Các nhà tâm lý học cho rằng 85% số người cảm thấy vui vẻ khi nghe những chuyện ngồi lê đôi mách về sự việc xảy ra với ai đó và cứ 10 người thì chỉ 1 người giữ được một “bí mật” nào đó mà không tiếp tục rỉ tai với người khác. Chính việc “buôn dưa lê” ấy nâng cao cảm giác hòa nhập với xã hội cũng như cảm giác bình yên.

85% số người được hỏi cảm thấy vui vẻ khi nghe những chuyện ngồi lê đôi mách. Ảnh minh họa.

Theo tiến sĩ tâm lý học Colin Gill, sự ngồi lê đôi mách, buôn chuyện (mà mục đích chỉ để mua vui, không có ý đồ xấu)… kích hoạt việc sản sinh ra các hocmon như serotonin từ não, làm giảm stress và những sự lo lắng, bất an, vướng mắc ở trong lòng.

Khi một người chia sẻ được với người khác một “bí mật” mình che giấu trong lòng sẽ sinh ra một sự thích thú, hài lòng, giải tỏa dù nhỏ bé. Có chuyện để nói với nhau, tiếp xúc một cách tin cậy với nhau (“chuyện này mình chỉ nói với cậu thôi đấy nhé”) làm cho cả người nói và người nghe đều cảm thấy hạnh phúc.

Các nhà khoa học khẳng định rằng hiệu ứng tương tự sinh ra khi chúng ta so sánh mình với những người xung quanh. Cùng với lời kể, người ta cũng cười ngặt nghẽo, thậm chí có thể cười phá ra. Điều đó có tác dụng tốt đến sức khỏe.

Theo quan điểm tiến hóa, việc trò chuyện với nhau giúp người ta thu lượm được những thông tin hữu ích về hành vi, tính cách của người khác.

Những điều đó giúp chúng ta tránh xa được những người không đáng tin cậy, hòa mình vào một nhóm lớn, hiểu được hành vi nào là thích hợp trong một nhóm cụ thể. Vai trò của việc ngồi “tám” chuyện giữa bạn bè giống như việc thân mật ngồi bắt rận cho nhau trong một bầy khỉ - các nhà tâm lý học so sánh.

Bảo Châu