- Tháng 7 trên đất Đồng
Lộc anh hùng, năm nào cũng thế, không khí trầm mặc, thiêng liêng của những ngày
cuối tháng 7 lại mang lại nhiều xúc cảm cho những người có mặt tại mảnh đất này.
Cái chết của 9 học sinh
Tượng đài chiến thắng của lực lượng TNXP vẫn sừng sững, uy nghiêm giữa đất trời
Can Lộc. Từng đoàn người đến từ nhiều vùng miền đất nước lặng lẽ xếp hàng vào
thắp hương cho 10 nữ anh hùng.
Ông Nguyễn Văn Kiên, nguyên Bí
thư xã Đồng Lộc, hiện là Chủ tịch mặt trận xã, là người chứng kiến hầu hết sự
đổi thay của Đồng Lộc đã dẫn chúng tôi đi một vòng, thăm lại các điểm bị đánh
phá ác liệt trong chiến tranh nơi đây.
Ông Kiên tâm sự rằng, mỗi bước đi của chúng ta trên đất Đồng Lộc này đều chạm
vào xương máu của bộ đội, TNXP, dân công hoả tuyến và cả những người dân vô tội.
Tôi hiểu được ý của vị chủ tịch
mặt trận xã này. Mỗi m2 đất Đồng Lộc phải hứng chịu tới 4 quả bom và biết bao
nhiêu người đã nằm xuống cho sự hoà bình hôm nay của đất nước.
Ông Kiên là một trong những học sinh sống sót trong trận bom càn quét năm 1967
đã giết chết 9 học sinh trong lớp học. Ông dẫn chúng tôi ra thăm hố bom, nơi 9
người bạn học trong lớp 3B ngày nào đã vĩnh viễn nằm lại. Đến bây giờ, ông vẫn
nhơ như in từng chi tiết, từng khuôn mặt bạn bè, những tiếng kêu thất thanh khi
bị bom thả.
Buổi sáng định mệnh đó, ông Kiên cùng với 34 em học sinh lớp 3B, Trường cấp 2 Đồng Lộc vẫn đi học bình thường như mọi ngày. Lớp học do thầy giáo Lệ, người Vĩnh Lộc đứng lớp. Lớp học được nguỵ trang bằng cái lán lợp lá nằm ở xóm Trường Thành.
Xung quanh là 4 đường giao thông
hào, có thể chạy được ra hầm trú ẩn khi máy bay Mỹ tới. “Đang ngồi nghe thầy
giảng bài thì bỗng nhiêu có tiếng “sạt sạt của máy bay Mỹ. Thầy giáo Lệ buông
cuốn sách xuống rồi hét lên: Máy bay đến ném bom, các em ra hầm trú ẩn. Cả lớp
học như đàn ong vỡ tổ, nhốn nháo chạy theo các đường giao thông hào để ra hầm
trú ẩn”.
Ông Kiên lúc đó cùng với hơn 20 bạn học trú ở góc hầm phía tây lớp học. Tiếng
máy bay mỗi lúc nghe một gần hơn, rồi một tiếng nổ long trời. Một quả bom mạ
(bon tấn) đã rơi xuống phía góc hầm Triều Tiên (hầm chữ A), nơi có 9 học sinh
trong lớp học đang trú ẩn. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra. Quả bom tấn đã cày
nát chiếc hầm chữ A. 8 học sinh bị chết ngay tại chỗ.
Một học sinh bị sức ép bom, sau khi được đưa đi cấp cứu cũng đã tử vong. Những
tiếng khóc vang lên khắp xóm làng. Cái chết của 9 em học sinh chỉ mới ở độ tuổi
12- 13 cùng một lúc khiến người dân như không thể chịu đựng được nữa. Rồi thi
thể của các em cũng được dân quân thu gom để mai táng.
“Hầu như chẳng còn nguyên vẹn
nữa. Dân quân cũng chỉ gom nhặt lại sau trận bom rồi nhanh chóng bỏ vào những
chiếc chiếu, chôn xuống lòng đất”, ông Kiên bùi ngùi kể tiếp.
Số học sinh còn lại may mắn thoát chết thì cũng có nhiều người bị ảnh hưởng của
bom. Sức ép của bom đã làm nhiều người bị chứng thần kinh không ổn định. Sau khi
thả bom giết chết 9 học sinh, “thần sấm” (từ chỉ máy bay ném bom) còn tiếp tục
thả thêm một quả bom nữa ở khu lương thực, làm chết 4 người trong gia đình ông
Trần Nuôi.
Ông Võ Đức Phương, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Lộc cho biết: Ở mảnh đất Đồng Lộc có
nhiều những sự kiện chết tập thể như thế. Nhưng người dân mãi không thể quên
được ngày 20/3, gắn với sự kiện cái chết của 9 học sinh.
Day dứt vì sự lãng quên
Đến bây giờ, ông Võ Thúc Đồng, Phó Bí thường trực huyện Can Lộc vẫn cứ day dứt
mãi không thôi sau sự kiện cái chết của 9 em học sinh. Ông day dứt bởi, thế hệ
hôm nay vẫn chưa làm gì để tưởng nhớ, ghi nhận sự hy sinh của đó.
“Nếu không được biết đến rộng rãi
thì tôi e rằng mình thấy có lỗi với quá khứ, có lỗi với nhân dân địa phương.
Việc xử sự của người sau này đối với những sự kiện đó như vậy đã đúng chưa?”,
ông Đồng đặt câu hỏi. Ông Võ Thúc Đồng, Phó Bí thư huyện uỷ Can Lộc day dứt: “Việc xử sự của thế hệ sau này đối với những sự mất mát to lớn đó của người dân, như vậy, đã đúng chưa?”
Những lần đi công tác ở Đồng Lộc, ông Đồng được nghe người dân nơi đây kể nhiều
về những hy sinh, mất mát trong quá khứ, và cả sự kiện 9 học sinh. Vị phó bí thư
cảm thấy phải làm một việc gì đó để ghi lại những hy sinh mất mát của người dân.
Sợ những tư liệu sống đó sẽ bị lãng quên theo thời gian, ông đã chỉ đạo cho địa
phương điều tra, ghi lại những người chết trong chiến tranh.
“Họ kể cho tôi nghe, có những trận đánh bom ác liệt nhất thì đều có sự tham gia đóng góp của người dân Đồng Lộc. Mọi người sẵn sàng đưa ra mọi vật dụng, nhà cửa đưa ra để đắp đường, làm sao cho thông đường thông xe. Đó là một sự đóng góp lớn cho mặt trận ngã ba Đồng Lộc”.
Theo những gì ông Đồng tìm hiểu được, vào thời kỳ đó, có nhiều gia đình chết gần hết, nhà cửa bị bom thả cháy trụi nhưng người dân vẫn đứng vững để cùng với các lực lượng tham gia làm đường, đảm bảo giao thông huyết mạch không bị tắc.
'Trước sự mất mát, hy sinh lớn của nhân dân Đồng Lộc, đặc biệt một số gia đình tiêu biểu, tôi muốn nói lên được, đánh giá được sự hy sinh đó' - ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, trách nhiệm của chính quyền từ cơ sở đến TƯ phải làm việc gì đấy
để ghi nhận công lao đóng góp của người dân để người dân được biết đến sự quan
tâm của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như bên cạnh tượng đài 10 cô gái thanh niên xung
phong thì có thể xây thêm một tấm bia tưởng niệm cho sự hy sinh cao cả của người
dân...
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, màu xanh đã trở lại trên mảnh đất lịch sử.
Thế nhưng, âm ỉ trong mỗi gia đình, những nỗi đau mất mát, hy sinh vẫn chưa thể
hết. Người viết bài này cũng tán đồng với ý kiến của vị Phó bí thư huyện Can
Lộc: Những người đang hưởng nền hoà bình hôm nay nên làm việc gì đấy để để cho
những sự kiện như thế không bị lãng quên. Để làm sao, mỗi khi có người đến với
Ngã ba Đồng Lộc, họ sẽ biết ở đây không chỉ có 10 cô gái TNXP anh hùng. Mà còn
có cả sự đóng góp, hy sinh to lớn của hàng trăm người dân đã ngã xuống cho tuyến
giao thông huyết mạch được xuyên suốt. Nếu không sẽ có lỗi với lịch sử.
Duy Tuấn