Cà Mau là địa phương có vị trí ba mặt giáp biển, là vùng bán đảo có giá trị kinh tế, sinh quyển và du lịch cao trong cả nước. Trên 100.000ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái tại Cà Mau. Cùng với đó là sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch từ lợi thế hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt của hai Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh hạ…

Đặc biệt, Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018; đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, nhất là việc xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.

anh 22  1.jpg
Cà Mau xác định du lịch là ngành mũi nhọn của địa phương. Ảnh: Đình Sơn

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã và đang có nhiều dự án để tập trung xây dựng, phát huy và khai thác tốt lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Trong đó, phát triển du lịch xanh là định hướng lâu dài, bền vững của tỉnh với mong muốn khởi sắc du lịch.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua địa phương xác định phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển, đảo gắn với văn hóa bản sắc địa phương là định hướng xuyên suốt, lâu dài. 

anh 22 2.jpg
 Phát triển du lịch sinh thái ở Cà Mau. Ảnh: Đình Sơn

Địa phương cũng khai thác các lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên, giá trị văn hoá truyền thống từ các làng nghề truyền thống như tôm khô, cá khô, muối ba khía, gác kèo ong, đan đát... tạo nên dấu ấn du lịch khác biệt, độc đáo của địa phương. 

Bức tranh về du lịch Cà Mau phát triển theo hướng du lịch xanh, có sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tạo nên sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, mang tính chất đặc trưng. 

Trong đó, du lịch trải nghiệm gắn liền với các hoạt động đời sống, sản xuất của người dân là loại hình cần được ưu tiên. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang quyết liệt triển khai và tích cực hỗ trợ các khu, điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch cộng đồng. Trong đó, tập trung xây dựng quy hoạch, mời gọi đầu tư vào phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Đầm Thị Tường, Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ… 

Riêng Khu du lịch Mũi Cà Mau đang xây đề án phát triển làng văn hoá du lịch, do UBND huyện Ngọc Hiển chủ trì thực hiện, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Song song đó, du lịch xanh còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch, góp phần tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân bản địa. Đồng thời, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, nhằm thúc đẩy hơn nữa phát triển du lịch tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, gắn liền phát triển xứng tầm với điều kiện tài nguyên thiên nhiên. 

Đến nay, tỉnh đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng du lịch trong thời gian tới, trong đó du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, tạo sản phẩm du lịch OCOP được chú trọng với mục tiêu đón khoảng 2 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng du lịch đạt trên 10%/năm cho những năm tiếp theo.

Đình Sơn