- Một số người nói khối C chỉ dành cho những người học dở, những người chỉ biết học thuộc lòng một thứ gì đó mà không có đầu óc tư duy suy luận. Tôi xin khẳng định với bạn, khối C hoàn toàn không như vậy và rất hấp dẫn.

Việt Nam có Bác Hồ là là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị lỗi lạc, đại tướng Võ Nguyên Giáp từng làm luật sư, luật sư quá cố Nguyễn Hữu Thọ từng tốt nghiệp ĐH luật của Pháp.

Trên thế giới có các tổng thống nổi tiếng như Franklin Roosevelt tốt nghiệp học viện Luật học Columbia, Bill Clinton tốt nghiệp đại học Yale và dạy môn luật tại Đại học Arkansas, Geogre W. Bush tốt nghiệp trường Đại học Yale và nhận bằng cử nhân lịch sử năm 1968, Barack Obama tốt nghiệp Khoa Luật - Đại học Harvard.

Tóm lại, hầu hết những người có địa vị xã hội, những người lãnh đạo xã hội đều học các ngành khoa học xã hội. Sự thành công của họ phần lớn phụ thuộc vào khả năng tổ chức làm việc, đầu óc phân tích, khả năng hùng biện, tài diễn thuyết.

Để học tốt một môn, nếu không tìm ra được lý do, không tìm được phương pháp học thì môn học sẽ trở thành “trái bồ hòn” của bạn. Bạn hãy nghĩ, học văn- sử- địa là phương tiện để vươn ước mơ và hãy bỏ chuyện điểm số qua một bên.

Hiện là luật sư, rời ghế nhà trường khá lâu nhưng bí quyết giúp tôi thành công vẫn rất đơn giản. Tôi hy vọng cách học của mình sẽ giúp các bạn thấy việc học khối C thật nhẹ nhõm và thú vị.

Giỏi Địa lý có thể trở thành nhà đầu tư tài ba

Học môn này để hiểu biết tổng quát về các điều kiện tự nhiên, dân số của đất nước.

Thứ hai, luyện được kỹ năng phân tích, tổng hợp và dự báo từ đó đưa ra các giải pháp cho tương lai. Thông qua những hiểu biết về đặc trưng vùng miền, các chính sách đã thi hành, kết quả đạt được rồi bạn tổng hợp, phân tích để tìm được những chính sách đúng, sai nguyên nhân thành công, thất bại từ đó đưa ra các chính sách mới.

Phương pháp học địa lý gồm hai phần: Hiểu biết cơ bản đặc trưng vùng miền và vẽ biểu đồ, phân tích biểu đồ, dự báo, đưa ra giải pháp.

Vấn đề hiểu biết cơ bản về đặc trưng vùng miền (lý thuyết), bạn phải xác định vùng kinh tế.

Bạn xác định cho được điều kiện tự nhiên gồm khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, các loại sinh vật đặc trưng, các loại khoáng sản và trữ lượng.

Về điều kiện dân số bạn xác định số lượng dân số, cơ cấu dân số (cơ cấu giới tính, cơ cấu độ tuổi), trình độ học vấn.

Đó là phần lý thuyết, cung cấp hiểu biết cơ bản để phục vụ cho công tác phân tích và định hướng cho chính sách mới.

Để trở nên tài giỏi, bạn không thể không thường xuyên luyện tập các kỹ năng của mình.

Khi luyện kỹ năng phân tích thông qua biểu đồ, biện pháp tiện lợi nhất là sử dụng Atlat địa lý. Atlat là biểu thị các đặc trưng vùng miền bằng hình ảnh trực quan, bạn không cần phải đọc nhiều để tập trung phân tích và ít bị ảnh hưởng bởi lời văn người khác. Các dạng biểu đồ chỉ xoay quanh qua 3 dạng cơ bản là biểu đồ tăng trưởng và biểu đồ cơ cấu hoặc kết hợp cả hai.

Việc phân tích biểu đồ địa lý cũng có nét tương đồng với phân tích báo cáo tài chính, phân tích kinh tế vĩ mô…trong kinh doanh chứng khoán, tiền tệ (việc học giỏi địa lý kết hợp giỏi toán bạn có thể trở thành nhà đầu tư lớn và tài giỏi). Đó là so sánh ngang - dọc.

So sánh nhằm chỉ ra tốc độ tăng trưởng, sự thay đổi cơ cấu, từ đó kết hợp một số kiến thức về các chính sách đã được áp dụng, một ít kiến thức kinh tế học cơ bản, bạn nhận xét thành tựu và thất bại của chính sách, các nguyên nhân của nó và điều quan trọng nhất, bạn có đưa ra được sáng kiến chính sách nào mới không.

Như bạn thấy, địa lý thực ra là kinh tế học địa lý hay là kinh tế học vĩ mô cơ bản. Nó cần ở bạn tầm hiểu biết rộng, tầm nhìn rộng và đầu óc phân tích. Cho nên việc học địa lý theo kiểu “rắn là một loài bò, rắn là một loài bò, sát không chân, sát không chân” sẽ không bao giờ hiệu quả.

Am tường lịch sử để ứng xử hay

Bạn cứ tưởng tượng mình là đại tướng về tính báo, chức vụ Tổng cục trưởng Tổng Cục 2, có nhiệm vụ tổng hợp tin tức, phân tích tin tức và đưa ra lời tư vấn cho Bộ Chính trị nhằm bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Bạn đưa ra lời tư vấn như thế nào khi bạn không biết gì về lịch sử Việt Nam, những nguyên nhân làm nên thành công và thất bại của ta trong quá khứ. Hiểu biết lịch sử không giúp ta thay đổi được quá khứ nhưng giúp ta có thể thay đổi được tương lai. Đó là cái lý do để học lịch sử.

Về phương pháp, sai lầm lớn nhất là phải nhớ rõ, nhớ dai những sự kiện lịch sử.

Học lịch sử, bạn phải biết nguyên nhân của sự kiện để rút ra bài học cho tương lai chứ không phải chỉ biết sự kiện không thôi.

Phương pháp xác định giai đoạn lịch sử:
Trước tiên, bạn phải xác định được giai đoạn lịch sử, tại sao lại có các giai đoạn lịch sử. Mỗi một một giai đoạn mang một bài học và ý nghĩa riêng.

Phương pháp phân tích tình hình, tìm ra giải pháp: Bạn hãy xem mình quay về quá khứ và là nhà lãnh đạo cách mạng, bạn thông qua kiến thức thu thập được phân tích tình hình của lịch sử, các biện pháp ứng phó và sử dụng tình hình.

Phân tích tình hình gồm phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước. Cấu trúc phân tích gồm mâu thuẫn chính, nguyên nhân mâu thuẫn, phe phái (giai cấp) mâu thuẫn, bài học của quá khứ, dự báo tình hình.

Từ phân tích trên, bạn xác định lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng, khẩu hiệu cách mạng… Đó là công việc của nhà lãnh đạo cách mạng.

Quay lại hiện thực, bạn là học sinh học lịch sử, hay còn gọi là nhà nghiên cứu lịch sử, hãy nhận xét những thành công và sai lầm của mình trong quá khứ. Như vậy, bạn đã hoàn thành một bài viết lịch sử hoàn hảo.

Như bạn thấy, lịch sử là môn khoa học về cách thức tổ chức làm việc và ứng xử. Bạn có thể ứng dụng nó trong hiện tại cho các môi quan hệ và cách thức tổ chức làm việc của mình đó là phân tích, đưa ra dự báo và giải pháp ứng xử.

Điều cuối cùng tôi muốn nói về môn lịch sử là mỗi người, mỗi chế độ khác nhau có góc nhìn lịch sử khác nhau.

Bạn nên nghiên cứu lịch sử dưới góc độ trung lập, dù bạn ở dưới chế độ nào. Bởi vì hiểu biết lịch sử dưới ánh mắt chủ quan, tình cảm riêng, định kiến giai cấp, dân tộc, tôn giáo…sẽ khiến bạn không hiểu biết đúng về lịch sử mà hậu quả của nó là bạn không học được bài học nào trong quá khứ và có thể khiến bạn tiếp tục sai lầm trong tương lai. Tôi khuyên bạn nên tìm đọc và so sánh tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau và không nên phụ thuộc vào sách giáo khoa như thế bạn là người nghiên cứu sử chân chính.

Giỏi văn để thuyết phục người khác

Bạn có để ý sẽ thấy các tổng thống Mỹ đều được đánh giá qua tài hùng biện. Trước khi bầu cử, họ phải tranh luận với đối thủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ tài hùng biện đã khiến mỗi lời nói trở thành “tâm lệnh” của mọi người.

Muốn làm lãnh đạo hoặc người quản lý, bạn phải có kỹ năng thuyết phục người khác hay còn gọi là kỹ năng điều khiển người khác qua lời nói. Kỹ năng này không những cần thiết cho nhà lãnh đạo chính trị mà còn hữu ích đối với mỗi người.

Bây giờ, bạn háo hức muốn trở thành thiên tài hùng biện nhưng không biết biện pháp nào để luyện tập. Tôi xin mách nhỏ với bạn môn văn là cơ hội tốt tôi luyện kỹ năng đó.

Hiện nay, các thầy cô giáo một số người quá chú trọng "cái tôi" và giáo điều đã áp đặt quan điểm, kiến thức của mình cho học sinh.

Việc học sinh có các bài phân tích văn học khác lạ được xem không có kiến thức và phê trong lời nhận xét là “sai” và đánh điểm không.

Tôi xin khẳng định lại học văn học để luyện tập kỹ năng lập luận thuyết phục người khác cho nên không có việc đúng hay sai trong phân tích một bài thơ, tiểu thuyết nào đó mà chỉ có có lý hay không có lý, thuyết phục được người khác không.

Ví dụ phân tích hai câu thơ “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được. Cá đâu đớp động dưới chân bèo” một học sinh lập luận phân tích chứng minh Nguyễn Khuyến là người câu cá tồi với các dẫn chứng hài hước và trung thực, cách lập luận tạm được, nhưng rất tiếc bài văn đã không được chấp nhận. Đó là sai lầm của giáo viên.

Về phương pháp học môn văn: làm một bài phân tích tác phẩm, bạn phải trả lời câu hỏi, tác giả muốn nói gì qua tác phẩm của mình.

Để trả lời câu hỏi, bạn phải tìm hiểu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, hoàn cảnh xã hội nơi tác giả sinh sống, đọc tác phẩm và đọc ít nhất 3 lần, bạn nên tham khảo các bài phân tích và nghiên cứu về tác giả cũng như tác phẩm đó.

Về kỹ thuật viết bạn phải nắm vững cấu trúc bài văn, cấu trúc đoạn, cấu trúc câu và không viết sai chính tả. Để làm được điều này phải phải thường xuyên luyện tập viết và nhờ thầy cô nhận xét, đồng thời bạn nên mua và sử dụng các sách từ điển tiếng Việt, văn phạm tiếng Việt.

Xin lưu ý ý kiến giáo viên và bài văn mẫu chỉ để tham khảo. Khi làm một bài phân tích tác phẩm, điều quan trọng nhất là bạn phát hiện ra điểm gì mới trong tác phẩm so với kiến thức của thấy cô truyền dạy hay không, bạn làm như thế nào bảo vệ quan điểm của mình và thuyết phục người khác. Nếu bạn không có ý kiến gì mới là bạn đang ăn cắp bản quyền và bạn không thể hiện được giá trị cá nhân của mình.

Tóm lại, môn Văn là cơ hội cho bạn luyện tập kỹ năng hùng biện – thuyết phục người khác. Nhưng nó chưa hoàn thiện nếu chỉ là những bài viết đơn thuần.

Đỉnh cao của hùng biện là thuyết trình. Bạn cứ hình dung bài viết là bản nhạc nhưng nó chỉ được xem là bản nhạc hay khi ban nhạc tấu trình.

Người ta nói “nói gì không quan trọng, quan trọng là nói như thế nào” cũng để ám chỉ đỉnh cao của hùng biện là thuyết trình. Như vậy nếu có tham vọng trở thành chính trị gia hay luật sư bạn nên luyện tập khả năng thuyết trình ngay hôm nay.

Sẵn sàng 'hạ gục' thầy cô

Như vậy các bạn đã thấy khối C gồm các môn học Văn – Sử - Địa hoàn toàn không phải các môn học dựa vào trí nhớ tốt, nó cần ở bàn đầu óc tư duy phân tích, phán đoán, lập luận v.v..nó là tiền đề, là cơ hội cho những ai muốn trở thành người tài giỏi trong lãnh đạo, trong ứng xử và kể cả trong đầu tư kinh doanh.

Tôi cũng nhấn mạnh với các bạn rằng học là cơ hội để ta tôi luyện thành tài và bạn nên chủ động điều khiển nó bằng cách ngoài giờ học trong lớp bạn tham gia các nhóm, câu lạc bộ cùng nhau tranh luận và luyện tập các kỹ năng của mình.

Việc điểm số chưa thể khẳng định bạn là người tài giỏi, bạn nên thẳng thắn tranh luận đối chất với thầy cô, sẵn sàng hạ gục họ, có như thế mới gọi là đi học.

Mỗi chúng ta có một con người riêng, một giá trị riêng, bạn đừng biến mình thành “cuốn băng trắng” để thầy cô “sao y bản chính” của họ qua bạn. Có nhiều học trò giỏi là niềm tự hào của thấy cô cho nên bạn cứ yên tâm tranh luận với thầy cô.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với bạn hãy tiến hành nó ngay hôm nay, thành lập câu lạc bộ Văn - Sử - Địa, luyện tập kỹ năng vừa học được. Biết đâu được một ngày nào đó bạn trở thành vĩ nhân được lưu danh trong lịch sử sánh ngang Bác Hồ, Tướng Giáp. Bạn đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, đừng bao giờ ngừng phấn đấu, Bác Hồ chỉ thành công khi đã 55 tuổi và đã bỏ ra biết bao công sức.

Chúc các bạn thành công.

Huỳnh Thanh Trà (luật sư, TP.HCM) 

Chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm học và thi đại học với các em học sinh theo địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn: