Trong khi sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý theo các quy định nghiêm ngặt thì nhiều năm qua, việc buôn lậu thuốc lá vẫn là một vấn nạn chưa được xử lý triệt để.
Qua số liệu của ngành Hải quan, từ năm 2014 đến 2018, ngành Hải quan đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự có 1 vụ, số đối tượng xử lý hình sự có 18 đối tượng. Như vậy là lực lượng hải quan bắt khá nhiều, nhưng việc xử lý hình sự còn ít, trong 4 năm mới xử lý hình sự được 01 vụ.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng lôi kéo người dân tham gia vận chuyển trong khi đường biên giới dài rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, vì lợi nhuận lớn nên các đối tượng trang bị phương tiện hiện đại, tìm đủ mọi cách để đưa thuốc lá lậu vượt biên trong khi công cụ hỗ trợ của lực lượng chức năng còn hạn chế.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Theo điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông…
Thực tế cho thấy buôn lậu thuốc lá rất có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao, thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng rất tinh vi, thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển thường bị phân tán, xé lẻ, ngụy trang kín đáo, trộn lẫn giữa các hàng hóa khác hoặc thuê mướn người khác vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau và không tập kết hàng như trước nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Điều đáng quan tâm là chính từ buôn lậu thuốc lá đã làm ngân sách nhà nước thất thu tiền thuế. Bên cạnh đó, chất lượng không được kiểm soát của sản phẩm thuốc lá lậu trôi nổi trên thị trường là tiếng chuông cảnh báo về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng...
Như các đại biểu đã phát biểu, các đối tượng sử dụng phương tiện hiện đại, xe phân khối lớn, ô tô, xuồng máy tốc độ cao… nên việc truy bắt khó khăn, khi bắt được thì các đối tượng chống trả quyết liệt.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng quản lý thị trường không đủ phương tiện hiện đại đáp ứng nhiệm vụ. Thuốc lá lậu trốn được tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%... mang lại lợi nhuận lớn nên đối tượng buôn lậu hết sức liều lĩnh…
Tổng Công ty Thuốc lá thời gian qua đã đề ra một loạt giải pháp để ứng phó với tình trạng buôn lậu, và đây cũng là sứ mệnh của Tổng Công ty 100% vốn Nhà nước trong việc thu nộp ngân sách, thực hiện các chương trình an sinh xã hội...
Đại diện Tổng công ty này cho biết:“Chúng tôi cũng đang hết sức cố gắng để cơ cấu lại, hay nói cách khác là tái cơ cấu hệ thống phân phối để tạo một khối sức mạnh đoàn kết, lấp các vùng trũng của thị trường. Nói là như vậy, nhưng trên thực tiễn để lấp được vùng trũng cho thị trường buôn lậu tại khu vựcTây Nam là vô cùng khó khăn”.
Thúy Ngà