Khi ca sĩ buồn, họ hát sẽ buồn hơn
- Lâu rồi mới gặp lại "Sầu nữ áo lụa vàng", thời gian qua chị sống sao?
Tôi ít xuất hiện thật vì làm nghề "lai rai". Không thể vì không đắt show mà tôi cố nhận bừa những thứ không hợp với mình. Ra đĩa than Một đời yêu anh, điều tôi vui nhất là gặp lại đồng nghiệp, báo giới và người yêu nhạc hi-end.
Đó là tâm lý khá dễ hiểu của một ca sĩ có tuổi nhưng chưa có tên như tôi. Khán giả chưa biết cái tên Hương Giang nhiều, trong nghề biết tôi ở mức tương đối.
Việc nhạc sĩ Đức Trí - một tên tuổi rất lớn - "chấm" tôi làm đĩa than cho thấy sự nỗ lực của tôi trong nghề đã không uổng phí. Tôi không nghĩ được làm việc lại với anh từ sau đĩa Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm đâu.
Tôi và Trí đồng điệu ở cách làm việc. Anh chọn bản thu mắc lỗi kỹ thuật nhưng giàu cảm xúc thay vì bản thu sạch sẽ, chỉn chu. Khi thu cho Trí, tôi hát rất tự nhiên, không chịu áp lực hát chuẩn chỉnh từng nốt.
Trí không chọn ngôi sao, chỉ chọn người phù hợp cho sản phẩm. 25 năm trong nghề, tôi hiếm gặp người như Trí. Nếu nhạc Việt có nhiều Đức Trí, tôi đã không mãi trắng tay sau chừng đó thời gian như bây giờ.
Tôi vào nghề năm 1998 rồi lấy chồng, cứ thế "cưỡi ngựa xem hoa" trong nghề. Năm 2003, tôi ra CD đầu tiên do vừa ly dị. Đại khái, tôi muốn làm điều gì đó mới mẻ. Đó mới là lúc tôi nghiêm túc theo đuổi nghề.
Tôi hát nhiều, thu âm nhiều, đã có mười mấy đêm nhạc riêng. Điều an ủi tôi nhất là có một lượng khán giả cố định yêu mến mình dù không nhiều. Tôi đi đâu, họ theo đó, thậm chí mua đĩa than dù không có đầu đĩa.
Đôi khi tôi tủi thân nhưng biết chấp nhận, tôi sống vui hơn, hát cũng tự nhiên hơn.
- Tiếng hát chị vốn buồn, nay càng buồn hơn, có phần nào do sự ra đi của chồng - ca sĩ Phi Hải - hồi giữa năm 2021 do nhiễm Covid-19?
Sau khi anh Hải mất, đến gần đây tôi mới dám hát lại nhạc buồn. Tôi dễ khóc nên tránh hết những bài chia ly, những bài hát kỷ niệm của hai đứa hay nhạc phẩm gắn liền với giọng hát của anh.
Khi ca sĩ buồn, họ hát sẽ buồn hơn. Đó là sự thật. Khán giả nhìn vào ca sĩ sẽ không biết họ đang tranh đấu, giằng xé những gì trong đầu. Tôi luôn cố để đầu mình thật lạnh, không cho cảm xúc lọt vào giọng hát.
Chỉ cần buông lơi một chút, tôi có thể sẽ rơi nước mắt, ảnh hưởng đến buổi diễn. Đôi lúc tôi đổi điệu, ví dụ từ slow rock sang blue-jazz, để bận bịu đuổi theo tiết tấu và quên cái buồn đi.
Hương Giang gắn với biệt danh "Sầu nữ áo lụa vàng" nhờ cuốn sách của Mạc Thụy.
Những ngày cuối đời, chồng vẫn không muốn tôi chạy sang vì sợ vợ nhiễm bệnh
- Thời điểm ca sĩ Phi Hải qua đời, anh không có chị ở bên, vì sao vậy?
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc tìm người giao hàng ngày càng khó khăn. Tôi lo điều hành quán ăn của mình, 3 chị gái của chồng cũng có một quán ăn của họ.
Vì vậy, anh Hải sang phụ các chị giao hàng và ở lại đó. Nghệ sĩ chúng tôi khi ấy không có việc làm nên tận dụng mọi công việc để kiếm thêm thu nhập mưu sinh.
Một tháng sau, anh nhiễm Covid-19 nhưng giấu tôi. Đúng 2 ngày sau khi tôi biết chuyện từ một người bạn, anh qua đời. Đến những ngày cuối đời, anh vẫn không muốn tôi chạy sang vì sợ vợ nhiễm bệnh.
Phổi anh Hải vốn yếu. Ngày xưa, anh chỉ cần dầm mưa một trận đã ho 2 tuần liền. Anh chủ quan, nghĩ mình chỉ mắc bệnh cảm thông thường.
Việc hai đứa ở xa cho đến khi anh Hải mất khiến nhiều người nói ra nói vào. Tuy nhiên, sự thật chỉ đơn giản như vậy. Giá mà khi ấy anh cứ ở nhà, nếu mắc bệnh vẫn còn tôi chăm sóc. Anh nhiễm virus, yếu rồi ra đi trong giấc ngủ.
- Chị đối diện sự ra đi của chồng thế nào?
Hơn 9 giờ rưỡi tối hôm đó, tôi nghe tin chồng mất. Tôi bật dậy, chết lặng suốt 15 phút, bé Nhím (con gái của Hương Giang và chồng cũ - PV) lay cỡ nào cũng không nói chuyện được.
Vô tình, ca sĩ Quốc Đại gọi tới giúp tôi gỡ rối. Tôi quyết định báo tin lên Facebook dù không muốn góp thêm chuyện buồn vào bầu không khí ảm đạm khi đó.
Vợ chồng Hương Giang - Phi Hải hát 'Chờ đông', 'Cho lần cuối'
Suốt đêm đó, tôi không ngủ được, cũng không thể ra ngoài. Các chị chồng kêu tôi ở yên một chỗ, có qua cũng chẳng giúp ích gì. Cái đêm hãi hùng ấy, cả đời này tôi không quên.
Tôi tìm mọi cách liên hệ nhà quàn, lo hậu sự cho chồng. Bạn tôi đánh liều gõ cửa từng tiệm để tìm người làm khung hình thờ. Tiền mua quan tài rất đắt nhưng đắt mấy cũng phải mua.
Một mình tôi chứng kiến cảnh người ta quấn anh lại, bỏ vào quan tài, trông đau đớn lắm! Tôi được đồng nghiệp cho rau củ, hàng xóm cho nhang, nhờ vậy mới cúng đủ 49 ngày chay cho anh.
Con trai tôi còn nhỏ, khờ lắm. Bé cứ ngồi trước bàn thờ nhìn ba. Bé cũng nhớ nhiều mấy chỗ cả nhà thường đi ăn, đi chơi cùng nhau.
Qua sự ra đi của anh Hải, tôi mới biết chúng tôi được yêu thương nhiều đến vậy. Nhạc sĩ, bác sĩ Vũ Minh Đức còn nói: "Em đừng lo. Nhiều thì không có nhưng mấy chục triệu thì anh không để mấy mẹ con em đói".
Chưa bao giờ ông trời dồn tôi vào bước đường cùng
- Chồng mất, một mình chị nuôi con thế nào?
Việc anh Hải qua đời là cú sốc tinh thần đối với tôi, còn chuyện kinh tế không đến nỗi nào. Tôi vốn là trụ cột kinh tế trong nhà, có thể một mình nuôi con.
Thời gian đầu, mẹ con tôi hơi bấp bênh, gần đây ổn định hơn. Con gái tôi sắp tròn 18 tuổi, mình cũng nhẹ gánh phần nào.
Con trai mới 9 tuổi, chặng đường phía trước còn dài, tôi không thể không lo nghĩ. Có những tháng tôi mẩm chắc "Thôi tiêu rồi" thì hôm sau có show. Chưa bao giờ ông trời dồn tôi vào bước đường cùng.
- Nội bộ gia đình chị san sẻ như thế nào khi vắng đi người chồng, người cha?
Tôi lo cho các con luôn cả phần của chồng. Nhím lớn rồi, thay mẹ chăm sóc em trai. Bé nghe lời chị còn hơn mẹ.
Tôi cũng đối đãi như vậy với con riêng của anh Hải. Đơn giản lắm, bạn yêu thương các con sẽ được thương lại. Chính bé hỏi tôi: "Cô Giang ơi, con gọi cô là mẹ được không?". Có lần phải nhập viện cấp cứu, bé nằng nặc đòi tôi ở bên cạnh thay vì ba.
- Sắp tới, chị định làm gì?
Nhìn chung, tôi thức thời. Ngoài việc chăm đi show hơn, tôi cũng chịu khó hát nhạc trẻ, thu âm bài mới và quay MV. Không thể vì mình có giọng, có phong cách riêng mà giữ khư khư hoài được.
Tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, làm thức ăn bán ai cũng khen ngon nhưng vẫn chỉ thấy mình hợp làm ca sĩ. Chỉ khi hát, tôi mới được là chính mình.
Vì tình thương con, tôi thấy rất dễ sống. Tôi bỏ qua cho hết thảy người phản bội, hãm hại mình. Miễn là còn tiếng hát này, tôi vẫn sẽ sống tốt.
Tôi ước mơ mở một quán café acoustic hát cuối tuần vào năm 2025. Một nơi vừa để kinh doanh, vừa để tôi có chỗ hát cố định, cũng là nơi để những giọng ca, nhạc công không tên tuổi có chỗ làm nghề.