Yêu bóng đá từ năm 12 tuổi, đi ứng tuyển cho vui nhưng không ngờ bén duyên

- Cơ duyên nào đưa anh từ Thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên đồng thời là Thủ khoa đại học toàn quốc năm 2006 - quyết định gắn bó với nghề cầm mic?

Đó là duyên gặp gỡ của tôi với nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Thể thao VTV và cũng là sếp của tôi gần 20 năm qua. Năm 2006 tôi đang làm khóa luận tốt nghiệp và cũng chuẩn bị tinh thần để bắt đầu con đường trở thành một nhà khoa học như định hướng của bố tôi - GS.TSKH, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hữu Việt Hưng thì cùng thời điểm đó tôi xem bản tin 360 độ thể thao thấy thông báo về chương trình tuyển người hâm mộ cùng bình luận World Cup 2006.

Với tình yêu bóng đá thừa hưởng từ bố, tôi quyết định đăng ký tham gia cho vui ai ngờ lại lọt vào “mắt xanh” của BTC và trở thành người hâm mộ được tham gia bình luận một số trận đấu tại World Cup 2006. Cũng không thể ngờ rằng đó chính là “khúc cua định mệnh” đưa tôi rẽ từ con đường nghiên cứu khoa học để trở thành một bình luận viên, biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam.

BTV Việt Khuê tại Euro 2024
BTV Việt Khuê bình luận các trận đấu tại EURO 2024.

- Mối liên hệ giữa tình yêu Toán học và tình yêu trái bóng của anh? Anh có đưa Toán học vào bình luận bóng đá không?

Tôi thấy Toán học và bóng đá liên quan nhiều nhất là về xác suất thống kê và một phần nào đó là hình học không gian. Khả năng đi tiếp, bị loại, vào tứ kết, bán kết, chung kết hay vô địch của mỗi đội bóng đều là xác suất. Còn hình học không gian giúp chúng ta hình dung rõ ràng về hình chiếu vuông góc của trái bóng xuống mặt sân khi bóng ở trên không, dù không chạm đất nhưng cần xác định bóng đã đi qua vạch vôi hoặc đường biên ngang hay chưa.

BTV Việt Khuê
BTV Việt Khuê có niềm đam mê và tình yêu lớn lao với bóng đá. 

- Nhịp sinh hoạt của anh đợt EURO 2024 có bị đảo lộn?

Vốn đã được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp của Ban Thể thao nên tôi thích nghi nhanh với múi giờ “thức đêm ngủ ngày”. Mà ban ngày, tôi vẫn lên cơ quan để họp và triển khai các chương trình, bản tin đồng hành cùng EURO 2024. Ban Thể thao đã làm nhiều sự kiện lớn nên vào guồng rất nhanh.

Được truyền cảm hứng với Toán học và bóng đá từ bố là giáo sư Toán học 

- Người học Toán thì tư duy logic nhưng lại hay bị nói khô cứng, vậy tính cách của anh được mọi người nhận xét như thế nào?

Đúng là vừa “khô” lại vừa “cứng” thật, nhất là khi mới ra trường. Nói vậy chứ lúc cần “mềm”, tôi vẫn “mềm” được (cười). Theo thời gian, tôi cũng hiểu nhiều hơn về cuộc sống và các mối quan hệ trong công việc, gia đình, bè bạn nên cách ứng xử linh hoạt hơn.

- Anh từng gây “bão mạng” khi chia sẻ bảng điểm Đại học với tỷ lệ điểm 10 gần như chiếm tuyệt đối. Anh cũng cho biết sự tự giác và đầu tư thời gian cho việc học của mình. Vậy với anh, môn Toán là đam mê hay được truyền cảm hứng từ bố anh - nhà Toán học nổi tiếng?

Thực ra tôi không cố tình gây “bão” mà chỉ muốn chia sẻ lại kỷ niệm khó phai của gần 20 năm trước. Qua đó, tôi muốn tâm sự rằng dù không trở thành nhà khoa học như mong muốn của bố nhưng tôi vẫn yêu Toán học. Tình yêu, niềm đam mê đó được truyền cảm hứng từ bố và dù không trở thành đồng nghiệp nhưng mỗi khi có dịp, hai bố con lại ngồi trò chuyện về chuyên môn, về các ứng dụng của Toán vào cuộc sống, cách dạy và học Toán của thầy cô - học sinh ngày nay.

- Ngược thời gian khi nhớ lại ngày xưa, có khi nào anh từng bị bố than phiền vì chưa tập trung hay chưa thực sự làm tốt như bố kỳ vọng, đặc biệt ở môn Toán?

Người học Toán và nghiên cứu Toán có một đặc tính không giống với người làm ngành nghề khác ở chỗ luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Cũng vì thế, thành tích học tập của tôi chưa bao giờ có thể làm bố hài lòng 100%.

Than phiền có chứ. Ví dụ như sau khi tôi đạt giải Toán Quốc gia hồi học cấp III Trường Hà Nội - Amsterdam và được vào vòng chọn đội tuyển đi thi quốc tế, tôi được vào thẳng đại học và miễn cả thi tốt nghiệp theo quy định lúc bấy giờ. Tôi đã xin bố đi xả hơi một thời gian coi như tự thưởng cho bản thân nhưng bố không đồng ý với lý do các bạn xung quanh còn phải ôn thi, nếu rủ hoặc đến nhà các bạn chơi sẽ ảnh hưởng đến việc ôn tập của mọi người.

Vậy là ông đưa cho tôi cuốn Đại số tuyến tính - cuốn sách nổi tiếng của các sinh viên ngành Toán và các ngành kỹ thuật do chính ông viết để tôi đọc và nghiên cứu. Sự nghiêm khắc của bố tất nhiên ở thời điểm đó khiến tôi cảm thấy gò bó nhưng sau này mới thấy đó là sự nghiêm khắc cần thiết của một người bố để giúp con trai trưởng thành. 

- Thành tích ấn tượng nhất trong 12 năm phổ thông và 4 năm đại học của anh là gì?

Hồi cấp III, học chuyên Toán trường Hà Nội - Amsterdam, tôi được giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2002, năm đó không có giải Nhất vì đề quá khó. Đến Đại học, tôi tốt nghiệp K6 Hệ Cử nhân Khoa học Tài năng - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với điểm số trung bình 9,45 trở thành Thủ khoa của các thủ khoa các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2006.

- Anh từng chia sẻ về việc tôi luyện thành tài của bản thân, dành 10-12 tiếng mỗi ngày cho môn Toán, thậm chí là 14 - 16 tiếng khi có kỳ thi và gần như không có ngày nghỉ. Vậy với các con của anh hiện tại, thời gian biểu như thế nào? Anh hay bà xã là người sát sao việc học của con?

Hai con sinh đôi nhà tôi năm nay lên lớp 4, cả tôi và vợ đều rất sát sao với việc học của các con, trực tiếp dạy môn Toán, nâng cao hơn so với sách giáo khoa thông thường. Chúng tôi không muốn tạo áp lực quá lớn nhưng cũng muốn đặt ra những mục tiêu cụ thể để các con phấn đấu. 

Vợ chồng BTV Việt Khuê
BTV Việt Khuê và bà xã có chung niềm đam mê với Toán học.

- Được biết anh bắt đầu dạy Toán từ hơn nửa năm nay. Anh có thể chia sẻ về công việc dạy học của mình?

Tình yêu Toán học với tôi chưa bao giờ nguội lạnh trong gần 20 năm qua. Do được đào tạo rất bài bản và chuyên sâu về Toán nên tôi thực sự tiếc nếu không thể truyền thụ lại những kiến thức hữu ích đó cho các bạn học sinh vì Toán luôn là môn rất quan trọng. Đó là lý do tôi quyết định trở lại với “tình cũ”: mở các lớp dạy Toán cả online và offline cho học sinh phổ thông từ nửa năm nay.

Khi tôi thông báo về ý định dạy học, số lượng đăng ký rất đông, nhiều gia đình muốn gửi con theo học. Nhưng do quỹ thời gian khá hạn hẹp nên tôi phải cân nhắc lựa chọn và cuối cùng quyết định dạy lớp 6, 7 và 8.

Lý do bởi kiến thức của cấp II bắt đầu phức tạp khiến các phụ huynh khó dạy trực tiếp cho con và lúc đó cũng đủ thời gian để củng cố cho các bạn bị hổng kiến thức cơ bản. Tôi đã trở thành thầy giáo Toán được hơn nửa năm với 4 lớp học: 1 offline, 3 online. Với các lớp online, học sinh ở miền Trung, miền Nam cũng có. Mỗi lớp online tôi chỉ nhận từ 10 - 15 bạn, cùng lắm là gần 20 bạn để đảm bảo theo sát từng học sinh.

Bà xã là "hàng thủ" vững chắc

- Bà xã anh là người cùng nghề, vậy điều gì ở chị khiến anh ấn tượng nhất? Anh chị đã sắp xếp quỹ thời gian cho công việc và gia đình như thế nào để có thể cân bằng được?

Điều tôi ấn tượng nhất là sự thông minh, hoạt bát, nhanh nhẹn của cô ấy. Việc sắp xếp quỹ thời gian thì ai cũng chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, làm hay chơi là do mình. Thời gian của chúng tôi hoàn toàn dành cho công việc và gia đình. Từ hồi bắt đầu dạy học, cả nhà đi chơi cũng ít hơn nhưng như thế mới biết quý trọng giá trị của thời gian. 

BTV Việt Khuê và bà xã cùng nghề truyền hình
BTV Việt Khuê và bà xã cùng nghề truyền hình. 

- Anh có mong các con sẽ nối nghiệp ông nội hoặc từ nghề truyền hình của bố mẹ?

Chúng tôi để các bé phát triển tự nhiên. Bố mẹ sẽ chỉ gợi ý, đưa ra những lời khuyên chứ không áp đặt, quyền quyết định là ở các con.

BTV Việt Khuê bình luận trong các chương trình EURO 2024:

Ảnh: NVCC