Nhật: điện hạt nhân đóng băng
Sự cố Fukushima đã khiến điện hạt nhân Nhật bị đóng băng. |
Ngay sau thảm hoạ Fukushima, 13 lò phản ứng trong các nhà máy điện hạt nhân của Nhật đã bị ngừng phát điện. Trước hết là 6 lò tại nhà máy Fukushima Daiichi, trong đó 4 lò (từ lò 1 đến lò 4) bị hư hỏng nặng, 2 lò còn lại (lò 5 và 6) dù không hư hỏng cũng dập lò ngay từ đầu. Tiếp theo, 7 lò bị đóng cửa do tác động ở mức độ khác nhau của động đất sóng thần; gồm 2 lò ở nhà máy Hamaoka, 1 lò ở nhà máy Tokai và 4 lò tại nhà máy Fukushima Daini.
Tất cả các lò còn lại trong tổng số 54 lò phản ứng năng lượng cũng lần lượt tạm ngừng khai thác để kiểm tra an toàn hoặc thay thế thiết bị. Đến cuối năm 2011 đã đóng cửa 31 lò. Số còn lại được xử lý tiếp tục trong những tháng đầu năm 2012. Và ngày 5/5/2012 lò số 3 của nhà máy Tomari ở Hokkaido trở thành lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của Nhật được lệnh dập lò, đánh dấu thời khắc đầu tiên không có mặt của điện hạt nhân trong mạng lưới điện quốc gia sau 42 năm tồn tại.
Hậu quả của việc hư hỏng và cho đóng băng các lò phản ứng nói trên đã dẫn đến sản lượng điện hạt nhân của Nhật giảm từ 280,3 TWh (năm 2010) xuống 152,6 TWh (năm 2011); tức giảm hơn 44,3%.
Hậu quả cơn “cuồng phong hạt nhân” không dừng lại chỉ ở Nhật bản, nó còn vượt ra ngoài biên giới và lan xa.
Đức: chiến lược đảo chiều
Một nhà máy điện hạt nhân ở Đức. |
Đặc biệt, chính phủ Đức đương nhiệm, trước áp lực của phong trào chống hạt nhân, đã đưa ra kế hoạch phi hạt nhân hoá từ nay cho đến năm 2022. Theo đó, 9 lò năng lượng còn lại sẽ bị đóng cửa theo lộ trình: mỗi năm 2015, 2017 và 2019 sẽ đóng cửa 1 lò, năm 2011 sẽ đóng cửa 3 lò và năm 2022 sẽ đóng cửa 3 lò cuối cùng.
Nước Đức bỗng phải đối đầu với bài toán hóc búa: vừa thay thế điện hạt nhân bằng các nguồn điện tái tạo chứa nhiều ẩn số, vừa phải hạn chế nguồn điện hoá thạch gây ô nhiễm khí nhà kính.
Với kế hoạch trên, chính phủ Angela Merkel đã quay ngoắt 180 độ trong chính sách hạt nhân. Đúng 10 năm trước, chính phủ Schröder cũng đã từng có quyết sách phi hạt nhân vào năm 2020. Khi lên cầm quyền, chính phủ Merkel đảo ngược tình thế, khẳng định con đường phát triển điện hạt nhân với dự định lò phản ứng hạt nhân cuối cùng hoạt động kéo dài chí ít cũng đến năm 2040. Và giờ đây, với kế hoạch chấm dứt điện hạt nhân năm 2022, rõ ràng chính phủ này lại phủ nhận chính mình và dẫm bước chân lên dấu chân phi hạt nhân hóa của chính phủ tiền nhiệm.
Xu thế toàn cầu
Hậu quả nặng nề đối với ngành công nghiệp điện hạt nhân do thảm hoạ Fukushima xảy ra vừa qua chủ yếu ở hai nước Nhật và Đức. Do hậu quả này, theo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), sản lượng điện hạt nhân trên toàn thế giới giảm từ 2630 TWh (năm 2010) còn 2518 TWh (năm 2011), tức giảm mất khoảng 4,3%.
Con số trên thực sự không lớn, nhưng điều quan trọng là sự kiện Fukushima đã có ảnh hưởng nhất định đến chiến lược phát triển điện hạt nhân của một số nước trên thế giới. Trước hết, ảnh hưởng lớn đến tâm lý đông đảo người dân, làm gia tăng số người có thái độ tiêu cực đối với nguồn điện này. Tiếp theo là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở một số nước đã bắt đầu có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao độ an toàn, tăng chi phí đầu tư và dãn tiến độ….
Dù vậy, xu hướng chung của nhiều nước vẫn là tiếp tục con đường phát triển điện hạt nhân.
Trong năm 2011, trên thế giới có 6 lò phản ứng mới vừa được đưa vào sử dụng cung cấp thêm 4.014 MW công suất điện. Ở Trung quốc, có 2 lò phản ứng năng lượng (ở Lingao II và Qinshan II) đưa điện vào lưới quốc gia, chưa kể 1 lò thử nghiệm nơtron nhanh (CEFR) cũng đã bắt đầu được khai thác. Ở Ấn độ có lò Kaiga 4, ở Iran có lò Bushehr và ở Nga có lò Kalinin 4 cũng được đưa vào vận hành.
Việc nâng công suất các lò phản ứng cũ, tổng cọng hơn 440 MW, cũng đã tiến hành ở các nước như Séc, Phần Lan, Mexico, Tây Ban Nha và cả Mỹ.
Ngoài ra, từ sau sự kiện Fukushima, trong năm 2011 có 2 lò phản ứng năng lượng chính thức khởi công. Ở Pakistan có 1 lò (Chashma 3) với công suất 340 MWe. Ở Ấn độ có 1 lò (Rajasthan 7) với công suất 700 MWe.
Riêng ở Trung quốc, dù đã lên kế hoạch khởi công cho ít nhất 3 lò mới trong năm 2011, cũng đã tạm dừng cấp phép khởi công xây dựng các nhà máy mới sau sự kiện Fukushima. Tuy vậy, nước này đang theo đuổi chương trình điện hạt nhân đầy tham vọng. Ngoài các nhà máy điện hạt nhân kể trên, Trung quốc có hơn 25 lò phản ứng hiện đang trong quá trình xây dựng.
Đối với các cường quốc điện hạt nhân lớn nhất như Mỹ, Pháp, Nga, chính sách hạt nhân dân sự tỏ ra không bị lung lay trước thảm hoạ Fukushima.
Uỷ ban pháp quy hạt nhân Mỹ tuyên bố sẽ rà soát sự an toàn của toàn bộ 104 lò công suất trên khắp nước Mỹ theo chỉ thị của Tổng thống Obama. Mặt khác, Chính phủ Hoa kỳ tiếp tục ủng hộ tiến trình mở rộng mạng lưới điện hạt nhân ở nước mình, mặc dù sự ủng hộ của công chúng với việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử có sự sụt giảm.
Với nước Pháp, đất nước có tỷ trọng sử dụng điện hạt nhân cao nhất thế giới (78%), chiến lược điện hạt nhân chịu ảnh hưởng không nhiều bởi bản thân sự cố Fukushima, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi cuộc giằng co quyền lực giữa các đảng phái chính trị trong nước và phụ thuộc vào đường lối của đảng cầm quyền. Thực vậy, tháng 2/2012, Tổng thống Sarkozy quyết định kéo dài thời gian khai thác các lò hạt nhân đang sử dụng trên 40 năm. Nhưng vị tổng thống mới đắc cử Francois Hollande vừa tuyên bố sẽ xem xét giảm bớt sự đóng góp của điện hạt nhân khoảng 1/3 sau năm 2025.
Tương tự các quốc gia hạt nhân khác, sau sự cố Fukushima, nước Nga cũng tiến hành kiểm tra an toàn tát cả các nhà máy điện nguyên tử. Giữa tháng 6/2012, Tập đoàn Roseneroatom đã chi khoảng 530 triệu USD cho chương trình nâng cấp độ an toàn của các bộ phận cung cấp nước và điện bổ sung. Còn chiến lược xây dựng các lò phản ứng mới, nâng cấp công nghệ lò công suất và đẩy mạnh xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân ra các nước vẫn không mấy thay đổi.
Tóm lại, bức tranh điện hạt nhân toàn cầu bị thảm hoạ Fukushima phủ bóng đen, qua một năm dần dần sáng trở lại. Và điện hạt nhân vẫn còn hiện diện ở nhiều phần của trái đất và đang lan rộng.
Theo nhiều nhà phân tích, trạng thái này còn kéo dài chí ít đến giữa thế kỷ XXI này, vào khoảng năm 2050, do nhu cầu điện năng trong vài ba thập niên tới đang còn tiếp tục tăng theo đà phát triển kinh tế, trong khi các nguồn năng lượng mới sạch hơn, an toàn hơn, giá thành khả dĩ được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận chưa đủ sức áp đảo và sẵn sàng thế chân.
Đến lúc đó ngành công nghiệp điện hạt nhân có thể sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Một lịch sử đầy bi tráng.
Trần Thanh Minh