Bác Hồ từng nhận định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; coi mù chữ là quốc nạn và “dốt” cũng là một loại giặc nguy hiểm cần phải tiêu diệt ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Những năm qua, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.​

Gần 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và xây dựng xã hội học tập. Công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục được tiến hành rộng khắp, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 năm 2022

Công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp và sự ủng hộ, nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể, xã hội. 

Thời gian qua, tỉnh chú trọng tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân, ở mọi địa bàn dân cư trong tỉnh, nhất là các địa bàn còn nhiều người mù chữ về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đảm bảo quyền được biết chữ của mọi người đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Biết chữ có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các quyền cơ bản khác, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới. Kết hợp giữa tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng với tuyên truyền miệng, khẩu hiệu, biểu ngữ, pa nô, áp phích, phát động thi đua… Biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ (sách mỏng, tờ gấp, áp phích, băng rôn…). Đề cao trách nhiệm tuyên truyền của các tổ chức, hội, đoàn thể đến các hội viên, đoàn viên tự giác xóa mù chữ và vận động người chưa biết chữ đi học xóa mù chữ. Xóa mù chữ là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ dân trí và chất lượng tổ chức, hội viên, đoàn viên của các đoàn thể và lực lượng lao động xã hội.

Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp. Kịp thời bổ sung nhân sự khi có sự thay đổi các thành viên trong Ban chỉ đạo; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ. Tổ chức điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá khách quan thực trạng người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (mù chữ hoàn toàn; mù chữ lớp 1, lớp 2, lớp 3) và người chưa học hết lớp 5. Trên cơ sở đó, có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã vận động từng người mù chữ ra lớp học. Tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với đối tượng người học. Phát huy vai trò của các trưởng khóm, ấp trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Tổ chức lớp xóa mù chữ tập trung, mỗi lớp khoảng 5 học viên ở các địa bàn thuận lợi hoặc phân công xóa mù chữ kèm cặp cho 1 đến 2 người ở địa bàn khó khăn và người mù chữ không có điều kiện học tập trung.

Nhờ đó, ngày 29/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1874/QĐ-BGDĐT về việc công nhận tỉnh Cà Mau đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 năm 2022. Phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học; năm 2008 được công nhận đạt PCGD tiểu học đúng độ tuổi; tháng 12/2016 được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, tỉnh Cà Mau vẫn duy trì được chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và tỷ lệ đạt chuẩn mức độ ngày càng cao.

Tiếp tục rút ngắn khoảng cách về giáo dục và đào tạo đối với đồng bào DTTS

Từ những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2023 - 2025 duy trì, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, duy trì nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Giai đoạn 2026 - 2030 duy trì, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phấn đấu và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, duy trì các tiêu chí đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Để đạt được mục tiêu, Kế hoạch nhấn mạnh giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về về giáo dục và đào tạo trong thực hiện Mục tiêu phát triền bền vững đối với đồng bào DTTS. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục công tác vùng DTTS đạt chuẩn về trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục dân tộc. Ưu tiên và huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp vùng DTTS. Thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS trong lĩnh vực giáo dục. Tăng cường các giải pháp huy động trẻ em, học sinh DTTS đi học, học hết cấp học; vận động người lớn đặc biệt là phụ nữ DTTS đi học xóa mù chữ.

Với quyết tâm cao, giải pháp bài bản, chắc chắn Cà Mau sẽ tiếp tục duy trì vài gặt hái được những kết quả tích cực trong hành trình thúc đẩy tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Qua đó hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.​

Bình An