Ngày 1/11, Toyota hạ mục tiêu sản xuất xe Toyota và Lexus trong năm tài khóa kết thúc tháng 3/2023 từ 9,7 triệu xuống 9,2 triệu do rủi ro cung ứng chip. Tình thế phản ánh quá trình xem nhẹ đầu tư vào một số loại chip đời cũ mà các hãng xe cần dùng. Dù nhu cầu smartphone và máy tính cá nhân chậm lại, xoa dịu áp lực đối với chip nhớ cùng các loại chip khác, những khó khăn của chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn.
Các nhà phân tích và lãnh đạo chip cho rằng, chênh lệch cung – cầu có thể kéo dài hàng năm.
Theo Giám đốc Mua hàng Toyota Kazunari Kumakura, “nếu nhìn vào mỗi loại bán dẫn, nguồn cung vẫn chưa hồi phục về mức độ chấp nhận được”.
Các nhà sản xuất xe hơi đối phó với khan hiếm bán dẫn từ cuối năm 2020, khi chính họ bị bất ngờ vì nhu cầu ô tô hồi phục. Trước đó, họ dự đoán nhu cầu sẽ giảm nên cũng giảm lượng đơn đặt hàng chip. Họ phải cạnh tranh lượng chip ít ỏi với các công ty điện tử cũng ghi nhận nhu cầu tăng mạnh do xu hướng làm việc, học tập ở nhà.
Nếu như doanh số smartphone đang sụt giảm, thị trường xe hơi vẫn tương đối mạnh mẽ. Dù vậy, ông Kumakura chia sẻ, họ đã thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất. Dự báo 9,2 triệu xe, nếu hoàn thành, sẽ lập kỷ lục thường niên.
Các hãng xe Mỹ cũng bày tỏ lạc quan về tình hình chip trong các báo cáo quý gần đây. Tuần trước, Giám đốc Tài chính General Motors Paul Jacobson nói, mọi thứ đã tốt hơn một năm trước.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ngành công nghiệp xe hơi vẫn chưa hết vấn đề, thậm chí một số còn tệ hơn. Nó chủ yếu liên quan đến chip analog, sử dụng công nghệ cũ hơn để xử lý thông tin theo giai đoạn, khác với các con chip kỹ thuật số. Lãnh đạo doanh nghiệp ô tô Nhật cũng cho biết, đối mặt với nguồn cung chip mẫu cũ ngày càng khan hiếm.
Xe hơi sử dụng hàng trăm con chip analog với các mục đích khác nhau, chẳng hạn quản trị năng lượng tiêu hao từ pin ra sao. Dù vậy, các khoản đầu tư mới chủ yếu lại tập trung vào các con chip hiện đại hơn.
Báo cáo tháng 10 của McKinsey & Co. chỉ ra dù các nhà sản xuất đang muốn thu hẹp quy mô sản xuất chip mẫu cũ, họ lại không thể đáp ứng nhu cầu cho tới năm 2026. Nguyên nhân một phần do sự nổi lên của xe điện, xe hybrid nên cần nhiều chip hơn.
Cuối tháng trước, STMicroelectronics, một trong các nhà sản xuất chip analog lớn nhất thế giới, tiết lộ số đơn hàng tồn đọng của họ vẫn cao hơn công suất hiện tại và kế hoạch đến năm 2023. Một hãng chip lớn khác, Texas Instruments, chia sẻ hàng tồn kho thấp hơn mức yêu cầu.
Một số quan chức ngành xe hơi Nhật Bản nhấn mạnh Texas Instruments là một phần gây ra “nút thắt cổ chai” cung ứng hiện nay. Đại diện công ty cho biết, đang làm việc chặt chẽ với khách hàng để cung cấp linh kiện họ cần và vạch ra lộ trình xây dựng năng lực bán dẫn trong các thập kỷ tiếp theo.
Khủng hoảng chip của Toyota là do các nhà sản xuất chip không tăng vốn đầu tư vào một số sản phẩm nhất định. Do tính chất của xe hơi, chỉ cần một loại chip thiếu hụt, chiếc xe cũng không thể ra đời được. Tháng trước, họ phải tạm thời giao cho chủ vài mẫu xe trong nước một chìa khóa thông minh thay vì 2 chìa.
Du Lam (Theo Reuters)