Liên tục xử phạt các website chiếu phim lậu

Dịch vụ xem phim trực tuyến ở Việt Nam có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là khi dịch vụ xem phim trực tuyến chủ yếu do các ISP cung cấp để phục vụ thuê bao Internet của mình như FPT Telecom với dịch vụ ephim hay ione, VNPT với dịch vụ phim xem của megafun…

Đến thời kỳ thứ 2, các trang web xem phim, chia sẻ phim lậu khác bắt đầu nở ra “như nấm sau mưa” gồm Pubvn, HayhayTV, HDviet, hdvnbits.org… Ban đầu các trang web này chủ yếu cung cấp miễn phí cho người dùng và kiếm tiền thông qua quảng cáo. Khi số lượng người dùng tăng cao thì các trang web xem phim lậu bắt đầu thu phí người dùng với số tiền trung bình trên dưới 1000 đồng/ngày. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên ICTnews thì số lượng người dùng trả phí chỉ đủ trang trải một phần rất nhỏ chi phí hoạt động của các trang web xem phim trực tuyến lậu. Doanh thu chính đến từ quảng cáo và cung cấp các giải pháp hạ tầng, nội dung cho đối tác… nhờ số lượng người truy cập khá lớn.

Từ năm 2013, với sự manh tay của Hiệp hội Điện Ảnh Mỹ (MPA), các trang web phim lậu ở Việt Nam bắt đầu bị "trảm". Tháng 7/2013, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã xác minh 3 website: pub.vn, phim47.com, v1vn.com có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh (phim) thuộc sở hữu của các thành viên MPA và các trang web này phải chấm dứt hành vi vi phạm, gỡ bỏ ngay các bản sao tác phẩm điện ảnh không phép. Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng 4/2014, MPA tiếp tục gửi hồ sơ liên quan đến việc tái vi phạm bản quyền phim của 3 trang mạng kể trên và 9 trang mạng khác tại Việt Nam.

Tháng 6/2014, Thanh tra chuyên ngành TT&TT đã xử phạt 2 website vi phạm bản quyền phim Hồng Kông bị TVB Hồng Kông khiếu nại. Tuy nhiên, đỉnh điểm nhất là tháng 10/2015, Đoàn Thanh tra liên ngành của Bộ TT&TT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an đã tiến hành thanh tra đột xuất công ty Bách Triệu Phát và yêu cầu công ty dừng cung cấp phim vi phạm bản quyền trên mạng xã hội Hayhaytv.vn - một trong số những trang web chiếu phim lậu lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Sau khi trở lại, HayhayTV không còn tập trung chiếu các bộ phim Âu Mỹ nữa mà chuyển sang các phim lẻ, phim bộ Châu Á.

Mặc dù số lượng các trang web bị xử phạt không thấm là bao so với hàng chục cho đến hàng trăm các trang web đang chiếu phim lậu. Tuy nhiên, sức ép của cơ quan quản lý và MPA khiến không ít các trang web, dịch vụ chiếu phim lậu phải bán lại cho các công ty kinh doanh dịch vụ khác hay chuyển hướng ngừng chiều nhiều bộ phim Mỹ để chuyển sang các bộ phim nước khác tạm thời chưa bị “sờ gáy” chuyện bản quyền... Nhưng mức độ ảnh hưởng của các đơn vị kinh doanh phim lậu là khác nhau, trong khi một số trang web có tiếng về phim Mỹ thì lượng truy cập giảm mạnh, một số đơn vị khác thì lượt truy cập lên xuống tùy thuộc vào độ hot của các phim Châu Á đưa lên.

Tại thời điểm năm 2014, người phát triển một trang web phim lậu đã than với người viết rằng, với tình hình liên tục bị siết phim bản quyền như hiện nay thì khó có thể phát triển lâu dài được. Tuy nhiên, do lượng truy cập khá lớn nên sẽ sử dụng trang web phim lậu này để đẩy và tạo lượng truy cập cho các sản phẩm kinh doanh dịch vụ khác có thể phát triển lâu dài. “Thậm chí, trong thời gian tới có thể tính đến phương án tìm đối tác để bán lại trang web”, vị này chia sẻ. Kết quả năm 2015, trang web xem phim lậu này đã được bán lại với mức giá khá hời và người phát triển thay vì làm phim lậu đã chuyển sang xây dựng một trang web về thương mại điện tử.

Với việc liên tục xử phạt các trang web phim lậu và ra đời của các dịch vụ chiếu phim có bản quyền như Fim+ trong ảnh, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng đã hết thời của các trang web chiếu phim lậu ở Việt Nam?

Nhiều doanh nghiệp “nhảy vào” kinh doanh phim trực tuyến bản quyền

Thực ra, không phải đơn vị nào cũng muốn kinh doanh phim lậu nhưng để có thể mua phim bản quyền cung cấp lên website của mình phục vụ người dùng một cách chính thống là vô cùng khó khăn. Khó khăn đầu tiên đến từ nguồn cung cấp phim, sau đó là đến chi phí cho một bộ phim chất lượng trung bình cũng lên tới cả chục, thậm chí là vài chục ngàn USD, chưa nói tới phim “bom tấn” có thể lên tới cả trăm hoặc triệu USD là bình thường. Kể cả phương án ăn chia phần trăm doanh thu cũng có chi phí rất lớn mà một doanh nghiệp Internet ở Việt Nam rất khó đáp ứng. Một số đơn vị ở Việt Nam đã có hợp đồng ký với Công ty giải trí và truyền thông Qnet để cung cấp phim bản quyền của HBO nhưng số lượng phim ít và cũ nên không thu hút được người dùng.

Tại thời điểm năm 2013, ICTnews đã dự báo rằng, với phim bản quyền, do chi phí cho một bộ phim mới rất cao nên nếu không có sự “đứng lên” của một hãng phân phối phim lớn như Galaxy, BHD… (có cả kênh phân phối từ rạp phim cho đến nội dung số) thì việc kinh doanh phim bản quyền rất khó thành hiện thực. Sau 3 năm, dự báo này đã thành hiện thực với sự tham gia thị trường phim bản quyền của Galaxy (dịch vụ Fim Plus) và BHD (dịch vụ Danet) để có thể bước sang thời kỳ tiếp theo của dịch vụ phim trực tuyến. Cụ thể, với dịch vụ Fim Plus và Danet, người dùng phải trả mức phí khoảng 50.000 đồng/tháng để xem khoảng 1.000 bộ phim trên máy tính, di động và máy tính bảng. Tuy nhiên, đối với các bộ phim mới chiếu rạp, người dùng vẫn phải bỏ khoảng 12.000 đồng - 29.000 đồng/phim để thuê phim trong vòng 48 tiếng.

Không chỉ 2 doanh nghiệp trong nước, theo nguồn tin của chúng tôi, cuối năm 2016 sẽ có một đơn vị kinh doanh nội dung bản quyền của Malaysia tham gia cung cấp dịch vụ phim, TV Show… có bản quyền tại Việt Nam. Mức giá dịch vụ của đơn vị đó chưa được tiết lộ nhưng sẽ không có nhiều sự khác biệt so với mức giá mà BHD, Galaxy đang cung cấp,

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về tham vọng của BHD, Galaxy trong việc kinh doanh phim bản quyền trong những bài tiếp theo.