- Đó là một nội dung trong dự thảo Thông tư về Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 mà Bộ GDĐT vừa ban hành xin góp ý hoàn thiện.
Các trường đào tạo sư phạm có thể tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp từ các trường THPT chuyên. Ảnh minh họa. |
Quy chế này áp dụng đối với các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên, các sở GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện tuyển sinh chính quy, trình độ đại học; cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo đó, về Đề án tuyển sinh, các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải.
Tuy nhiên thí sinh phải đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Cùng đó, Đề án tuyển sinh của trường phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về: trường, ngành đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường (cơ sở vật chất, giảng viên, hợp tác với doanh nghiệp, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...); các thông tin về tuyển sinh của cơ sở đào tạo,...
Quy định tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (nếu trường thấy cần thiết). Quy định rõ về việc trường có sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ; điểm thi được bảo lưu theo quy định tại Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh;
Đối với trường đào tạo trình độ CĐSP xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp phải quy định rõ cách thức xét tuyển vào ngành học phù hợp.
Ngoài ra, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án.
Về tổ chức tuyển sinh, các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển thực hiện xác định và công bố công khai việc dùng các tổ hợp điểm thi của các bài thi/môn thi (bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội) và các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội, để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD-ĐT để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học.
Các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu... kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi,...
Với các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thực hiện lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH.
Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các trường khác để xét tuyển phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường. Có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm học.
Để biết thêm thông tin chi tiết mời độc giả theo dõi tại đây.
Thanh Hùng