Trong khoảng thời gian cuối tháng 2 năm 2015, nền tảng quản lý sự kiện Eventbrite, đơn vị chuyên cung cấp công cụ để quản lý doanh số bán vé và những công việc hậu cần khác xoay quanh việc tổ chức các sự kiện lớn và nhỏ, đã công bố một một nghiên cứu mới với tên gọi “The Esports Effect: Gamers and the Influence of Live Events” với nhiều thông tin hữu ích về bộ phận người thường tham gia các sự kiện esports.
Bản báo cáo đã lấy kết quả từ 1,500 người tham dự các sự kiện esports do Eventbrite phụ trách trong khoảng thời gian năm 2013 – 2014, và đặt ra những câu hỏi như tại sao họ lại tham dự, họ là ai, và đương nhiên là cả chuyện họ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền nữa. Có lẽ phần thú vị nhất và có ảnh hưởng tốt tới ngành game hiện nay chính là các sự kiện esports đã thúc đẩy “ham muốn” chơi game và tiêu tiền nhiều hơn cho sản phẩm của những người tham dự.
“Các sự kiện trực tiếp có sức mạnh để gia tăng tỷ lệ chơi và thúc đẩy hành vi chi tiêu của khách hành, và đó cũng chính là điều chúng ta đang được thấy ở một cộng đồng game với những giải đấu esports diễn ra thường xuyên,” bà Christine Bohle của Eventbrite nói.
Gần một nửa số người tham dự các sự kiện esports thú nhận rằng họ thường mua những sản phẩm liên quan tới game ngay trong tuần họ mới trở về từ sự kiện. Hơn nữa, có tới 74% người tham gia bản nghiên cứu nói rằng họ sẽ chơi game thường xuyên hơn khi về nhà, 86% người cảm thấy yêu mến game hơn, 64% sẽ theo dõi team mà họ thấy tham gia ở giải đấu, và 54% sẽ xem lại những pha hightlight ở giải đấu.
Các nhà phát triển là một những nhân tố thúc đẩy esports mạnh nhất trong vài năm qua, và nguyên nhân chính là: Esports đã thực sự nâng cao giá trị và thu nhập của họ. Đối với bất kỳ ai đã từng tham gia một sự kiện thể thao điện tử, chắc hẳn họ chẳng hề cảm thấy bất ngờ gì với chuyện hòa mình vào một đám đông, ra sức gào thét để cổ vũ cho những thời khắc quan trọng ở mỗi trận đấu.
Về phương diện doanh số bán vé, 19% người tham gia khảo sát cho biết rằng họ sẵn sàng chi ra 200 USD (khoảng hơn 4 triệu VNĐ) đển mua vé, 38% người sẵn lòng mua vé 100 USD và 78% sẽ mua vé rẻ ở mức 49 USD. Đây là giá vé vào cửa ở thị trường Mỹ, nơi có mức sống đắt đỏ, còn ở những khu vực khác ví như Trung Quốc, Hàn Quốc thì giá vé vào cửa của một giải đấu esports sẽ còn thấp hơn nhiều. Nếu tiếp tục duy trì tốt như hiện nay, rất có khả năng các giải đấu esports sẽ kiếm thêm được một nguồn lợi nhuận khổng lồ từ giá vé vào cửa giống với các môn thể thao truyền thống.
Bên cạnh đó, phần đông người đã từng tham dự ít nhất một sự kiện esports cũng chia sẻ rằng họ mong muốn được tham dự thêm nhiều sự kiện tương tự nữa, và có không ít người sẵn sàng du lịch sang các nước khác để tham dự, hoặc đã tham dự 3 giải esports trở lên.
Đối với những người lo lắng rằng trải nghiệm esports không thể sánh được so với thể thao truyền thống, hãy an tâm bởi có đến 80% người được hỏi đều nói rằng họ đến một sự kiện để được xem tận mắt game thủ và đội mà mình ưa thích thi đấu. Đó là điểm khác biệt giữa một sự kiện esports và chơi game nói chung, và cũng là một trong những thứ đã tạo nên bản sắc của esports.
Bản báo cáo có chỉ rõ: “Các sự kiện trực tiếp này có ảnh hưởng tốt tới thị trường game, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng mua bán của người chơi. Các gamer cho thấy rằng họ tiêu nhiều tiền hơn và ngày càng trở thành fan trung thành hơn sau mỗi lần tham dự sự kiện trực tiếp. Đây cũng là tin tức tốt lành cho các nhà tài trợ của các sự kiện trực tiếp, bởi gamer thường mua đồ ở cả trong và sau quá trình tham gia sự kiện. Và với những gamer mong muốn ngày càng có nhiều sự kiện hơn, mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này sẽ dẫn tới một tiềm năng doanh thu lớn hơn cho cả ngành game.”
Theo Trí Thức Trẻ