"Bà mẹ nào cũng thương con nên lúc nào cũng muốn con được bảo vệ vì thế trẻ không có cơ hội tiếp xúc với bệnh. Tình thương đó đúng, chính đáng nhưng không có lợi cho trẻ", theo BS Trí Đoàn.

Hiện nay, có nhiều mẹ truyền tay nhau bí quyết giúp con tăng cân bằng cách dùng nước mía nấu thức ăn dặm cho trẻ, cũng như nhiều mẹ “cắn răng” mua yến, bào ngư… cho con với mong muốn con sẽ khoẻ mạnh. Chuyên gia – bác sỹ Nhi khoa Nguyễn Trí Đoàn chia sẻ quan điểm về dinh dưỡng lành mạnh cho con và những lưu ý dành cho bố mẹ nếu muốn nuôi dưỡng một đứa con khỏe mạnh.

{keywords}

Theo BS Trí Đoàn: "Ăn yến có lợi hay giúp chữa trị bệnh gì hay không thì chắc là không bởi bệnh ở trẻ đa số là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi,…". (Ảnh minh họa)

Hãy cho con quyền được… ốm, bệnh

Hiện nay, rất nhiều các mẹ truyền tai nhau "truyền thuyết" cho con ăn yến hoặc ăn bào ngư để giúp tăng sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật, theo bác sỹ điều này đúng - sai như thế nào?

- Trên thực tế, không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng trẻ ăn yến hay bào ngư có lợi hay không có lợi. Nên để đưa ra một cái kết luận thì lại là “không có bằng chứng”. Trẻ từ 1 tuổi trở lên đã có thể ăn giống người lớn, người lớn ăn gì thì nên cho trẻ ăn như vậy.

Còn ăn yến có lợi hay giúp chữa trị bệnh gì hay không thì chắc là không bởi bệnh ở trẻ đa số là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi,… Những bệnh đó muốn ngừa được thì trẻ phải được quyền bệnh, nghĩa là bố mẹ phải cho bé bệnh thì cơ thể mới sinh ra kháng thể. Một số bệnh có thể chích ngừa được thì nên cho trẻ đi chích ngừa. Chứ không phải cứ ăn nhiều một loại thức ăn nào đó thì sẽ giúp cho trẻ ngừa bệnh.

Thế nhưng vẫn có nhiều bố mẹ tin rằng các loại thực phẩm này là “thần dược” tốt cho trẻ?

- Thực ra, những chất có trong thực phẩm mà người ta có làm so sánh đối chứng để xem có làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng hay không thì chỉ có vitamin D thực sự có hiệu quả. Còn những chất khác, trong đó có vitamin C được nghiên cứu khá nhiều, đều không thực sự mang lại hiệu quả trong việc nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể.

Trước đây, có một nghiên cứu về vitamin C được đăng rộng rãi trên một tạp chí khá uy tín và kết luận rằng vitamin C giúp ích. Nhưng sau này, khi tìm hiểu lại về nghiên cứu đó, người ta nhận thấy phương pháp nghiên cứu đó có vấn đề, từ đó có thể dẫn đến lỗi sai hệ thống và thống kê nên người ta không còn dựa vào nghiên cứu đó nữa.

Sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu khác để so sánh đối chứng thì người ta nhận thấy rằng, vitamin C không giúp làm rút ngắn thời gian bị cảm hơn so với không dùng, cũng như không làm giảm được tỷ lệ mắc các bệnh sổ mũi hay cảm cúm. Ngoại trừ một số ít đối tượng những người chơi môn thể thao trượt tuyết ở vùng Bắc Cực trong mùa đông. Và chỉ có nhóm người này mới có giảm tỉ lệ bị cảm. Còn trên số liệu thì so sánh ở trẻ em, so sánh ở phụ nữ, ở đủ các tầng lớp khác thì giữa vitamin C và giả dược (*) không có giúp ích được gì hết. Còn vitamin D thì có giảm được xác suất bị bệnh nhiễm trùng.

Ở vị trí là một người hoạt động y khoa và có dịp tiếp xúc với nhiều bậc phụ huynh, bác sỹ có thể chia sẻ nhận định của mình về việc lý do vì sao nhiều bố mẹ ở Việt Nam lại tin vào “truyền thuyết” và thích áp dụng điều đó cho con mình?

- Tôi cho rằng lí do lớn nhất xuất phát từ tình thương của các ông bố bà mẹ. Bà mẹ nào cũng thương con nhưng chính vì lúc nào cũng muốn con được bảo vệ nên trẻ không có cơ hội tiếp xúc với bệnh. Tình thương đó đúng, chính đáng nhưng không có lợi cho trẻ.

Bà mẹ nào cũng muốn điều tốt cho con mình, đó là điều tự nhiên. Họ muốn tốt cho con bằng cách tìm hiểu thông tin trên mạng, hỏi thăm kinh nghiệm của nhiều bà mẹ khác nhưng ít có ai đi tìm chứng cứ, ít có ai đặt câu hỏi thắc mắc liệu cái này có thực sự hiệu quả hay không?

{keywords}

"Bệnh ở trẻ đa số là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi,… Những bệnh đó muốn ngừa được thì trẻ phải được quyền bệnh, nghĩa là bố mẹ phải cho bé bệnh thì cơ thể mới sinh ra kháng thể", BS Trí Đoàn.

Nhưng cũng có một phần do nhiều bác sỹ ở Việt Nam rất dễ kết luận trẻ bị suy dinh dưỡng. Vì sao trong cùng một môi trường ngành Y, bác sỹ cập nhật kiến thức mới, thông tin mới, còn bác sỹ khác thì giỏi hù doạ bố mẹ?

- Tôi nghĩ đây không phải là lỗi của từng cá nhân, cũng không phải lỗi của bác sỹ đó, mà là lỗi của hệ thống. Trong trường đại học, một thời gian dài người ta dạy sinh viên bằng cách nhìn con số, cũng ít dạy rằng không có người nào giống người nào, thành ra sinh viên không có cái nhìn đa chiều. Mà con số ám ảnh nhiều nhất là cân nặng. Thường thì bác sỹ dễ bị ảnh hưởng bởi con số trung bình nhưng lại không hiểu rõ tại sao có con số trung bình đó nên thành ra họ lí luận rằng trẻ ở tuổi này phải được nhiêu đây cân nặng, nhiêu đây chiều cao,… một cách vô thức.

Đứa trẻ tăng trưởng qua thời gian như thế nào, có lanh lợi hay không, phát triển trí não bình thường hay không, bác sỹ thường ít quan tâm mà chỉ nhìn vào con số. Nghĩa là bác sỹ thăm khám cho con số chứ không có thăm khám cho một con người. Do đó, nhiều người vội vàng kết luận nhiều đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Chứ thực tế trẻ không bị suy dinh dưỡng nhiều đến vậy.

Có thể còn nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng nhưng là ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều đói kém, ở thành thị thì suy dinh dưỡng rất ít, béo phì lại rất nhiều. Bởi vì người ta gặp nhiều trẻ béo phì, nhìn quen mắt nên lại thấy bình thường, thành ra những bé bình thường lại dễ bị đánh giá là gầy.

Trẻ tăng cân nhanh đáng lo hơn là đáng mừng

Vừa qua, có một bài báo được các mẹ chia sẻ rất nhiều nói về việc dùng nước mía để pha sữa hoặc nấu thức ăn dặm cho trẻ nhằm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn. Và ý kiến của một bác sỹ Nhi khoa thuộc Hiệp hội Nhi Khoa Hoa Kỳ cũng cho rằng đường không phải là nguyên nhân gây nên béo phì, mà ăn nhiều chất béo mới gây ra béo phì. Vậy nên hiểu về vấn đề này một cách chính xác như thế nào, thưa bác sỹ?

- Đúng là đường cung cấp năng lượng cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ ăn nhiều đường quá sẽ chuyển hoá thành dạng dự trữ. Một là dự trữ glycozen ở gan, nếu vẫn còn dư thì đường sẽ chuyển hoá thành mỡ. Thành ra cung cấp nhiều đường vẫn có nguy cơ gây ra béo phì.

Trong sữa thì nồng độ và vi chất đã được tính toán đầy đủ hết rồi, lượng đường bao nhiêu, vitamin bao nhiêu đều đã được đong đếm. Vì thế, chỉ cần dùng nước lọc để pha sữa cho trẻ là được (nếu trẻ dùng sữa công thức).

Nước mía cũng có đường, nhưng chỉ khi đường nhiều quá thì mới làm cho trẻ tăng cân nhanh, còn dùng tí chút thì cũng không giúp tăng cân nhanh. Nhưng theo quan điểm của tôi, tăng cân nhanh là điều mà bố mẹ nên đáng lo hơn là đáng mừng. Vì tăng cân nhanh sẽ gây ra bệnh béo phì.

{keywords}

Dùng nước mía để nấu cháo ăn dặm hay pha sữa cho con là cách nhiều cha mẹ tin rằng sẽ giúp con tăng cân nhanh. (Ảnh minh họa)

Vậy theo bác sỹ, việc dùng nước mía để nấu thức ăn dặm cho trẻ có gây ảnh hưởng gì đến vị giác của trẻ?

- Trẻ ăn ngọt sớm thì sẽ quen với vị ngọt và tạo nên một thói quen không tốt sau này: thói quen thích ăn ngọt. Thói quen này không chỉ gây nguy cơ béo phì, mà trẻ còn phải đối mặt với bệnh sâu răng. Trẻ từ 7 – 8 tháng đã bắt đầu mọc răng, nếu được vệ sinh không kỹ thì bé sẽ bị hỏng răng.

Điều đó nghĩa là chúng ta chỉ cần cho trẻ ăn các loại thực phẩm phong phú, đầy đủ nhu cầu, khẩu phần và không nên quá tiêu tốn tiền vào một hay nhiều loại thực phẩm được “đồn” là tốt cho trẻ, phải không bác sỹ?

- Đúng như vậy!

Xin cám ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện này!

(*) Hiệu ứng giả dược trong y học là công cụ thay thế hay chữa bệnh bằng tác động “ảo”, “đánh lừa” con người, nghĩa là không hề chữa trị thực sự về mặt lâm sàng nhưng lại được bác sĩ kê đơn dưới danh nghĩa thuốc hay trị liệu tương ứng.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân từ dinh dưỡng. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) để nhận định tình trạng gầy béo. Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp và ung thư. Bệnh béo phì còn dẫn đến nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.

Theo báo cáo từ Bộ Y Tế vào năm 2010, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi 5,6% (ở thành phố 6,5% và ở nông thôn 4,2%). Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân-béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi hiện cao hơn 6 lần.

Theo báo cáo từ sở Y tế tại Tp.HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 3,7% năm 2000 đã tăng lên 11,5% vào năm 2013; tỷ lệ từa cân béo phì học sinh phổ thông tăng gấp đôi từ 11,6% năm 2002 lên 21,9% năm 2009.


(Theo Uyên Bùi / Trí Thức Trẻ)