Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có đông đồng bào dân tộc Thái (40% dân số) và dân tộc Thổ (12% dân số).

Nếu như trước đây, Quỳ Hợp nằm vị trí đường cụt, chỉ có độc đạo tuyến quốc lộ 46 thì đến nay toàn huyện đã có 1.272km cùng hệ thống cầu, cống đồng bộ; trong đó quốc lộ có 4 tuyến, tổng chiều dài 132km; 15 tuyến tỉnh, huyện lộ, tổng chiều dài 211km… phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Nhờ đó mà thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển.

W-anhquyhop.png
Một góc Quỳ Hợp nhìn từ trên cao

Huyện Quỳ Hợp phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người hơn 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt đời sống nhân dân…

Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp Phan Đình Đạt cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện Quỳ Hợp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và tập trung thực hiện.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới đã khó nay xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi khó gấp bội. Tuy nhiên bằng sự quyết tâm cao, được sự đồng lòng của nhân dân cùng với sự hỗ trợ của cấp trên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã giúp huyện khó này đẩy nhanh quá trình trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện có 6 xã và 16 xóm của 14 xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2010 đến năm 2022, tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế, tiềm năng là địa phương có nhiều tài nguyên thiên nhiên, như đai đỏ bazan, đá trắng, thiếc... do đó phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được xác định là khâu đột phá, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế-xã hội.

Bắt kịp làn gió mới của khoa học công nghệ tiên tiến, huyện đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi không ngừng được đẩy mạnh, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất hàng hóa đến tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện đã có 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn “3 sao” cấp tỉnh; đặc biệt, Quỳ Hợp là vùng nguyên liệu lớn phát triển cây có múi và là địa lý chỉ dẫn nổi tiếng với thương hiệu Cam Vinh. Cùng với đó, các công ty liên doanh với nước ngoài trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, khoáng sản ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2022 (tính theo giá trị gia tăng) là 7,54%.

Thành quả trong phát triển kinh tế của huyện Quỳ hợp là kết quả từ việc xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và nguồn lực lao động. Để hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Quỳ Hợp luôn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, quy mô lớn.

Đến nay, toàn huyện có 6 cụm công nghiệp; 158 xưởng sản xuất, chế biến đá, quặng thiếc phát triển ổn định cùng các doanh nghiệp cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn như Nhà máy đường NASU, Công ty TNHH MNS Farm Nghệ an… hằng năm tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động.

Những kết quả trong quá trình xây dựng và phát triển vừa qua là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện Quỳ Hợp tiếp tục phấn đấu, trước mắt là đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt đời sống nhân dân; huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Lê Thúy và nhóm PV, BTV