- Khi vụ cháy mới chỉ là đám khói, người dân đã báo lực lượng PCCC đến ứng cứu. Có mặt, nhưng lực lượng này lúng túng trong triển khai phương án cứu chữa, nguồn nước không có, khi lực lượng được huy động đến thì cả tuyến phố sầm uất đã bị thiêu ra tro.

Chạy đôn, chạy đáo tìm nước

{keywords}
Hiện trường vụ cháy khu phố kinh doanh sầm uất nhất TP Buôn Mê Thuột

Đến trưa ngày 29/7, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn đang khám nghiệm hiện trường, xác định mức độ thiệt hại và vẫn chưa công bố nguyên nhân hỏa hoạn. Cùng ngày, UBND TP. Buôn Ma Thuột có báo cáo gửi cấp trên về việc hỗ trợ 13 hộ tiểu thương bị thiệt hại; đồng thời đề nghị lên UBND tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện để các hộ bị thiệt hại được vay vốn ưu đãi sửa chữa cửa tiệm, phục hồi kinh doanh.  

Động thái này của lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột bước đầu đã tạo sự an tâm đối với các tiểu thương, tuy nhiên họ vẫn đề nghị cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đánh giá đứng mức độ thiệt hại do hỏa hoạn gây ra…

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục tiểu thương thất thần nhìn cơ quan chức năng dọn dẹp hiện trường. Nhiều tiểu thương tỏ ra bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng phải đánh giá lại hoạt động của lực lượng PCCC, bởi theo họ nếu lực lượng  này ứng cứu kịp thời, thiệt hại đã không lớn như vậy.   

Ông Trần Quốc Văn – chủ tiệm giày dép 105 bức xúc: “Khi đám cháy vừa phát hỏa, cả chục tiểu thương đã điện báo 114, nhưng không thể nào liên lạc được. Hoảng quá, tôi cùng nhiều người chạy xe máy chạy lên Phòng Cảnh sát PCCC công an tỉnh cách hiện trường khoảng 1km trực tiếp báo cháy. Lực lượng PCCC điều xe cứu hỏa và người đến nhưng rất mỏng. Lúc này ngọn lửa đã bốc cao, lính cứu hỏa dùng vòi phun nước dập lửa, nhưng chưa tới 5 phút thì hết nước, họ chỉ biết đứng nhìn chờ nước tiếp viện”.

{keywords}
Không còn gì trong đống đổ nát

Cũng theo ông Văn, khi ngọn lửa đã bùng phát dữ dội lan nhanh ra các tiệm lân cận, hàng chục xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi chạy tới, nhưng mỗi xe cũng chỉ phun được khoảng 5-6 phút là hết nước. Ngọn lửa lúc này bùng phát càng mạnh do có gió, toàn bộ tuyến cửa hàng từ số 97 đến 115 ngập chìm trong lửa.  

Lúc này, lực lượng cứu hỏa bắt đầu vác hàng chục cuộn dây phun nước, chạy ra đấu nối vào hệ thống ụ nước cứu hỏa tại Khu chợ C và B Buôn Ma Thuột (mới được đầu tư xây dựng) cách đó khoảng 200m mới có nước; đồng thời huy động hàng chục xe bồn chở nước của Công ty TNHH MTV quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk tiếp nước, tuy nhiên vẫn không thể khống chế được đám cháy.  

Sau hơn một giờ đồng hồ vẫn chưa thể khống chế đám cháy, lúc này cơ quan chức năng mới điều 2 xe cứu hỏa có súng bắn nước từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột lên phối hợp ứng cứu. Nhưng cũng phải mất nhiều giờ sau ngọn lửa mới được khống chế, khi đó toàn bộ 13 cửa hiệu kinh doanh và nhà dân đã ra tro.

“Lộ” yếu kém

{keywords}
Ụ nước cứu hỏa tại ngã 4 Y Jút - Phan Bội Châu bị bỏ hoen gỉ, không phát huy hiệu quả

Về thông tin lực lượng PCCC đến chậm, không chủ động nguồn nước, chưa tích cực…khiến đám cháy bùng phát dữ dội, Thượng tá Phạm Tiến Triệu - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Đắk Lắk giải thích: “Khi nhận được tin báo cháy của người dân, đơn vị đã điều ngay 18 xe cứu hoả và toàn bộ lực lượng đến dập lửa, đồng thời điện báo nhiều cơ quan khác phối hợp ứng cứu, tuy nhiên do khu vực cháy có khoảng 100 căn nhà tạm, vách trần đều bằng ván ép, người dân buôn bán nhiều hàng hoá dễ bắt lửa nên bén nhanh khiến việc chữa cháy gặp khó khăn.  

Việc xe chữa cháy nhanh hết nước, theo ông Triệu, do phần lớn xe cứu hỏa được trang bị có dung tích chỉ 4m3 nước/xe, trong khi đó hệ thống cấp nước tại chỗ không có nên chỉ 4 – 6 phút là xe phải rút đi tiếp nước, vì thế gây nên gián đoạn.  

Từ giải thích của ông Triệu, để kiếm chứng chúng tôi tìm lại hiện trường vụ cháy. Ghi nhận thực tế, tại ngã tư đường Điện Biên Phủ - Phan Bội Châu và Y Jút – Phan Bội Châu đều có ụ nước cứu hỏa, cách hiện trường vụ cháy chỉ vài chục mét.

{keywords}
Hàng trăm tỷ thiệt hại sau vụ cháy

Tuy nhiên, theo các hộ kinh doanh cạnh đó, 2 ụ nước này từ lâu không được cơ quan chức năng kiểm tra, xả nước; hôm xảy ra cháy, lực lượng PCCC mở lấy nước nhưng không có, nên phải chạy đôn, chạy đáo tìm nước…

Ông V.V.Đ, một chủ tiệm đối diện hiện trường vụ cháy cho biết, khi xảy ra cháy ông là người chứng kiến từ đầu, nhưng rất bất bình vì lực lượng PCCC phản ứng quá chậm. Họ không đánh giá đúng tính chất vụ cháy, không chịu tìm hiểu, nắm bắt về hiện trạng kết cấu các cửa hàng bị cháy, nên khi triển khai dập lửa rất lúng túng, người dân phải “hướng dẫn” để lực lượng PCCC dập lửa.

Theo ông Đ. hệ thống cửa hàng kinh doanh từ số 97 đến 115 vốn được xây dựng từ lâu, các kèo nhà đều làm bằng gỗ nối với nhau nên khi xảy cháy thì lan từ trên xuống. Nếu lực lượng PCCC phá hẳn một căn để ngăn cháy lan, thì thiệt hại đã không lớn như thế.  

“Năm 1975, tại khu vực này cũng xảy ra một vụ cháy rất lớn thiêu rụi hàng chục căn nhà do trúng bom và lần này là vụ thứ 2. Nếu lực lượng PCCC không phản ứng chậm trễ, ngọn lửa đã không lan nhanh và gây thiệt hại lớn vậy. Toàn bộ tài sản gia đình tôi đã bị thiêu rụi, giờ không biết vực dậy sao đây?” – bà Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng số 107 mếu máo nói.

Trùng Dương