Các đơn vị nhà thầu, chủ đầu tư, thậm chí cả đến cấp bộ, ngành đã tìm đủ cách rà soát, chủ động tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng nhiều nút thắt về cơ chế. Các dự án hiện nay đều trong tình trạng thoi thóp, rất cần một quyết sách kịp thời và mạnh mẽ, nhằm sớm đưa công trình vào vận hành, bù đắp lại những lãng phí, thiệt hại cho nền kinh tế.

Cơ chế lùng bùng

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 cho biết, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chậm hoàn thành đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa để phục vụ đóng điện ngược, chạy nghiệm thu dự án nhà máy và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu là một nguyên nhân gây chậm tiến độ, tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của dự án chính là khó khăn khi áp dụng cơ chế đặc thù “thực thanh, thực chi” tại Quyết định 2414/QĐ-TTg. Các hạng mục khi hoàn thành thi công, phải nghiệm thu xong nhà thầu mới được thanh toán theo đơn giá tạm tính với tổng giá trị 80%, còn 20% được giữ lại dự phòng, khi thống nhất đơn giá mới được thanh toán nốt. Trong khi các tiêu chuẩn, định mức xây dựng quá thấp, chưa phản ánh đầy đủ chi phí thực, đơn giá tạm tính chiết thêm 20% khiến các nhà thầu bị vắt kiệt nguồn lực tài chính, không thể tham gia thêm vào các gói thầu. Mặt khác, theo quy định, các gói thầu mức hơn 500 triệu đồng phải qua đấu giá, do vậy nếu phát sinh tình trạng chậm một khâu nào đó hoặc có sự thay đổi, bổ sung, những thủ tục lại quay lại từ đầu, chi phí quản lý bị đội lên.

Phó Giám đốc Ban dự án điện Sông Hậu 1 (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA) Trần Kim Bích chia sẻ, dù trong hợp đồng có đề cập sau này sẽ áp dụng đơn giá điều chỉnh, nhưng thi công với đơn giá tạm tính thấp hơn rất nhiều đơn giá thực tế đã gây thiệt hại lớn cho nhà thầu. Giá trị thật sau khi xây dựng xong thường cao hơn giá dự toán cho nên chủ đầu tư rất ngại điều chỉnh và nếu không điều chỉnh, sẽ không nhà thầu nào chịu làm. Nhưng với vai trò Tổng thầu EPC, phải huy động hàng nghìn công nhân và máy móc trên công trường, nếu LILAMA để chậm tiến độ sẽ phát sinh nhiều chi phí, giảm hiệu quả sản xuất. Do không giải quyết được vướng mắc, các bên thống nhất tạm thanh toán với điều kiện LILAMA phải mở bảo lãnh thanh toán bởi chủ đầu tư muốn “nắm đằng chuôi”, sợ khó thu hồi tiền của nhà thầu trong trường hợp thanh toán thực nhỏ hơn thanh toán tạm. Nhưng, việc tạm thanh toán này cũng gây bất lợi với nhà thầu do làm phát sinh chi phí, trong khi bản thân LILAMA lại thiếu hụt dòng tiền vì vướng thanh toán. Tình trạng “đụng đâu vướng đấy” khiến LILAMA bị nợ đọng, không đủ vốn để triển khai, đồng thời đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “càng làm càng lỗ”.

{keywords}
Các kỹ sư Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 kiểm tra lắp đặt hệ thống tua-bin Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến kỹ thuật, giải pháp thi công hợp lý có thể giúp rút ngắn tiến độ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng lại không được khuyến khích do những sáng kiến, cải tiến này nếu chiếu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thì “chưa có tiền lệ”, nên không được thanh toán hoặc thanh toán chậm, vì thế không ai dám áp dụng, vô tình “giết chết” sự sáng tạo tại dự án. Trên công trường, mặc dù Ban dự án điện Sông Hậu 1 (LILAMA) đã thành lập riêng một bộ phận chuyên làm công tác thanh quyết toán trên công trường, cử hẳn một Phó Tổng Giám đốc vào “nằm vùng” để sẵn sàng tham gia những phần việc vượt thẩm quyền quyết định của Ban Giám đốc tổng thầu, tuy nhiên vẫn bị “bó tay” đối với những vướng mắc về cơ chế vượt thẩm quyền của nhà thầu. Công trình càng kéo dài, hiệu quả càng thấp, những yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp tiến độ thi công chung và nếu không có giải pháp tháo gỡ, mục tiêu sớm đưa dự án nhà máy vào vận hành thương mại sẽ khó đạt được.

Cần được “bật đèn xanh”

Tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2, trước khó khăn “kép” vừa không gia hạn được giải ngân vốn vay, vừa chưa thu xếp được các phương án vay trong nước khiến dự án ngưng trệ, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, đã họp với đại diện nhiều bộ, ngành tại nhà máy bàn cách tháo gỡ vướng mắc. Vấn đề thiếu hụt nguồn vốn do không được Bộ Tài chính giải ngân, lãnh đạo PVN kiến nghị Bộ Công thương đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án với cam kết không làm vượt TMĐT điều chỉnh. Thậm chí, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đã khảng khái cam kết: “Hội đồng thành viên PVN tất cả đã đồng thuận ký vào rồi, nhưng các bộ, ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể ngay. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, chịu trách nhiệm trước Bộ Công thương về mặt kỹ thuật, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi. Hãy cho chúng tôi cơ chế để làm!”. Tuy nhiên, đáng tiếc, gần nửa năm trôi qua, kiến nghị khẩn thiết của PVN vẫn chưa có phản hồi.

Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Nguyễn Hoàng Lâm khẳng định, nếu những khó khăn, vướng mắc về dòng tiền được tháo gỡ vào thời điểm cuối năm này, nhiều khả năng đến cuối năm 2020 dự án sẽ bước vào chạy thử, đầu năm 2021 có thể vận hành. Với TMĐT dự án gần 42 nghìn tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 33,2 nghìn tỷ đồng, 15% tiến độ còn lại, phần xây lắp còn gần 8%. Để nhà máy chạy được, chỉ cần bổ sung khoảng 2.500 tỷ đồng, một số tiền không lớn so với TMĐT và lợi ích dự án hứa hẹn mang lại. Cần phải nhấn mạnh rằng, đề xuất trên không làm tăng TMĐT, chỉ là những giải pháp mang tính kỹ thuật, nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức hoạt động, mỗi năm hệ thống điện quốc gia có thêm 7,2 tỷ kW giờ điện. Ngược lại, nếu bỏ lỡ, trong bối cảnh nguồn cung điện dự báo sẽ thiếu hụt trầm trọng sau năm 2020, mỗi năm ngành điện sẽ phải tốn chi phí khoảng 35 nghìn tỷ đồng để chạy dầu bù sản lượng điện thiếu hụt của Nhà máy.

Còn đối với dự án Tisco-II, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đã xây dựng phương án thoái 65% vốn Nhà nước tại Tisco với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Hiện nay, Tisco là DN nhà nước cổ phần chi phối, việc đàm phán, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong hợp đồng EPC với MCC một cách nhanh nhất giống như giữa hai DN tư nhân là điều không thể. Bất kỳ một quyết định nào trong đàm phán với MCC đều phải trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, khiến thời gian kéo dài, làm lỡ mất nhiều cơ hội. Nếu phương án này được thông qua, sẽ mở ra cơ hội tái khởi động dự án, gỡ “nút thắt” về cơ chế khiến dự án Tisco-II mòn mỏi nhiều năm nay. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là lối thoát hữu hiệu nhất, vừa chấm dứt sự lãng phí, vừa mở ra đường sống (có thể nói là duy nhất) cho dự án trong thời điểm sống còn này.

Vậy thực tế Tisco-II có khả năng tái thiết và hoạt động trở lại không? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ không gì thực tế bằng nhìn vào hiện trạng dự án. Hiện tại, hơn 12 nghìn tấn thiết bị cáp, tủ điện,... (chiếm 90%) đã nhập về chứa trong hơn 800 hòm, bảo quản nghiêm ngặt trong kho trang bị cách âm, cách nhiệt, chiếu sáng đầy đủ, bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn. Phần quan trọng nhất là hệ thống điều khiển - điện tự động hóa, được coi là linh hồn, bộ óc của nhà máy (653 tấn) hiện nay vẫn chưa nhập về nên hoàn toàn không phải lo lắng về chất lượng. Một số thiết bị phụ trợ lắp đặt ngoài trời bị mưa nắng gỉ sét, theo đánh giá của các chuyên gia ngành thép, có thể khắc phục, sửa chữa rất nhanh với chi phí thấp.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường phân tích, dự án Tisco-II áp dụng công nghệ luyện kim lò cao - lò thổi ô-xy, là công nghệ phổ biến của ngành thép, khoảng 70% các nhà máy trên thế giới sử dụng công nghệ này, vì vậy việc tái khởi động dự án là rất thuận lợi. Dự án đã giải ngân hơn 4.400 tỷ đồng, thiết bị đã lắp đặt dở dang 143 trong tổng số 163 hạng mục, nhà thầu vẫn còn trách nhiệm và quan trọng là cả tập thể lãnh đạo, người lao động Tisco cũng như người dân tỉnh Thái Nguyên vẫn đang khát khao đưa nhà máy vào hoạt động trong một ngày không xa. Tiếp sức cho Tisco-II, các điều kiện đã hội tụ đủ, chỉ chờ một cơ chế vực dậy, thì không có lý nào lại để dự án tiếp tục nằm “chờ chết”.

Vài năm trở lại đây, nền kinh tế thiếu vắng những dự án lớn mở đường, làm bệ đỡ cho tăng trưởng đất nước trong thời gian tới, nhiều dự án quy mô lớn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nằm án binh bất động. Tình trạng “đóng băng” các dự án chính là hệ quả từ việc sợ sai, sợ trách nhiệm, kiến nghị gửi lên chỉ nhận về những hướng dẫn chung chung, yêu cầu “làm đúng theo quy định pháp luật”, trong khi nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, đã triệt tiêu động lực làm việc của nhiều cán bộ, nên họ co mình lại thủ thế để tìm sự an toàn cho bản thân. Điều đáng nói là hiện tượng này không chỉ xảy ra đơn lẻ ở một vài dự án, mà trở nên phổ biến ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương, không ai dám chịu trách nhiệm kể cả những người đứng đầu, làm hao mòn niềm tin, gây thiệt hại nặng nề về sau này.

"Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cần thêm 2.500 tỷ đồng nữa để hoàn thành nốt 15% tiến độ còn lại. Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ liên quan xem xét, đề xuất cho PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân nhưng vẫn tắc nghẽn ở đó vì không ai làm. PVN đã bảo đảm thu xếp được vốn từ nguồn vốn nhà nước để lại cho DN 20% lợi nhuận nhưng luẩn quẩn một vòng qua đủ cơ quan chức năng vẫn không ai quyết. Nếu là DN tư nhân, thu xếp vốn rất dễ dàng, nhưng DN nhà nước nên mắc kẹt về cơ chế và sợ trách nhiệm, không ai dám gánh vác", Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

(Theo Nhân dân)