Các nhạc sĩ Doãn Nho, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Đoàn Bổng,… bày tỏ kì vọng, việc thực thi Nghị định mới sẽ hạn chế tối đa việc vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam.

Ngày 24/3, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ đại diện một số cơ quan chức năng, các nhạc sĩ, báo chí để thông tin về Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ. Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kí duyệt ngày 15/03/2016.

{keywords}

Các nhạc sĩ tại buổi gặp gỡ ngày 24/3.

Nhiều nhạc sĩ như: Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Doãn Nho, Đoàn Bổng,… đã bày tỏ những kỳ vọng vào việc thực thi Nghị định mới tại buổi gặp gỡ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thông tin, dưới góc độ những người làm âm nhạc, các nhạc sĩ đặc biệt lưu tâm tới việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 và điều 24.

Điều 9 quy định về thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Theo đó, một trong số những thủ tục cần thiết khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.

Tương tự như vậy, Điều 24. Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Trong đó, quy định rõ, tổ chức đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cần gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao. Văn bản đáng lưu tâm là: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.

Có một thực tế vẫn tồn tại cho đến ngày nay đó là việc vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn tái diễn, nhiều ca sĩ âm thầm ra đĩa, nhiều chương trình âm nhạc mang tính chất thương mại ngang nhiên sử dụng các ca khúc khi chưa được tác giả cho phép và chưa đăng ký với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Đáng buồn hơn, bên cạnh những nghệ sĩ, đơn vị tổ chức sự kiện nghiêm túc thực hiện việc đóng phí tác quyền thì vẫn có những ca sĩ nhận cát-sê cả chục triệu, trăm triệu một show diễn nhưng vẫn lờ đi phí tác quyền hoặc coi việc đóng phí là ban ơn cho nhạc sĩ.

“Chúng tôi hi vọng việc ban hành và thực thi Nghị định sẽ góp phần giảm thiểu tiến đến xóa bỏ tình trạng quyền tác giả bị coi thường, các đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền ca khúc một cách trắng trợn”, nhạc sĩ Phó Đức Phương giãi bày.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng nhắc lại vụ việc rùm beng trên báo chí về vi phạm bản quyền của đơn vị đứng ra tổ chức live show Khánh Ly năm 2014 và ông phải trực tiếp đi đòi quyền lợi cho tác giả khi đó.

{keywords}

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (bên trái) và đại diện công ty Đồng Dao (bên phải) căng thẳng làm việc về tác quyền âm nhạc liveshow Khánh Ly hồi tháng 8/2014.

“Tại sao lại để tình trạng hỗn độn như thế, tại sao ra biểu diễn mà vẫn chưa đủ tư cách pháp lý để gây ra những scandal lớn?”, cho đến ngày hôm nay, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn hết sức trăn trở.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ, ông nhiều lần nghẹn đắng khi ca khúc của mình bị sử dụng với mục đích thương mại tại các quán café, phòng trà mà không nhận được một đồng tiền bản quyền nào, cũng không một lời xin phép. Với nhạc sĩ, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định là một tin vui, quyền lợi của các tác giả sẽ được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2016. Bãi bỏ Điều 25 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền, thủ tục cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Theo Dân trí