- Liên quan đến mức lương "khủng” của lãnh đạo một số DN công ích ở TP HCM, nhiều người dân đã thắc mắc, các công ty trên đã làm gì để có thể chi trả mức lương “đáng nể” đến vậy?

Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM

Thành lập năm 1993, đây là doanh nghiệp duy nhất quản lý vận hành, duy tu, sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, cáp quang… toàn TP HCM.

Theo thông tin từ website, công ty này đang vận hành, duy tu bảo dưỡng đối với 110.600 điểm sáng trên 3.800 km tuyến đường; Hệ thống đèn tín hiệu giao thông (661 giao lộ có đèn và qua 3 trung tâm điều khiển kết hợp với hệ thống 17 camera quan sát giao thông và 6 bảng thông tin giao thông điện tử).

{keywords}

Doanh thu hàng năm Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM (Nguồn: Chieusang.com)


Ngoài ra, công ty này cũng đã thi công xây lắp hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát giao thông, hệ thống bảng thông tin quang báo điện tử trên toàn quốc đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Lý giải về mức “lương khủng”, ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM, cho biết trên một tờ báo mạng: “Tôi khẳng định, tổng quỹ tiền lương của công ty không dư đồng nào từ ngân sách mà là từ kết quả các hợp đồng kinh tế làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước”.

Theo ông Huệ, Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM hiện có hơn 560 cán bộ công nhân viên, toàn thể cán bộ công nhân viên đã thảo luận và đưa vào thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của công ty dựa trên các cơ sở quy định của nhà nước. Năm 2012, với vốn điều lệ 82 tỷ đồng, nhưng công ty lãi hơn 130 tỷ đồng.

Cụ thể, về mức lương của mình, ông Trần Trọng Huệ lý giải: Mức lương mà tôi nhận được (2,6 tỉ đồng/năm - PV) trong năm 2012 vì trong năm này có một khoản doanh thu tăng đột biến từ sự nỗ lực của đơn vị.

Công ty TNHH một thành viên (MTV) Thoát nước đô thị

Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM Tiền thân là Công ty Chiếu sáng - Vỉa hè - Thoát nước thuộc Sở Nhà Đất và Công trình công cộng, cũng là một trong 4 công ty gây sốc vì mức “lương khủng” của lãnh đạo.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM là ông Lê Thanh Sơn. Phó giám đốc công ty là ông Nguyễn Hữu Phán (SN 1970).

{keywords}

Ông Nguyễn Hữu Phán (bên phải) Ảnh: Udc.vn

Theo thông tin từ website công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM, năm 1997 công ty này tiếp nhận quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đầu tiên tại TP HCM cho khu định cư Tân Quy Đông – Q.7.

Tháng 6/2008, công ty này hoàn thành công trình khoan kích ống ngầm D1200 trên đường Trần Hưng Đạo. 5/2009 tiếp nhận quản lý vận hành hệ thống thu gom nước thải lớn nhất Việt Nam thuộc dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Kênh Đôi- Kênh Tẻ.

Đến tháng 6/2009, công ty tiếp nhận vận hành, bảo dưỡng trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè. 9/2011 công ty hoàn thành công trình kích ống D3000 vượt sông Sài Gòn. Đây là công trình kích ống đường kính lớn lần đầu tiên do nhà thầu Việt Nam – công ty Thoát nước đô thị thực hiện.

Trao đổi với PV sáng 28/8, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cho hay, sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ tiền lương chi sai.

Đồng thời, công ty sẽ “khôi phục quyền lợi” cho 300 lao động thời vụ, bằng giao kết hợp đồng đúng quy định theo chỉ đạo của UBND TP.

Theo kết quả thanh tra vừa công bố, năm 2012, tại Công ty TNHH thoát nước đô thị, lương của giám đốc: 2,6 tỷ đồng/năm, lương Chủ tịch HĐTV: 1,6 tỷ đồng/năm, kế toán trưởng: 1,67 tỷ đồng/năm, Phó Giám đốc 969 triệu đồng/năm.

Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn

Công ty TNHH MTV công trình giao thông Sài Gòn cũng là một trong 4 công ty có mức lương của lãnh đạo khiến nhiều doanh nghiệp phải ao ước. Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty Công trình giao thông Sài Gòn là ông Nguyễn Nhật Tấn. Ông Phạm Văn Vĩnh là Giám đốc của công ty này.

Doanh nghiệp công ích này có nhiệm vụ quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên các hệ thống cơ sở kỹ thuật hạ tầng, hệ thống tín hiệu giao thông, sơn đường và sản xuất vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, công ty còn tham gia thực hiện các công trình kinh doanh, dự thầu các công trình chuyên ngành xây dựng cơ bản như: xây dựng cầu đường, xây dựng dân dụng, xây dựng điện, cấp, thoát nước, bưu điện, các công trình ngầm trong thành phố.

Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn thi công 14 lớn, tổng giá trị thực hiện: 425 tỉ đồng. Một số những công trinh đó là: Xây dựng đường An Phú Tây - Bình Chánh; Xây dựng khu định cư Tân Quy Đông; Mở rộng, nâng cấp đường Lê văn Quới, Q.Bình Tân; Xây dựng hệ thống thoát nước đường Trường Chinh, Q.Tân Bình…

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh

Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh là ông Trần Thiện Hà. Theo lý giải của ông Hà, các công ty: Thoát nước đô thị, Chiếu sáng công cộng, Công trình giao thông Sài Gòn, Công viên cây xanh trước đây thuộc Sở GTVT.

Đến năm 2010, TP HCM sắp xếp lại mô hình hoạt động, chuyển đổi thành các công ty TNHH MTV nhưng chức năng chính là hoạt động công ích vẫn không thay đổi. Cùng với việc thay đổi mô hình, UBND TP cũng cho phép bốn đơn vị này hoạt động kinh doanh. Vì lợi thế không có đối thủ cạnh tranh nên các công ty có các khoản thu và họ chia "lương khủng" cho dàn lãnh đạo.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Thiện Hà cho biết, công ty đã thống nhất trước ngày 1/9 sẽ thu hồi toàn bộ số tiền 1,292 tỉ đồng đã chi cho các viên chức quản lý sai quy định của năm 2011. Riêng ông Hà sẽ nộp lại số tiền khoảng 200 triệu đồng.

Lãnh đạo công ty này cho hay cũng đã ký lại hợp đồng với hơn 200 người lao động trong số 347 người (lao động thời vụ).

Số lao động này sẽ được đóng bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền lợi như những người lao động thường xuyên.

Theo kết quả thanh tra tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, “sếp” có mức lương thấp nhất cũng đạt tới 584 triệu đồng/năm, cao nhất cũng ở mức 856 triệu đồng/năm.

Lê Lan (Tổng hợp)