Đi dọc theo các vườn cam Bãi Phủ (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) những ngày này nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh nông dân chở từng xe tải cam đi đổ, chôn lấp. Đỉnh Sơn là một trong những vựa cam lớn của huyện Anh Sơn, vốn dĩ đây là thời điểm người nông dân tất bật chăm bón cho những quả cam đang dần ngả vàng trên cây để chuẩn bị cho mùa thu hoạch cuối năm.

Lặng người đứng nhìn vườn cam hơn 400 gốc nay chỉ còn một màu xanh của lá, anh Lã Hữu Hạnh (trú tại xã Đỉnh Sơn) nói: “Trắng tay thật rồi. Nhìn có gì trên cây nữa mô”. Anh Hạnh nhẩm tính, vụ cam năm nay đạt trên 40 tấn quả, với giá bán rẻ nhất 20.000/kg cũng đã giúp gia đình anh hoàn vốn hơn 800 triệu đồng sau 6 năm chăm bón.

{keywords}
Vợ anh Hạnh nuối tiếc khi chứng kiến từng xe tải chở cam mang đi tiêu hủy - Ảnh: Quang Dũng

Tuy nhiên, chỉ gần 2 ngày ngâm nước lũ, hàng chục tấn cam của anh Hạnh thi nhau rụng tới hơn 99%, chỉ còn lác đác ít quả trên cây. Xót của song không còn cách nào khác, người đàn ông này phải bỏ thêm tiền thuê thêm người về nhặt cam rụng đem đi tiêu hủy, nhanh chóng rải vôi khử trùng vườn cam.

Theo anh Hạnh, cây cam trồng khoảng 4 năm mới cho quả, đến năm thứ 6 thì cho thu hoạch chính. Ngoài chi phí ban đầu như làm đất, giống cây thì mỗi năm gia đình anh phải đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng để chăm sóc vườn cam. “Hì hục chăm bón mấy năm nay, hy vọng vụ này sẽ lấy lại được tiền đầu tư. Nào ngờ...” - anh Hạnh bỏ dở câu nói.

Cách đó không xa, vườn cam 550 gốc Xã Đoài lòng vàng của gia đình anh Lã Hữu Hải cũng đang được gần chục công nhân tích cực thu gom đi chôn lấp. “Quả cam đang đẹp rứa mà chỉ sau vài ngày đã đỏ sẫm rồi rụng hàng loạt. Chừng 30 tấn quả trong vườn đã được chôn lấp” - anh Hải nói.

{keywords}
Cam vàng gốc sau lũ
{keywords}
 

Theo anh Hải, cam có lượng axit cao nên nếu chôn xuống đất không cẩn thận sẽ làm hỏng đất và tạo điều kiện cho các loại nấm và ruồi vàng phát triển, vì thế phải cực kỳ cẩn thận. Mấy hôm nay, gia đình phải thuê thêm 10 người nhặt cam rụng đổ xuống các hố, rãnh cách xa khu vực trồng cam.

Ông Phan Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết, toàn xã có hơn 100 hecta cam, chủ yếu là giống cam Xã Đoài lòng vàng, cam Vân Du... Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 10 đã khiến nhiều vườn cam ngập sâu từ 1-1,3m. Lũ rút, cam bắt đầu xuất hiện tình trạng rụng hàng loạt.

Lãnh đạo xã Đỉnh Sơn cho hay, ngoài cây chè thì cây cam được xem là cây chủ lực của địa phương, giúp nhiều hộ dân khấm khá trong nhiều năm qua. Nguồn lợi từ cây cam mỗi năm cho doanh thu từ 35-40 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện trên 70% sản lượng cam trên địa bàn đã phải tiêu hủy. Nhiều vườn cam rụng tới 100%, rơi vào cảnh trắng tay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn (huyện Anh Sơn) cho biết, trước tình cảnh cam rụng hàng loạt sau lũ, chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi con em xa quê mua cam ủng hộ người dân. Song giá cam hiện tại quá rẻ, chi phí tiền cước gửi xe xấp xỉ tiền bán cam nên kế hoạch đành phải tạm dừng.

{keywords}
Cam rụng đổ chất thành từng đống lớn bên đường
{keywords}
Nhiều chủ vườn còn phải bỏ thêm tiền thuê nhân công nhặt cam rụng đi đổ

“Những vườn cam không bị ngập nước, quả đẹp thì giá bán vẫn cao. Còn cam bị ngập nước thì hiện giá cam chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg, song cũng rất khó bán. Nhiều chủ vườn cam chỉ còn biết cắt cam chưa rụng ra chợ bán rẻ vớt vát lại tiền phân bón” - ông Sơn nói.

Không chỉ riêng huyện Anh Sơn, nhiều “thủ phủ” cam Vinh ở huyện Con Cuông, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... cũng rụng quả hàng loạt khi sắp đến mùa vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết, Nghệ An hiện có gần 6.000 hecta cam, trong đó hơn có hơn 3.000 hecta cam đã cho thu hoạch.

Mưa lũ kéo dài thời gian qua đã khiến nhiều vùng trồng cam thiệt hại nặng nề, ước tính gần 3.000 tấn cam phải vứt bỏ. “Sau lũ, cây cam dễ bị thối rễ, nấm nên người dân cần nhanh chóng khơi thông mương nước để bộ rễ phục hồi. Sau khi cây đã phục hồi thì mới cắt tỉa cành và chăm sóc để chuẩn bị cho mùa vụ mới” - ông Đức nói.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)