Cách đây không lâu, làng Hiware Bazar (Ấn Độ) là một trong những nơi dễ bị hạn hán nhất ở Maharashtra, Ấn Độ.
Năm 1995, thu nhập bình quân đầu người của làng khoảng 830 Rupee/tháng (~270.000 đồng/tháng). 90% dân cư của làng phải di cư sang nơi khác làm ăn kiếm sống.
Nguyên nhân do thiếu nước dẫn đến những cánh đồng trong làng cằn cỗi, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, mỗi tháng thu nhập bình quân đầu người của làng là 30.000 Rupee (gần 10 triệu đồng/tháng). Có được điều đó là nhờ 1989, ông Popatrao Pawar được bổ nhiệm làm trưởng làng đã thay đổi cách trồng cây, đưa nguồn nước về giúp hồi sinh trồng trọt.
Ông đã đóng cửa các cửa hàng rượu bất hợp pháp trong làng. Sau đó, ông cùng dân làng vay tiền của ngân hàng để bắt đầu chương trình lưu trữ nước mưa để đảm bảo cung cấp cho làng.
Nhờ khoản tiền vay này mà làng xây dựng các đập và các bể chứa nước để trữ nước mưa. Thêm vào đó, hàng ngàn cây xanh đã được làng trồng. Chỉ với 90 giếng hồi năm 1990, ngôi làng nhỏ bé này hiện có khoảng 294 giếng nước
Vào thời còn hạn hán, giếng cạn khô nước, người dân lâm vào cảnh rượu chè, bạo lực gia đình.
Ngoài trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển, riêng sản lượng sữa tăng từ 150 lít/ngày giữa những năm 1990 lên đến 4.000 lít/ngày hồi năm 2015. Trong năm 2005-2006, nông nghiệp thu về cho làng 24,8 triệu Rupee (~8 tỷ đồng) đến nay con số chắc chắn đã cao hơn.
Năm 1995, có 168 gia đình dưới mức nghèo khổ, con số này giảm còn 53 hộ trong khảo sát năm 1998 và năm 2015 chỉ còn 3 hộ.
73% các gia đình trong làng thoát nghèo nhờ tiền thu về từ bán sữa và hoa màu.
Cả làng có hơn 1.200 người thì có 60 người là triệu phú. Làng có khu chợ nhộn nhịp, đường sá sạch sẽ, cánh đồng xanh tươi và những ngôi nhà kiên cố.
Cả làng loại bỏ các cây trồng cần nhiều nước, thay vào đó là trồng các loại rau, trái cây, hoa dùng ít nước hơn. Dân làng cùng nhau trồng trọt trên các trang trại thay vì thuê người bên ngoài, chính họ hưởng được tiền thu về từ bán nông sản.
(Theo Dân Việt)