Bức di chúc của ông Nguyễn Ngọc Chiến (sinh năm 1948, đã qua đời cách đây 6 năm) được con trai ông là anh Nguyễn Chiến Trường (sinh năm 1987, hiện sống ở TP.HCM) chia sẻ trên một nhóm Facebook, khiến cộng đồng mạng vô cùng xúc động.

Bức di chúc được ông đặt một cái tên giản dị là “Lời dặn trước lúc đi xa cho 2 con Nguyễn Chiến Chinh và Nguyễn Chiến Trường”.

{keywords}
Bức thư dặn dò của ông Nguyễn Ngọc Chiến để lại cho 2 con trai. Ảnh: NVCC

Bức thư viết: “Một là về cuộc sống. Ba chỉ có 2 con, là anh em ruột. Sống trong xã hội khắc nghiệt này phải biết nhường nhịn, yêu thương nhau. Lấy tình cảm làm trọng, vật chất chỉ là thứ ngoài thân. Ba đã cố gắng nuôi các con có ăn có học, tuy không cao sang gì nhưng các con là người biết chữ và phải sống như người có học thức. Sống trong xã hội phải biết giúp đỡ mọi người nếu mình có điều kiện, sống đừng có lợi dụng ai và đừng để ai lợi dụng mình. Phải tập trung chịu khó làm ăn hợp pháp và phải tiết kiệm. Ra đời làm ăn nhớ đừng mang rắc rối về nhà. Hãy nhớ câu: “Không tham không chết”.

Một đoạn khác, ông viết: “Về xử lý khi ba ra đi. Ba đã làm thủ tục đăng ký hiến xác cho khoa học. Vậy khi ba nhắm mắt xuôi tay, trong vòng 3 tiếng đồng hồ, các con phải báo cho cơ quan nhận xác đến làm thủ tục bàn giao (hồ sơ địa chỉ ở bên xác ba). Ba mất không phát tang cúng điếu làm gì. Cứ để ba ra đi lặng lẽ như ngày xưa ba cùng đồng đội lặng lẽ hành quân trong đêm ra trận. Không nhận chấp điếu của ai, các con nhận, thế hệ các con không trả nổi đâu. Bao năm chinh chiến, về lại đời thường ba chưa từng nhận sự đãi ngộ gì. Ba tự làm nuôi dạy các con. Đồng đội tặng ba mấy chữ: “Trọn nghĩa nước non, sắt son tình đồng đội”. Ba thấy đủ và vui rồi. 

Đến hơi thở cuối cùng, ba cũng cống hiến tế bào cuối cùng cho Tổ Quốc, ba rất toại nguyện. Vì đời nợ ba, ba chẳng nợ đời điều gì.

Hãy làm đúng lời ba dặn, đừng nghe ai thay đổi điều gì. Thắp nhang cho ba 49 ngày, hết thời gian này, 2 anh em đến bàn thờ ba thắp cây nhang xin ba cho chúng con xả tang để làm ăn là được rồi, với không mướn thầy bà làm gì.

Ba luôn thương yêu 2 con, thương yêu cháu nội, con dâu. Ba luôn đi theo phù hộ cho 2 con”.

{keywords}
Ông Nguyễn Ngọc Chiến trong một chuyến đi chơi Đà Lạt với con trai. Ảnh: NVCC

Đọc bức thư, một cô gái chia sẻ: “Xúc động thực sự, nguyên văn mọi câu chữ đều quá đỗi rõ nghĩa, đầy ắp tình cảm muốn gửi gắm và cả vạn tiếng yêu thương người bố muốn dành cho con cái ruột thịt trong gia đình”.

Một người khác thốt lên đầy cảm phục: “Cảm ơn chú đã sống cả đời cho dân tộc và gia đình. Khi chú ra đi cũng không quên để lại tinh thần và ngọn lửa của chú cho thế hệ sau này”.

Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Nguyễn Chiến Trường cho biết, ông Nguyễn Ngọc Chiến - ba anh từng là Đại uý pháo binh thuộc trung đoàn 209, quân đoàn 4. Ông có 15 năm liên tục chỉ huy đơn vị chiến đấu ở 3 chiến trường: Tây Nguyên, Miền Đông Nam Bộ và chiến trường K.

Sau chiến tranh, ông chuyển về làm ở Nhà máy Đay Sài Gòn. Đến năm 1990 thì ông nghỉ hưu về nhà buôn bán.

“Trong cuộc sống, ba tôi là người chính trực, thẳng thắn và luôn đau đáu với đất nước. Dù đã về hưu nhưng là một Đảng viên, khi thấy vấn đề gì bất bình ở nơi mình sống, ông đều lên tiếng. Nên có người ghét, có người thương, có người sợ bởi sự bộc trực của ông”.

Anh Trường chia sẻ, ba anh khi sống cũng là người rất có tinh thần học hỏi, cầu thị. “Ở tuổi 60, ba còn học gõ dấu tiếng Việt trên máy tính để đi bình luận trên các trang báo. Thời điểm đó, các nhóm Facebook chưa thịnh hành nên ba thường đọc báo. Những mục thời sự, chính trị là ông nhiệt tình đóng góp ý kiến lắm”.

"Ba cũng rất nghiêm khắc khi các con còn nhỏ. Nhưng kể từ khi các con đủ 18 tuổi, ông lại khá dân chủ. Ba không bắt tôi sống cuộc đời mà ba muốn. Ông tôn trọng quyết định của tôi, miễn là tôi thuyết phục được ông. Tôi cũng hay bắt bẻ ông nếu ông không hợp lý”.

Mỗi khi nhớ về ba, anh Trường nhớ đến rất nhiều kỷ niệm, về tình yêu thương lặng lẽ mà ba dành cho các con.

“Chúng ta thường đòi hỏi các mối quan hệ phải mang lại cho chúng ta hạnh phúc, khiến chúng ta vui vẻ, tích cực. Nhưng có thứ tình yêu khiến người ta chấp nhận hy sinh bản thân mình để người khác được hạnh phúc. Một trong số đó là tình phụ mẫu tử… Cả một đời, ba mẹ tôi đã yêu thương tôi và anh trai theo cách đó”.

Đăng Dương

Cô gái lập di chúc để toàn bộ tiền tiết kiệm cho tình đầu

Cô gái lập di chúc để toàn bộ tiền tiết kiệm cho tình đầu

Sự việc một cô gái trẻ lập di chúc để lại toàn bộ tiền tiết kiệm cho mối tình đầu đang gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc những ngày gần đây.