- Nơi ở của “cô bé” là chiếc cũi sắt rộng chừng 2m2 được đặt trong căn phòng bé nhỏ nằm cạnh ngôi nhà bố mẹ em đang ở tại thành phố Hà Tĩnh. Gọi em là cô bé bởi, dù đã 23 năm tồn tại trong cuộc đời này nhưng em vẫn như một đứa bé sơ sinh. 23 năm, cũng chừng ấy thời gian em phải nằm trong cũi sắt.
Chết đi sống lại
Chiều muộn. Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trương Công Trình, trú tại khối phố 1, phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh. Cũng như những buổi chiều khác, chị Lan đang lúi húi chuẩn bị bữa ăn chiều cho đứa con bất hạnh của anh chị trước khi nấu ăn cho cả nhà. Chị đã làm công việc này trong 23 năm trời.
23 năm, cũng chừng ấy thời gian em phải nằm trong cũi sắt. |
Lúc chúng tôi đến cũng là lúc anh Trình, người chủ gia đình vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Căn bệnh quái ác đã đổ xuống đầu anh vừa rồi may mắn không cướp đi sinh mạng của anh nhưng nó đã khiến anh chẳng thể nói như bình thường được nữa.
Năm 1988, sau một thời gian đi bộ đội ở tỉnh Hà Tuyên cũ (Tuyên Quang và Hà Giang ngày nay) anh xuất ngũ trở về và kết hôn với chị Trương Thị Lan. Rồi khi biết tin chị mang thai đứa con đầu lòng anh đã rất vui mừng. Bao nhiêu ước mơ, hy vọng của anh chị được đặt vào đứa con đầu lòng.
Nhưng rồi tai họa bỗng dưng ập xuống vai đôi vợ chồng trẻ khi đứa con đầu lòng sinh ra đã không được bình thường. Đứa bé gái đầu sinh ra chẳng biết khóc. Nhìn ánh mắt long lanh của con, anh chị cũng hy vọng là con mình ngoan nên mới thế.
2 tháng tuổi, khi chưa kịp làm giấy khai sinh, đứa bé bỗng dưng lên cơn co giật, người tím tái và dần dần cứng lại.
Tất cả sinh hoạt của "cô bé" Trương Thị Anh đều diễn ra trong chiếc cũi sắt chật chội. |
Anh chị như chết đi sống lại khi chứng kiến cảnh con mình như vậy. Cũng may có người hàng xóm giỏi về bấm huyệt đã chạy sang cứu được đứa bé thoát khỏi tay tử thần. Nhưng rồi, từ lần ấy, đứa bé có lớn mà chẳng có khôn. Cứ nằm bất động một chỗ chẳng biết gì. Anh chị đặt tên cho con là Trương Thị Anh.
12 năm đầu là quãng thời gian vất vả nhất của gia đình chị. Nhìn đứa con tội nghiệp chẳng thể hoạt động bình thường như những đứa trẻ khác, chị Lan đã phải gắng sức chăm cho con để nó có thể bò hoặc ngồi như những đứa trẻ khác. Hàng ngày, ngoài việc cho con ăn chị còn phải bóp chân, tay cho con để không bị cứng lại.
18 tuổi mới làm giấy khai sinh
Sau hơn chục năm được mẹ chăm sóc, bé Anh đã có thể bò được. Nhìn đứa con hiếu động quá nhưng không thể chạy nhảy như những đứa trẻ khác, sợ nguy hiểm cho con, anh chị đành gạt nước mắt đành bỏ con vào trong cũi sắt vì chẳng thể ở bên cạnh con cả ngày.
Chị Lan đành lòng phải khoá cửa cũi lại vì đã có lần chị quên không cài khoá, bé Anh mở được và bò "đi chơi" khiến gia đình hốt hoảng. |
Và từ đó cho đến nay cuộc sống của cháu Anh nằm trong chiếc lồng sắt. "Có đêm tôi dậy để đuổi muỗi cho con thì chẳng thấy con đâu. Hốt hoảng chạy đi tìm thì thấy nó đã bò ra đường lớn và đang nằm chơi dưới gốc cây. Ơn trời! May mà không sao", chị Lan kể.
Đến năm 2007, khi bé Anh tròn 18 tuổi, lúc này đây chị Lan mới nghĩ đến việc làm giấy khai sinh cho em để có thể được hưởng trợ cấp từ nhà nước.
Mất 3 năm đi gõ cửa các cơ quan nhà nước ở thành phố Hà Tĩnh, chẳng được cơ quan nào chấp nhận làm chế độ cho con, tháng 10/2010, chị liều mình cõng cả con lên UBND TP. Hà Tĩnh khóc lóc xin cho con. Và cũng từ đây cháu Anh được hưởng trợ cấp dành cho người tàn tật, mỗi tháng 360 nghìn.
Chị Lan, anh Trình chỉ ước một lần được nghe tiếng gọi bố, mẹ từ đứa con ruột của mình. |
23 năm có mặt trên cõi đời này, nhưng bé Anh chẳng thể một lần gọi tên bố mẹ, anh chị em. Bé cứ như một đứa trẻ vừa chào đời, chẳng có cảm xúc, chẳng thể biết được nỗi vất vả của bố mẹ em đã trải qua.
Chị Lan, anh Trình chỉ ước một lần được nghe tiếng gọi bố, mẹ từ đứa con ruột của mình. Nhưng anh chị cũng biết điều đó là không thể. Những lúc trái gió trở trời cháu Anh lại kêu gào suốt đêm. Những đêm đó gia đình chị lại có một đêm không ngủ.
Giờ đây khi người chồng lâm trọng bệnh, chẳng thể đi làm kiếm tiền để nuôi gia đình, chị Lan biết được rằng, gánh nặng cơm áo gạo tiền, nuôi con ăn học đang đè nặng lên đôi vai mình. Chị biết mình sẽ chẳng thể còn có nhiều thời gian để chăm lo cho đứa con tội nghiệp đang nằm trong chiếc lồng sắt.
Gia đình chị Lan, anh Trình đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm của độc giả để vượt qua cơn khốn khó.
Bàn Thạch