử nghiệp” và bác sĩ Bảo cũng không phải là ngoại lệ.

Thế nhưng ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn nghĩ đến bệnh nhân. Ông nói với tôi trăn trở khi mà chưa kịp tái khám lại cho Lục Thị Hai và tạo hình thêm một lần nữa cho Lục Thị Mói - người con lớn đã được ông và các đồng nghiệp 2 lần phẫu thuật và tạo hình khuôn mặt.

Theo Sức khỏe & Đời sống