Trước Tết thì mua đủ thứ đồ, trong Tết thì phải chi bao nhiêu khoản, đó là những lí do khiến cho nhiều chị em dù trước khi nghỉ Tết đã được lĩnh lương và một cục tiền thưởng nhưng ra Giêng đã thấy mình “cháy túi”.

Nhưng nếu chi tiêu một cách có kế hoạch thì chúng ta vẫn có thể đón một cái Tết đầy đủ mà ra Giêng ví vẫn dư dả tiền để chi tiêu cho đến ngày lĩnh lương tiếp theo.

Nên chi bao nhiêu tiền cho Tết?

Bạn có bao nhiêu tiền? Ví dụ, trong tài khoản bạn đang có 40 triệu và những hình ảnh các món hàng Tết đang nhảy múa trước mắt khiến bạn mê mệt cái gì cũng muốn mua thì cần phải thật tỉnh táo. Không phải chỉ có mỗi cái Tết trước mắt cần chi tiêu đâu, mà quãng đường xa sau 3 ngày Tết vẫn đang chờ bạn ở phía trước. 40 triệu đó có thể sắm được rất nhiều thứ cho một cái Tết hoành tráng, nhưng đừng quên sau mấy ngày Tết là những hóa đơn đang chờ bạn thanh toán: điện, nước, điện thoại, tiền học cho con, tiền ga… Vì thế trước khi rút hầu bao lang thang chợ Tết, hãy ngồi lại liệt kê những khoản phải chi trả sau Tết, và đừng quên một khoản nhỏ đề phòng rủi ro. Ví dụ:

-Tiền học cho con: 5 triệu

-Điện: 2 triệu

-Nước: 1 triệu

-Ga: 300 nghìn

-Xăng cho bố mẹ: 500 ngàn

-Đề phòng rủi ro: 3 triệu

Sơ sơ thế thôi là gần 12 triệu rồi. Thế thì số tiền để dành chi tiêu cho tết chỉ còn 28 triệu thôi. Tùy thuộc vào túi tiền của gia đình bạn để chi tiêu cho tết một cách hợp lý, chứ không phải là việc bạn muốn tiêu bao nhiêu tiền cho tết. Vì không thể trong túi có 28 triệu nhưng lại muốn mua cái này cái kia cỡ 50 triệu được, trừ phi bạn có một nhà đầu tư dài hạn không cần hoàn lại.

Sắm Tết – bao nhiêu cho đủ?

Ừ thì Tết là phải có mai, đào, quất, bánh chưng, hay “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Nhưng một cây quất giá 200 nghìn thì tầm ảnh hưởng lên ngân quỹ khác xa với một cây quất 20 triệu đấy nhé. Hạt dưa, hạt bí cũng có giá khác biệt so với hạt thông hay hạnh nhân, óc chó. Vẫn lấy ví dụ 40 triệu ở trên, thì bây giờ phải sắm tết như thế nào với 28 triệu?

{keywords}

(Ảnh minh họa)

Không cần phải tính quá kĩ nhưng bạn cũng cần phải áng chừng cho những khoản như bao nhiêu tiền cho đào, quất, hoa; bao nhiêu tiền cho thịt cá, bánh chưng, bao nhiêu tiền cho bánh kẹo… để từ đó chi tiêu cho hợp lý trong khoản còn lại. Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là tránh mua sắm theo cảm hứng và hiệu ứng đám đông. Đừng vì thấy một số chị em trong văn phòng mua một cái gì đó mà cũng mua trong khi gia đình mình không thích ăn hoặc không cần thiết. Như thế vừa lãng phí vừa lõm vào ngân quỹ.

Lì xì – có phải khoản nhỏ?

Có thể bạn nghĩ nó không “đáng gì” vì mỗi đứa cháu tốn có mấy chục nghìn, họ hàng thân thiết thì mới tốn mấy trăm. Có đáng bao nhiêu đâu nên không cần phải chú ý. Nhưng bạn cứ thử ngồi làm phép tính xem bao nhiêu họ hàng thân thiết và bao nhiêu đứa cháu? Chắc chắn sẽ không khỏi giật mình vì số tiền có khi bằng cả tháng lương đi làm, khoản này "không phải dạng vừa" đâu nhé. Thực ra, lì xì chỉ là một việc làm mà người ta hi vọng nó sẽ mang lại may mắn cho người nhận vào ngày đầu Xuân. Không ai bắt buộc phải lì xì một số tiền nhất định. Không ai treo bảng giá rằng người A thì phải lì xì 500, người B phải lì xì 1 triệu. Chỉ cần một số tiền mang tính “tượng trưng” nhưng thái độ vui vẻ và tình cảm ấm áp thì người nhận cũng rất sung sướng rồi. Trong ngân sách của gia đình, bạn quyết định chi bao nhiêu tiền cho khoản “mừng tuổi” thì từ đó cân đối cho từng đối tượng.

{keywords}

(Ảnh minh họa)

Chồng bạn là một người tiêu hoang?

Chồng bạn có thể sẽ thích mua rượu tiền triệu đãi khách, hay trưng cây đào thế mấy triệu ở phòng khách cho nó "oách" trong khi ngân sách chỉ giới hạn một khoản nhỏ hơn? Tốt thôi nếu như anh ấy kiếm thêm được một khoản nào khác để bù vào hoặc gia đình bạn có thể "nhịn" một thứ nào đó đề đổi cho sở thích của anh ấy. Còn nếu không, hãy cho anh ấy đọc bài báo này và hỏi xem anh ấy có phương pháp nào hay hơn không.

Ai cũng mong muốn có một cái Tết thật vui vẻ và đầm ấm bên người thân. Giá như chúng ta được tiêu pha thoải mái, thích gì thì mua mà không cần phải suy nghĩ! Chắc nhiều chị em đã không dưới một lần thốt lên câu này. Nhưng hãy nhớ độ “sang chảnh” ra sao thì phải nhìn vào tình hình ngân sách của gia đình và sự tính toán khéo léo của chị em phụ nữ, người giữ tay hòm chìa khóa.

(Theo Trí thức trẻ)