- Sáng 1/12, NSƯT Quang Lý đột ngột qua đời vì căn bệnh nhồi máu cơ tim khiến nhiều người bàng hoàng.
Theo thông tin được chia sẻ, sau khi đi tập thể dục về nhà ở 126 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM Nghệ sĩ Ưu tú Quang Lý đột ngột lên cơn nhồi máu cơ tim.
Vì không kịp cấp cứu nên ông đã qua đời lúc 9h ngày 1/12. Sự ra đi của ông đã khiến nhiều người nuối tiếc.
NSƯT Quang Lý |
Căn bệnh nhồi máu cơ tim cướp đi sinh mạng của NSƯT Quang Lý nguy hiểm như thế nào chắc không nhiều người nắm được.
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh lý nguy hiểm đe doạ tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim âý sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội.
Theo thông kê, mỗi năm trên thế giới có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim, trong đó 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Năm sau đó, chết thêm 5% – 10% nữa.
Ở Hoa Kỳ, cứ 6 người chết thì có một người chết vì bệnh tim mạch. Mỗi năm có khoảng 635.000 trường hợp nhồi máu mới xuất hiện và 280.000 trường hợp nhồi máu tái phát, 150.000 nhồi máu im lặng.
Ước tính cứ mỗi 34 giây là có một trường hợp nhồi máu xuất hiện, 1 phút là có một trường hợp tử vong.
Còn tại Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhưng số bệnh nhân nhồi máu ngày càng tăng.
Những năm 50 của thế kỉ XX số bệnh nhân nhồi máu cơ tim là hiếm thì ngày nay, mức độ phổ biến của bệnh ngày càng nhiều và hầu như ngày nào cũng có người nhập viện.
Nhồi máu cơ tim dễ gây tử vong |
Biểu hiện chủ yếu của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực điển hình: đau nhói bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út.
Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái, kèm theo các triệu trứng phụ như vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt mỏi, khó thở, tái nhợt, tim đập mạnh.
Khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên cần nghĩ đến khả năng mắc những bệnh về tim mạch.
Ở những người đã có tiền sử bệnh thiếu máu cơ tim, đau ngực dữ dội không giảm sau khi sử dụng nitroglycerine hoặc isosrbide dinitrate (Risordane) ngậm dưới lưỡi, cần tham vấn bác sĩ ngay.
Đối với những người trên 40 tuổi, có bệnh tiểu đường, tăng lipid máu, hút thuốc lá, béo phì mà trước đây chưa được chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim (thiểu năng vành), khi triệu chứng đau vẫn tiếp tục cần đến các cơ sở y tế ngay để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân đau ngực có phải do nhồi máu cơ tim hay không.
Trong quá trình di chuyển đến cơ sở y tế, cần di chuyển bằng các phương tiện an toàn (xe cấp cứu hoặc taxi), tránh vận động gắng sức trong quá trình di chuyển.
Một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực. Do đó, có thể nhồi máu cơ tim sẽ bị bỏ sót.
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn có thể gặp những trường hợp chỉ than mệt trước đó vài giờ sau đó đột nhiên tử vong làm cho gia đình nạn nhân rất hoang mang.
Về triệu chứng nhồi máu cơ tim, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một người đột ngột ôm ngực kêu đau dữ dội và ngã xuống. Nhưng thực ra, nhiều bệnh nhân chỉ bị một cơn đau ngực nhẹ ở giữa xương ức và triệu chứng này có thể nhanh chóng qua đi, khiến người bệnh cho là bình thường. Những dấu hiệu sau đây có thể báo hiệu nhồi máu cơ tim:
- Đau ngực: Phần lớn các cơn đau ngực xuất hiện ở giữa xương ức, kéo dài vài phút, sau đó hết rồi lại đau lại. Bệnh nhân có cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt ở ngực.
- Có cơn đau ở các vị trí khác như tay, lưng, cổ, hàm, thượng vị.
- Khó thở: Thường đi kèm với đau ngực, nhưng có thể xuất hiện trước đó.
- Các triệu chứng khác: Toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng.
Tuy chứng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm, nhưng nếu nhận biết sớm để điều trị kịp thời (dùng thuốc làm tan huyết khối hoặc phẫu thuật nong động mạch vành), bệnh nhân sẽ tránh được tử vong và những biến chứng sau đó. Các biện pháp trên có thể hạn chế tối đa vùng cơ tim bị chết, hồi phục một số vùng mới tổn thương.
Càng vào viện sớm, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao.
Hiệu quả điều trị sẽ tốt nhất nếu bệnh nhân được xử trí trong vòng 1 giờ đầu.
Văn Đức