Các ông trùm Hong Kong, những người kiểm soát thị trường bất động sản, di động, siêu thị… đang phải đối mặt với những thử thách không hề nhỏ mà chính quyền lực của mình tạo ra.

Nguồn cơn giận dữ

6 tập đoàn lớn nhất của Hong Kong đang chiếm lĩnh thị trường thành phố và gắn bó chặt chẽ với gia đình của người sáng lập. Cứ 1 USD tiêu dùng của người dân thì có đến ít nhất 23 xu rơi vào túi các vị đại gia này. Họ khống chế thị trường điện thoại di động Hong Kong, hệ thống điện lưới, hệ thống xe bus và sở hữu phần lớn các tòa nhà lớn, 2/3 thị trường nhà ở tư nhân và đến 90% doanh thu từ thị trường siêu thị. So với Mỹ đây quả là một con số quá ấn tượng khi nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart chỉ thu được 2,5 xu trong mỗi USD tiêu dùng từ công chúng.

Người dân Hong Kong từng một thời thần tượng hóa những ông trùm này. “Khi tôi còn trẻ, mọi người gọi Lý Gia Thành là “siêu nhân”, à một huyền thoại- huyền thoại Hong Kong”, Kan Chi-wai, một nhà hoạt động xã hội nói. Ông Lý giờ là người giàu nhất châu Á. Thế nhưng, ngày càng nhiều người cho rằng, những “anh hùng”, những “siêu nhân” khi xưa chính là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn hiện nay. Chi phí nhà ở tại Hong Kong thuộc diện cao nhất, trong khi đó khoảng cách giàu nghèo cũng là lớn nhất thế giới. 

"Mọi người nghĩ, Hong Kong là mảnh đất của sự tự do nhưng trên thực tế, các nhà phát triển đang kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng tại thành phố. Đó là một rào cản quá lớn khiến cho những người mới không có cơ hội nhập cuộc thị trường", Sin Yat-Ming tại trường kinh doanh Hong Kong, đại học Trung Quốc cho biết.

Tổng tài sản của các tỷ phú cộng lại tương đương với hơn 70% GDP Hong Kong. 

Yuna Lam, người làm việc trong lĩnh vực kế toán là một trong rất nhiều người có cuộc sống gần như gắn liền với sản phẩm của những gã khổng lồ này. Sáng thức dậy trong một căn hộ tại khu tổ hợp South Horizon do công ty của Lý Gia Thành nắm giữ. Cô đi làm bằng xe bus, hãng vận tải thuộc một phần sở hữu của tập đoàn nổi tiếng Chow Tai Fook, tòa nhà văn phòng của công ty cô cũng thuộc sở hữu của Sun Hung Kai. Người phụ nữ này cũng tiêu thụ những sản phẩm thiết yếu tại chuỗi cửa hàng của Lý Gia Thành.

Trong 6 gã khổng lồ của thành phố thì có ba tập đoàn được khởi nghiệp bởi những người tự lập di cư từ đại lục đến, đó là  Cheung Kong của Lý Gia Thành, Sun Hung Kai và Chow Tai Fook.  Ba tập đoàn còn lại lớn mạnh được là nhờ sự ưu ái và hậu thuẫn của chính quyền thời kỳ thuộc địa là tập đoàn Swire Pacific, Wheelock và Jardine Matheson Holdings . 

Jardine Matheson cho biết, họ đã phải không ngừng đầu tư và cải thiện để có thể vững vàng hơn khi đối mặt với những thách thức cạnh tranh tại thị trường Hong Kong. 

Đế chế bị lung lay

Những tập đoàn khổng lồ của Hong Kong một thời gian dài dựa hơi chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít với các quan chức cấp cao. Mới đây, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ em tỷ phú Thomas và Raymond Kwok- những người quyền lực bậc nhất trong giới doanh nhân Hong Kong với cao buộc họ có liên quan đến vụ hối lộ 4,5 triệu USD cho cựu lãnh đạo lớn thứ hai của thành phố. Đây là vụ việc thực sự làm chấn động giới kinh doanh thành phố.

Anh em  nhà Kwok kiểm soát tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai trên thế giới về giá trị thị trường cổ phiếu. Họ đã xây một số tòa nhà nổi tiếng nhất Hồng Kong trong đó có tòa tháp cao nhất thành phố. Giờ đây nếu  bị kết án tội hối lộ, họ sẽ phải đối mặt với mức án vài năm tù. 

Cơ quan phòng chống tham nhũng của thành phố trước đó đã gặp phải một loạt tình huống “khó ăn khó nói” trong đó có vụ cáo buộc một vài điều tra viên của họ đã hướng dẫn một nhân chứng cung cấp những chứng cứ không đúng sự thật.  Và giờ đây, họ phải tăng cường sửa chữa sai lầm để thể hiện đúng vai trò của mình là cơ quan phòng và chống tội phạm tham nhũng.



Hiện họ đang tiến hành điều tra cựu lãnh đạo thành phố Donald Tsang. Ông này được cho là đã du hí trên du thuyền và trực thăng riêng của các nhà điều hành kinh doanh cấp cao và có liên quan đến thương vụ ngầm với một người giàu có địa phương về một căn hộ  cao cấp.

Ông Tsang thừa nhận đã đồng ý đi trực thăng nhưng từ chối căn hộ. Tuy nhiên Donald Tsang phủ nhận việc mình phạm tọi. Ông cũng đã chính thức xin lỗi vì đã làm công chúng thất vọng. Cơ quan điều tra cho biết, hướng tiếp cận nạn tham nhũng của thành phố sẽ không thay đổi.

Đế chế mà họ nắm giữ đang phải đối mặt với sức ép từ nhà lãnh đạo mới của Hong Kong, cơ quan phòng chống tham nhũng và người dân – những người đã vô cùng bất bình khi chi phí nhà ở tăng vọt mà thu nhập kiếm được thì lại có phần èo ọt.

Mặc dù được biết đến là một thành phố cưng chiều hết mực những tập đoàn quyền lực, vị lãnh đạo mới được giới thiệu là Leung Chun-ying khẳng định, chính quyền mà ông lãnh đạo sẽ hoàn toàn khác biệt.

"Tôi không cần những mối quan hệ cá nhân khăng khít với giới kinh doanh. Tôi ở đây là để phục vụ 7 triệu người dân".

Những ông trùm Hong Kong đã trụ lại được trong khoảng thời gian đầy khó khăn trước đó. Một câu hỏi đặt ra là liệu họ vẫn có thể còn sức để chiến đấu tiếp. Những người như Lý Gia Thành, nổi lên từ những năm bùng nổ sau chiến tranh thế giới II đang ở độ tuổi 80 hoặc hơn thế. Một số thì đang phải đối mặt với sóng gió gia đình vì những cuộc chanh chấp tài sản hay thừa kế.

Ông Leung và cơ quan phong chống tham nhũng cùng những nỗ lực của họ trong thời gian gần đây được Bắc Kinh hậu thuẫn. Bắc Kinh e sợ về sự bất mãn ngày càng gia tăng ở Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc đã trợ giúp cho cuộc bầu của của ông Leung và chủ tịch nước Hồ Cẩm Đòa đã chỉ thị cho vị lãnh đạo mới này giải quyết những căng thẳng xã hội như một ưu tiên hàng đầu. Chủ tịch Hồ cho biết, “mâu thuẫn xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Hong Kong”.

Chính quyền Bắc Kinh đang lo ngại với thực trạng tham nhũng và bất bình đẳng. Họ cũng muốn có một Hong Kong thật sự ổn định. Trong 5 năm tới, người dân sẽ lần đầu tiên trực tiếp bầu cử lãnh đạo cho mình và những cử tri bất bình có thể chọn ra người không có lợi cho Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến cho công chúng nổi giận là bất động sản. Hiện tại chỉ có 7% trong tổng số diện tích 430 dặm vuông được sử dụng cho các mục đích dân cư. Giá nhà ở đã tăng đến 82% kể từ năm 2008 nhưng thu nhập thì lại ì ạch trong suốt thập kỷ qua. Bên cạnh đó là những giới hạn về nguồn cung mới khi chính phủ bán những khu bất động sản khủng với giá trị khủng và như vậy chỉ những nhà đầu tư lớn mới có khả năng tham gia và thâu tóm. Theo số liệu của CLSA , hiện nay, chỉ có ba công ty nhưng lại kiểm soát đến 65% thị trường bất động sản dân cư tư nhân. 

Vào tháng Hai, chính phủ cho biết họ sẽ bắt đầu bán và cung cấp những khu bất động sản nhỏ hơn, giúp các nhà xây dựng quy mô nhỏ có cơ hội để cạnh tranh. Ông Leung cũng nói ông sẽ tiến hành dịch vụ cung cấp bất động sản, kỳ vọng sẽ có thể đẩy giá xuống thấp. Các nhà xây dựng Trung Quốc cũng đang chuyển tới đây, giúp thị trường trở nên cạnh tranh hơn.

Pong Yat-Ming là người phản đối những ông trùm này. Giáo viên 38 tuổi này quyết định đạp xe đi làm bởi các ông trùm là người sở hữu hệ thống xe bus của Hong Kong. Anh cũng tránh luôn cả ParknShop và Wellcome, hai chuỗi siêu thị thống trị trên thị trường. Ngoại trừ điện, Pong cố gắng tránh mặt những dịch vụ, sản phẩm do những ông trùm này cung cấp. Anh cho biết: “Mọi người đang rất giận dữ. Họ cho rằng những siêu tập đoàn này đã thâu tóm quá nhiều quyền lực và họ đang kiểm soát cuộc sống của người dân”. 

HungNinh (Theo WSJ)