Bên cạnh chất lượng, giá bán được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi người dùng tìm đến một chiếc điện thoại xách tay. So với hàng chính hãng, máy xách tay thường có giá thấp hơn khoảng 3-5 triệu đồng tùy theo từng model.

Lợi dụng tâm lý ham giá rẻ của nhiều người, một số cửa hàng đã tìm cách dìm giá sản phẩm xuống thấp hơn giá thị trường để có thể lôi kéo khách đến tận nơi mua máy. Nếu như không tỉnh táo, người dùng hoàn toàn có thể nhận phải “cú lừa” từ những chiêu trò của họ.

Bày giá ảo để lôi kéo khách đến cửa hàng

Tham khảo trên trang web của một cửa hàng chuyên bán điện thoại xách tay nằm ở đường Thái Hà, Hà Nội, chiếc iPhone XR đang được chào bán với mức giá 9,8 triệu đồng cho phiên bản 64 GB màu đỏ. So sánh với nhiều cửa hàng khác, mức giá tại đây thấp hơn khoảng 1 triệu đồng.

{keywords}
Giá bán của chiếc iPhone XR màu đỏ có mức chênh lệch lên đến 1 triệu đồng tùy từng nơi bán.

Nếu chỉ nhìn vào giá bán trên trang web, người dùng sẽ dễ dàng bị nhầm tưởng rằng mình đã tìm được một món hời. Tuy nhiên, khi liên hệ với cửa hàng trên, nhân viên tư vấn cho biết đây là mức giá của loại hàng 95%, máy xấu, có nhiều vết trầy xước và không bán kèm phụ kiện. Thời gian bảo hành cho loại máy này cũng chỉ kéo dài 6 tháng và không bao gồm lỗi liên quan đến nguồn, màn hình cũng như Face ID.

Nếu muốn chọn mua loại hàng 99%, đầy đủ phụ kiện cũng như bảo hành toàn bộ máy trong 12 tháng, mức giá của chiếc máy này bị đẩy lên thành 11,1 triệu đồng. Thậm chí, mức giá đó còn cao hơn khoảng 300.000-400.000 đồng so với thiết bị tương đương tại nhiều cửa hàng khác.

Trên thực tế, chiêu trò này không còn mới. Tuy nhiên, tình trạng trên diễn ra ngày càng phổ biến trên thị trường di động xách tay, nhất là khi mặt hàng này đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều cửa hàng nhỏ bày ra nhiều chiêu trò khác nhau để lôi kéo khách đến cửa hàng.

"Khi đã bị lôi kéo đến cửa hàng, người dùng có xu hướng nghe theo tư vấn của nhân viên với tâm lý bỏ thêm vài trăm nghìn để có máy xịn, hơn là đi về tay không", ông Xuân Tình, chủ cửa hàng điện thoại ở Lê Hồng Phong, Quận 10, TP.HCM chia sẻ.

Ông Tình cũng cho biết thêm rằng nguồn hàng của các nơi đa số đều giống nhau. Tính thêm các chi phí vận hàng, sửa chữa và marketing, mức giá cuối cùng của mỗi chiếc điện thoại khi bán ra tại các cửa hàng sẽ không thể chênh lệch nhau quá nhiều.

Chế độ bảo hành thiếu minh bạch

Một trong những yếu tố quan trọng không kém nhưng lại thường xuyên bị người dùng bỏ qua là chế độ bảo hành. Điện thoại xách tay đa số là máy cũ, đã qua sử dụng nên chúng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ hỏng hóc.

{keywords}
Nhiều cửa hàng tách riêng từng gói bảo hành để có thể moi thêm tiền từ người dùng.

Tuy nhiên, khi mua máy ở một số cửa hàng, điện thoại sẽ không được bảo hành nguồn và màn hình. Đây là hai thành phần linh kiện quan trọng và đắt giá nhất trên máy. Đối với những chiếc iPhone đời mới, thiết bị còn không được bảo hành Face ID.

Nếu muốn được bảo hành toàn bộ thành phần linh kiện như đối với hàng chính hãng, người dùng sẽ buộc phải bỏ thêm từ 500.000-800.000 đồng để mua gói "bảo hành vàng" mà cửa hàng cung cấp riêng. Điều được xem là điều bất hợp lý khi khách hàng không được hưởng sự an tâm mà lại phải bỏ thêm tiền để mua gói bảo hành.

Để có thể chọn được một chiếc máy chất lượng và có giá bán hợp lý, người dùng sẽ cần phải hết sức tỉnh táo, tránh rơi vào cái bẫy từ nhiều cửa hàng điện thoại xách tay. Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm chính hãng luôn có mức giá cao hơn đến vài triệu đồng so với máy xách tay.

(Theo Dân Trí)