Bước qua “lời nguyền” dấn thân vào cuộc khai quật, ông Hận chỉ làm cho câu chuyện kho báu thêm kỳ bí với những cái chết khó lý giải.
Tại xã Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) nhiều người vẫn truyền tai nhau về câu chuyện kho báu núi Bạch Tuyết. Các cụ cao niên trong làng đều kể rằng, ở đây có kho báu của người Tàu từ xa xưa để lại. Để canh giữ kho báu, người xưa chôn theo trinh nữ Bạch Tuyết, khi ấy 18 tuổi làm “thần giữ của”. Vì thế núi ấy có tên là Bạch Tuyết gắn với tham vọng tìm kho báu của nhiều người.
Cho đến bây giờ, người dân trong làng vẫn tin núi Bạch Tuyết có kho báu. Lúc ấy, ông Nguyễn Tài Hận là một “đại gia có tiếng” trong vùng, đã bỏ tiền ra đầu tư mua vật dụng thuê 13-14 người đàn ông trai tráng khỏe mạnh đào núi Bạch Tuyết. Ông Hận muốn kiểm chứng kho báu núi Bạch Tuyết có thật hay không và cũng hy vọng chuyến “đầu tư” ấy sẽ thu lợi nhuận khổng lồ.
Câu chuyện “hồn ma trinh nữ” nơi núi Bạch Tuyết đã làm nhiều người sợ, nhưng vì cuộc sống đói nghèo, những người thợ đào kho báu kia mong có thể hốt bạc nên họ bất chấp tất cả.
Không tin có quỷ thần
Ông Hận không ngần ngại khi nói về cuộc khai quật kho báu cách đây 30 năm. Ông thẳng thắn khi trò chuyện cùng phóng viên.
Ông đã đầu tư vào việc tìm kho báu như thế nào?
Tôi đã bỏ ra một số tiền rất lớn, tiền ngày ấy còn giá trị lắm. Nếu tính như bây giờ, tiền đầu tư đi tìm kho báu có thể mua vài chiếc ô tô. Rất nhiều thanh niên trai tráng muốn “hốt” bạc núi Bạch Tuyết nên đã xin tôi cho đi theo “đội quân” tìm vàng.
Ông và những “cộng sự” không sợ lời nguyền “hồn ma trinh nữ” hay sao?
Nếu sợ tôi đã không đầu tư nhiều tiền như vậy để đi tìm kho báu, ngày ấy tôi tin có kho báu nhưng không tin chuyện quỷ thần. Bản thân tôi không tin rằng có nàng Bạch Tuyết thật.
Ông Nguyễn Tài Hận, người 30 năm trước đầu tư đi tìm kho báu. |
Ngày ấy, cuộc tìm kiếm rất quy mô?
Cuộc tìm vàng diễn ra tấp nập, nhộn nhịp hơn cả một công trường, người cuốc, người thuổng, đập, xúc, vần đá đi chỗ khác. Khi phát hiện có một đường hầm bí mật sâu trong núi, ai cũng vui mừng, phấn khởi và nghĩ là có kho báu thật.
Ông có thu được vàng không?
Càng đào sâu vào trong núi, chúng tôi càng phát hiện có nhiều điều kì lạ, những tảng đá lớn chụm đầu vào nhau thông tới một hang rất sâu, nhưng cuối cùng đào mãi cũng không thấy kho báu, không thấy vàng bạc gì cả.
Nghĩa là ông sẽ thất vọng và sự “đầu tư” bị lỗ?
Ngày ấy, tôi là một người giàu có tiếng, số tiền ấy không đáng gì với tôi cả. Tôi coi đó như là chi phí cho việc giải mã bí ẩn kho báu có thật như truyền thuyết hay không.
Vậy cuộc đào vàng diễn ra trong bao lâu? Tại sao ông lại quyết định ngừng cuộc tìm kiếm?
Chúng tôi đào bới, tìm kiếm khoảng 20 ngày, khi phát hiện sâu trong đường hầm có hang lớn nhưng bên trên lại có một tảng đá khoảng 6-7 tấn chọc thẳng xuống mặt hang. Đá có dấu hiệu nứt và có thể sập xuống bất cứ khi nào. Nếu sập, toàn bộ mười mấy con người sẽ mất mạng nên tôi quyết định ngừng cuộc tìm kiếm.
Nghe nói, nhiều “cộng sự” của ông đã gặp rủi ro, bất hạnh vì phạm lời nguyền?
Hầu hết số họ đều sống không được sung túc chứ không nói là nghèo khổ, giờ đây 2/3 số người đó đã qua đời. Con trai ông T. đi làm thợ xây bị ngã từ tầng 4 xuống cũng đã qua đời, còn con gái ông H. vừa tròn 20 tuổi thì bị chết đuối.
Còn ông sau khi xâm phạm núi Bạch Tuyết, cuộc sống, kinh doanh có ảnh hưởng không?
Từ sau đó, việc kinh doanh của tôi liên tiếp bị thất bại. Tôi đã thua những cuộc làm ăn rất lớn.
Đến bây giờ ông còn nung nấu ý định đi tìm kho báu không?
Chắc chắn là không rồi, vì tới tận bây giờ người dân quanh núi Bạch Tuyết đều nghĩ những tai ương mà người tham gia tìm kho báu gặp phải là do “động” tới nơi yên nghỉ của trinh nữ Bạch Tuyết nên bị… “thánh vật”.
Quán Linh Thượng nằm trên núi Bạch Tuyết, sát UBND xã Vân Côn, người dân vùng này còn gọi đó là quán Bạch Tuyết.
Quán Bạch Tuyết không lớn. Người ta đã xây dựng thêm nhiều hạng mục mới để thờ cúng, “di tích” cũ để lại chỉ là bốn tảng đá lớn nhuốm màu thời gian. Điều lạ là ngay chính giữa những tảng đá lại có rất nhiều cây cối xanh tốt, rậm rạp.
Núi Bạch Tuyết có kho báu hay không?
Liệu có nàng Bạch Tuyết bị chôn sống làm “thần giữ của” không tới nay vẫn là một câu hỏi lớn.
Lý giải điều này, PV báo Đời sống pháp luật tìm gặp GS.Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, ông cho biết: “Ngày xưa, nhất là người Trung Quốc có nhiều vàng bạc họ thường xây những mật thất để cất giấu kho báu, chuyện chôn trinh nữ giữ kho báu cũng đã từng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi làm kho báu, họ thường dùng những ám hiệu, kí hiệu mà người khác khó lòng có thể nghĩ ra để vào kho báu nếu không có bản đồ. Ở xã Vân Côn có kho báu hay không cần sự vào cuộc của các nhà khoa học chứ không thể chỉ dựa trên truyền thuyết. Sự linh thiêng của quán núi Bạch Tuyết có thể do trong tâm thức người dân đều tin có nàng Bạch Tuyết nên những sự việc xảy ra trùng hợp họ lại gắn vào truyền thuyết của quán núi”.
Ông Vũ Tiến Chắc Trưởng thôn Linh Thượng xã Vân Côn, Hoài Đức cho biết: “Sau những sự việc đã xảy ra trong thôn, nhiều người dân tin có nàng Bạch Tuyết thật nên họ quyên góp tiền xây quán Linh, tu sửa lại rất khang trang. Vùng đất xung quanh quán Linh Thượng này rất linh thiêng nên nếu có kho báu thật cũng không ai dám tìm động tới nữa”.
(Theo Đời sống pháp luật)