Hiện tại, dư luận Ấn Độ đang tranh cãi xung quanh việc cấm chiếu bộ phim tài liệu làm về vụ cưỡng hiếp gây chấn động dư luận quốc tế, xảy ra ở thành phố New Delhi, Ấn Độ hồi năm 2012.

{keywords}

Bộ phim tài liệu do đài BBC (Anh) sản xuất - “India’s Daughter” (Người con gái Ấn Độ) - làm về vụ cưỡng hiếp tập thể xảy ra ở thành phố New Delhi hồi năm 2012. Bộ phim hiện đang trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận Ấn Độ. Vụ việc xảy ra hồi năm 2012 từng gây chấn động dư luận thế giới, giờ đây, bộ phim lại trở thành đề tài của những tranh luận trái chiều.

Ấn Độ đã ra lệnh cấm chiếu bộ phim trên sóng truyền hình, lý do là bởi trong phim có ghi hình một trong số 5 kẻ thủ ác - Mukesh Singh, tên này đã đổ lỗi cho nạn nhân một cách trắng trợn.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ - ông Rajnath Singh - đã phát biểu trước nghị viện Ấn Độ rằng những phát ngôn của kẻ thủ ác Mukesh Singh “mang đầy tính xúc phạm và sự lăng mạ đối với phẩm giá phụ nữ”.

Bộ phim tài liệu “Người con gái Ấn Độ” được thực hiện bởi nhà làm phim người Anh - bà Leslee Udwin. Khi thực hiện bộ phim, nữ đạo diễn đã nhận được sự cho phép để vào ghi hình trong nhà tù Tihar ở thành phố New Delhi, thậm chí, bà còn thực hiện một cuộc phỏng vấn với Mukesh Singh - kẻ tội phạm đang chờ lĩnh án tử hình.

Bà Leslee Udwin cho biết bà nhận được hai sự cho phép để vào ghi hình trong nhà tù, một từ ban quản lý trại giam và một từ Bộ Nội vụ Ấn Độ. Tuy vậy, ông Bộ trưởng Nội vụ lại khẳng định rằng bà Udwin đã vi phạm thỏa thuận ban đầu khi không trung thực, không để ban quản lý trại giam được xem toàn bộ những gì bà đã ghi hình bên trong nhà tù.

{keywords}

Người Ấn Độ tham gia buổi lễ tưởng niệm năm thứ hai xảy ra vụ cưỡng hiếp từng gây chấn động dư luận thế giới hồi năm 2012.

Nhà làm phim Leslee Udwin đã thực hiện cuộc phỏng vấn đối với một trong 5 kẻ thủ ác. Chính cuộc phỏng vấn này đã khiến bộ phim gây tranh cãi tại Ấn Độ.

Bộ phim được dự kiến chiếu trên trên kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ, nhưng một lệnh khẩn của tòa án đã bất ngờ được đưa ra, chặn đứng kế hoạch chiếu phim.

Kẻ thủ ác Mukesh Singh, cùng với 3 đồng phạm khác, hiện đang phải đối mặt với mức án tử hình, tuy vậy, Mukesh Singh không hề thể hiện sự hối hận khi trong cuộc phỏng vấn, hắn ngang nhiên đổ lỗi cho nạn nhân bởi cô đã đi ra ngoài lúc 9h tối, đã chống cự lại khi bị cưỡng hiếp…

Một phần lý do khiến bộ phim bị cấm chiếu là bởi nội dung phim dễ gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận và có thể sẽ dẫn tới sự mất an ninh nơi công cộng. Tuy vậy, dù không được chiếu, thì hiện tại, bộ phim vẫn đang trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận Ấn Độ.

Vụ việc một nữ sinh viên qua đời vì những thương tích trầm trọng sau 13 ngày bị cưỡng hiếp tập thể trên một chiếc xe buýt vào buổi tối khi cô và bạn trai đang trên đường trở về nhà từ rạp chiếu phim đã từng đưa tới những cuộc biểu tình bạo lực ở Ấn Độ.

{keywords}

Kẻ thủ ác Mukesh Singh

Bộ phim tài liệu “Người con gái Ấn Độ” nhấn mạnh vào mức độ kinh hoàng của những hành động bạo lực chống lại phụ nữ ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đồng thời lại đề cập tới cả công tác làm luật và quá trình hành pháp ở Ấn Độ…

Trước khi bị cấm chiếu, đài NDTV đã dự định chiếu bộ phim trong dịp chào đón ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua. Hiện tại, truyền thông và dư luận Ấn Độ đang tranh cãi xung quanh việc cấm chiếu bộ phim là việc nên hay không.

Những tranh cãi về bộ phim “Người con gái Ấn Độ” còn lan tới cả chính trường nước này, khi hai nghị sĩ Javed Akhtar và Anu Aga đã phát biểu tại nghị viện rằng việc chiếu bộ phim là cần thiết, để xã hội được thấy cách suy nghĩ của những kẻ phạm tội.

Theo tờ Thời báo Ấn Độ, cách suy nghĩ của kẻ thủ ác Mukesh Singh không phải là quá xa lạ trong những vụ án cưỡng hiếp ở Ấn Độ, bởi thực tế nhiều tên tội phạm hiếp dâm cũng có chung cách biện giải như vậy cho hành động tội ác của mình.

Thực tế, việc cấm chiếu bộ phim trên sóng truyền hình Ấn Độ không đem lại nhiều hiệu quả bởi người ta vẫn có thể lên mạng xem phim.

{keywords}

Hiện tại, nhiều tờ báo ở Ấn Độ như Thời báo Ấn Độ, Thời báo Hindu, Tin nhanh Ấn Độ… đều lên tiếng ủng hộ việc phát sóng bộ phim trên truyền hình bởi bộ phim đã cho thấy suy nghĩ của những kẻ phạm tội hiếp dâm ở Ấn Độ, và bởi bộ phim đã mở ra một vấn đề cần phải được tranh cãi, bàn luận trong xã hội…

Tờ Thời báo Hindu còn cho rằng việc cấm chiếu bộ phim là một lựa chọn quá dễ dàng, trong khi cách giải quyết vấn đề triệt để lại không đơn giản như vậy: “Thay vì cấm chiếu một bộ phim mà trong đó kẻ tội phạm hiếp dâm đã nói ra thật nhất những suy nghĩ hèn hạ của mình, người ta cần phải nghĩ cách làm sao để đẩy mạnh hệ thống pháp lý nhằm bảo vệ phụ nữ tốt nhất”.

Truyền thông thế giới hiện cũng đang rất quan tâm tới bộ phim tài liệu và việc nó bị cấm chiếu ở Ấn Độ. Hiện tại, đã có 6 nước trên thế giới quyết định sẽ chiếu bộ phim này, trong đó có Anh. 

Theo Dân trí