Xưa, khi tôi còn nhỏ. Mỗi bận bố tôi nghỉ phép về thăm nhà, bố thường ngồi bệt giữa thềm kêu tôi nhổ tóc sâu cho bố:

“Nào con gái, nhổ một sợi tóc trắng bố trả một trăm đồng. Mười sợi được một nghìn, hai mươi sợi được hai nghìn, đủ mua kẹo dừa ăn nhé”.

Những lúc ấy tôi hào hứng lắm. Tôi cầm hạt lúa, kẹp nó vào sợi tóc trắng tìm được và nhổ. Một sợi, hai sợi… càng nhiều càng thấy vui.

Ngày tháng qua đi, cô bé con là tôi đã trở thành thiếu nữ, mỗi lần bố về thăm nhà, gạ nhổ tóc trắng đều kiếm cớ để đi chơi. “Tóc trắng bố giờ nhiều như vầy, nhổ bao giờ mới hết được”. Tôi kiếm cớ phụng phịu, bố nhờ riết không được đành đem gương ra, vừa soi gương vừa tự nhổ tóc trắng cho mình. Cái dáng lom khom của bố cũng không khiến tôi bận tâm là mấy.

Rồi bố về hưu, về quanh quẩn với ruộng vườn. Tôi đi học Đại học, bận bịu với những niềm vui, nỗi lo của riêng mình. Mỗi lần về thấy tóc bố trắng nhiều hơn. Bố không còn nhờ tôi nhổ tóc trắng, cũng không còn tự soi gương nhổ. Bố mua thuốc nhuộm về, tỉ mẩn ngồi nhuộm lại. Mọi người khen bố nhuộm tóc ra trông trẻ như thanh niên. Bố nghe xong vui lắm, cứ cười, nếp nhăn níu nhau xếp hàng nơi đuôi mắt.

Tôi lấy chồng, ở xa, ít khi về thăm nhà. Tóc bố tôi giờ một màu trắng bạc. Hỏi bố sao không nhuộm tóc nữa, bố nói: “Có nhuộm thì rồi nó sẽ lại mọc ra nhanh lắm, trông loang lổ rất buồn cười. Phải chấp nhận sự thật là mình đã già rồi con ạ, thôi thì thuận theo tự nhiên”. Tôi nhìn tóc trắng trên đầu bố, nhìn mây trắng lãng đãng bay trên trời, tự nhiên thấy lòng trống rỗng một nỗi buồn vu vơ.

Thỉnh thoảng ngồi chải tóc, thấy một hai sợi tóc trắng lấp ló trên đầu mình, tôi rất hoảng. Cái cảm giác mình đã sắp già rồi, cảm giác mỗi ngày đi qua, mỗi tháng, mỗi năm đi qua, thời gian đều lưu lại trên màu tóc khiến tôi có chút sợ hãi.

Con gái nhỏ của tôi lại giống tôi hồi bé, rất háo hức khi tìm được một sợi tóc trắng cho mẹ ở trên đầu. Chồng tôi thì vẫn đùa: “Mới gặp em thuở đôi mươi đó, vậy mà tóc đã bạc đến nơi rồi”. Một câu cảm thán của chồng vậy mà lòng rấm rứt mãi không thôi.

Dạo này tôi lại hay nhớ về những chuyện ngày xưa. Nhớ khi còn bé thơ, nhớ những con đường cũ, nhớ những gương mặt cũ lâu lắm rồi không gặp lại. Nhớ những ước mơ, yêu dấu tuổi thanh xuân. Chạm đến cái gì cũng đều gợi nhớ một miền kí ức xa thẳm.

Khi còn trẻ, người ta chỉ nghĩ về tương lai. Khi về già, người ta lại chỉ nhớ nhiều về những ngày còn trẻ. Giống như bố tôi bây giờ, mỗi khi ngồi chuyện trò chỉ kể về ngày xưa, về thời chiến tranh, về chuyện cõng em chạy đi sơ tán, về mối tình đầu tiên. Bất kể là chuyện vui hay chuyện buồn, bố đều kể lại với giọng điệu rất nhẹ nhàng thanh thản.

Bố nhắc tôi, còn trẻ chớ hoài niệm quá nhiều. Hiện tại không phải lúc nào cũng đẹp nhưng là quãng thời gian đáng trân trọng hơn bất cứ thứ gì. Đừng bận tâm đến những niềm vui nỗi buồn, những hạnh phúc đắng cay, những hối tiếc lỗi lầm trong quá khứ. Trên đời này, chuyện ngu ngốc nhất, vô nghĩa nhất chính là dằn vặt mình về những chuyện đã qua. Đừng mất thời gian quá nhiều chỉ để nghĩ về những chuyện không cách nào thay đổi.

Có những chuyện biết rõ là như vậy nhưng mấy ai điều khiển được cảm xúc của mình. Đôi khi điều muốn nhớ thì không nhớ, điều đáng quên lại không thể quên. Nhớ hay quên, đâu phải mình muốn làm là làm được. Vậy nên đôi lúc thẫn thờ, vẫn nhớ rất nhiều về những kỉ niệm vui buồn thuở xa xưa. Rồi lôi gương soi ra, nỗi buồn thương như vương lên màu tóc.

'Dịch bệnh chia cắt các đôi nhưng không thể ngăn cản tình yêu của họ'

'Dịch bệnh chia cắt các đôi nhưng không thể ngăn cản tình yêu của họ'

"Em đã hứa bên anh đến cuối đời. Hãy nhớ giữ lời nhé", Chen Shenghao, một cảnh sát gửi tới người vợ đang bị nhiễm virus corona, phải nằm cách ly nhiều ngày trong bệnh viện.

Theo Dân Trí