Trong những ngày giữa tháng 7/2019, các phương tiện thông tin đại chúng cho biết giá USD trên thị trường tự do trượt về ngưỡng 23.200 đồng. Ngân hàng Vietcombank cũng nhiều lần điều chỉnh giá USD theo hướng giảm, hiện tại ở mức 23.260 đồng.

Xu thế sụt giảm của USD so với VND là điều có thể dự đoán trước khi dòng vốn quốc tế đổ vào mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Tính đến 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018 (tuy có thấp hơn nhưng vẫn tiếp tục một chuỗi kỷ lục liên tiếp 3 năm có mức FDI cao).

Mặt khác, đồng USD cũng ở xu thế mất giá so với nhiều đồng tiền chính trên thế giới kể từ tháng 5/2019. Với việc thị trường quốc tế kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất đồng USD ngay trong tháng 7 này, và với quan điểm đồng USD đang quá mạnh không chỉ của tổng thống Trump mà còn của nhiều ứng viên tổng thống khác (chẳng hạn Elizabeth Warren), nhiều khả năng đồng USD sẽ tiếp tục chịu sức ép phải giảm giá so với nhiều đồng tiền chính trên thế giới từ các chính trị gia Mỹ.

{keywords}
Dòng vốn FDI nóng cũng không khỏi phiền hà.

Tất nhiên, các nước khác cũng có thể đáp trả cho hành động giảm giá đồng tiền của Mỹ bằng cách làm giảm giá đồng tiền của chính họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ nổ ra và Mỹ đang ở vị thế sẵn sàng để kết luận rằng nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nga, và Châu Âu đang thao túng tiền tệ và có những biện pháp trừng phạt (nghĩa là mở những cuộc “chiến tranh” khác?). Việt Nam cũng đang nằm trong tầm ngắm này.

Bỏ qua các yếu tố quốc tế khách quan, nguồn cung ngoại tệ dồi dào mà các ngân hàng thương mại có thể mua được là nguyên nhân chủ yếu của xu thế xuống giá của đồng USD so với VND. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn toàn có thể can thiệp để chặn đà giảm của đồng USD bằng cách mua ngoại tệ mặt vào (và bán VND ra), đồng thời “trung hòa” lượng VND tăng thêm này bằng cách hút tiền về qua kênh tín phiếu. Tuy xử lý vấn đề phát hành tín phiếu không đơn giản, nhưng thời gian qua NHNN đã xử lý tương đối tốt và vẫn có không gian để tiếp tục.

Nhưng vấn đề là, nếu NHNN tiếp tục đẩy mạnh mua ngoại tệ vào, thì lại vướng một trong những tiêu chí trong danh sách xếp hạng quốc gia thao túng tiền tệ của Mỹ. Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP; thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la; và can thiệp vào ngoại hối một chiều, tức là mua ròng ngoại hối trong 12 tháng liên tiếp với tổng số tương đương 2% GDP.

Vào cuối tháng 5, theo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã đạt hai trong số ba tiêu chí mà phía Mỹ xếp là thao túng tiền tệ, đó là thặng dư thương mại với Mỹ và qui mô thặng dư cán cân vãng lai so với GDP. Với tiêu chí thứ 3, Việt Nam “chưa thỏa mãn” khi lượng mua ròng ngoại tệ năm 2018 chỉ tương đương 1,7% GDP. Đây là một sự may mắn.

Con số mua ròng trong năm 2019 còn là vấn đề gây tranh cãi giữa các bên. Trao đổi với các chuyên gia về kinh doanh ngoại hối và ngân hàng của Việt Nam trong chuyến về thăm Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua, tôi nhận được những nhận định khác nhau về tiêu chí thứ 3 này. Có người nói là đã vượt 1,7% GDP, có người nói là chưa, nhưng sắp.

Dù là nhận định nào đi nữa, họ đều đồng ý với quan điểm là Việt Nam còn rất ít không gian can thiệp bằng cách tiếp tục mua vào ngoại tệ, trừ khi không quan tâm đến rủi ro bị Mỹ xếp hạng là quốc gia thao túng tiền tệ. Sự bất định về quan điểm điều hành của ta và những gì Mỹ thật sự quan tâm và có thể làm sẽ trói tay cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp để giữ giá USD không trượt tiếp nữa so với VND.

Điều này đặt chính sách tỷ giá vào thế lưỡng nan: nếu để USD mất giá nhiều nữa so với VND thì sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và bỏ lỡ cơ hội mua vào thêm dự trữ ngoại hối; nhưng mua thêm USD vào nữa thì có thể lại lọt vào danh sách thao túng tiền tệ.

Với một nền kinh tế tăng trưởng tốt như hiện tại và với một lượng vốn ngoại đổ vào khá nóng thì mặt bằng lãi suất VND cũng sẽ phải theo thế tăng chứ khó theo thế giảm (dù có muốn giảm, và có thể đạt được bằng các biện pháp kỹ thuật trong ngắn hạn), là vì các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp bất động sản cần vốn để triển khai các dự án để đón đầu dòng vốn đầu tư quốc tế. Mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 14-15% phát hành gần đây là minh chứng cho điều đó. Mà lãi suất VND tăng, trong khi lãi suất USD giảm thì đồng USD lại càng gặp sức ép mất giá.

Nhìn chung, diễn biến tăng giá của VND so với USD là bình thường đối với một nền kinh tế đang đón một lượng vốn ngoại lớn. Điều đó cho thấy dòng vốn ngoại này tuy mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nhưng cũng mang tới rắc rối cho chính sách tỷ giá của một nền kinh tế hướng về xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang sẵn sàng “trừng phạt” các quốc gia mà họ cho là thao túng tiền tệ.

Cái khó của chính sách tỷ giá chỉ mới là những vấn đề ban đầu của một nền kinh tế nhận vốn ngoại nóng. Về cơ bản, điều đó cũng hợp với qui luật: không có gì là miễn phí. Vốn ngoại sẽ còn có thể tạo ra nhiều vấn đề khác mà hiện tại chúng ta chưa nhận thức rõ.

Một nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại và các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam sẽ còn dễ bị tổn thương trước những biến động bên ngoài khác và phải "đi dây" giữa những biến động dòng vốn và chính trị quốc tế. 

Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên Đại học Bristol, Anh