Thông tin sữa Similac, Karicare, Dumex nhiễm vi khuẩn cực độc khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhiều ông bố, bà mẹ lên diễn đàn bày tỏ nỗi lo lắng và tìm sự sẻ chia của các phụ huynh khác.

Đưa con đi khám tổng thể

Mẹ có nickname MeiLe trên Webtretho chia sẻ: "Chin nhà mình cũng uống sữa Abbott Gain Plus IQ số 3 thế mới ghê chứ. Hai vợ chồng làm việc túi bụi không biết tin này. Tối về nghe chị họ nói sữa bị nhiễm khuẩn mới lật đật lên mạng tìm thông tin, đúng ngay sữa con mình đang uống. Hên là không có lon nào nằm trong số seri liệt kê ở trên, nhưng vẫn không an tâm. Mình ráng nhịn ăn nhịn mặc để tiền mua sữa cho con mà lại như vậy, thật tình không biết dùng loại nào nữa".

Cho con dùng cả hai loại sữa Karicare và Similac, vợ chồng chị Thanh Tâm ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) không sao ngủ được vì lo cho sức khỏe của con. Chị Tâm cho biết sẽ đưa con đi khám tổng thể xem có bị ảnh hưởng gì tới sức khỏe không.

{keywords}

Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của các ông bố bà mẹ, tuy nhiên họ lại không biết tìm loại sữa nào cho an toàn với sức khỏe của bé trong lúc này. Nhiều mẹ "lỡ" cho con uống loại sữa nằm trong diện thu hồi liền lập tức vứt bỏ ngay dù số tiền bỏ ra không phải là ít.

Nhiều bà mẹ tuy không dùng những sản phẩm sữa đang bị thu hồi trên thị trường cũng nghi ngờ loại sữa mình đang dùng cho con. Có mẹ vội vàng tuyên bố bỏ sữa ngoại quay về với sữa nội nhưng nhiều người cũng hết sức băn khoăn, e ngại nếu như nhà sản xuất trong nước nhập nguyên liệu "dính bẩn" nhưng lấp liếm, che giấu thông tin thì sao?

Nickname Hoakepxinhxan bày tỏ: "Em chỉ thấy tội nghiệp các bé thôi các mẹ ạ, giờ em cũng hoang mang quá, không biết phải chọn sữa nào cho con, loại nào cũng sợ cả. Lô này có nhập về Việt Nam nữa, nên giờ chuyển sang sữa nội em cũng sợ, chuyển sang sữa nào đây các mẹ?".

Có mẹ cẩn thận hơn thì khuyên: "Bé nào chịu khó ăn uống thì thôi không cần sữa bột nữa cũng được, tầm gần 2 tuổi trở lên ăn mặn và sữa tươi, sữa chua thôi là đủ rồi. Tình hình này sợ cho con uống sữa quá".

Vi khuẩn cực độc

Thông tin trên báo Người Lao động cho biết, Cục ATTP ngày 5/8 đã khẩn cấp có hướng dẫn phòng chống ngộ độc do vi khuẩn C. Botulinum. Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP, vi khuẩn C. Botulinum có khả năng sống sót cao (nha bào của chúng tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói... nhiều tuần). Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố. Đáng nói là vi khuẩn C. Botulinum sống rất dai. Với các hóa chất khử trùng thông dụng phải mất 30 phút trong nhiệt độ 60oC mới tiêu diệt được và để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút…

{keywords}

Vi khuẩn hình que Clostridium Botulinum dưới kính hiển vi - Ảnh do Bác sĩ - giảng viên Học viện Quân y Yên Lâm Phúc cung cấp (Nguồn: TN).

Ông Hùng cũng lưu ý thời gian ủ bệnh do nhiễm khuẩn C. Botulinum khá ngắn, từ vài giờ tới 24 giờ (trong thức ăn có sẵn độc tố) và từ 3 - 5 ngày (thức ăn có nha bào C. Botulinum). Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, có thể khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng, không sốt, không có hội chứng màng não, người bệnh tỉnh  táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

M.T (tổng hợp)