Những ngày qua, dư luận cả nước không ngớt xôn xao về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) có quyết định tạm đình chỉ thi hành án sau khi đã ngồi tù 10 năm về tội giết người. PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Long - Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) xung quanh việc vây bắt, cảm hóa nghi phạm Lý Nguyễn Chung khi Chung đang lẩn trốn.
Gian nan lần theo dấu vết
Ông Nguyễn Minh Long, Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra VKSNDTC, người trực tiếp chỉ đạo việc truy tìm hung thủ trong vụ án giết người cách đây 10 năm cho hay: Ngày 5/7/2013, cơ quan điều tra nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chiến, kêu oan cho chồng là ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Sau khi nghiên cứu đơn kèm theo những tài liệu liên quan, cơ quan điều tra tiến hành xác minh lời khai của những người có liên quan, kết hợp với toà án, nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ và thận trọng.
"Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước, điều khiến chúng tôi băn khoăn là vụ án xảy ra cách đây đã 10 năm, nên không thể nói là không có khó khăn. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, ông Chấn nhận tội, nhưng đến khi ra toà, ông Chấn lại không nhận tội. Chứng cứ duy nhất trong vụ án này để kết tội ông Chấn là cơ quan điều tra chỉ dựa vào lời khai của ông Chấn. Các chứng cứ khác lại không thể hiện rõ ông Chấn có hành vi liên quan đến vụ án.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan. |
Mặt khác, cơ quan điều tra không lưu ý đến phần bào chữa của các luật sư bào chữa cho bị cáo Chấn tại hai phiên toà sơ, phúc thẩm. Cụ thể là luật sư Nguyễn Đức Biền (đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) và luật sư Bùi Văn Thấm (văn phòng luật sư Thuỷ Nguyên, đoàn Luật sư Hà Nội).
Tại thời điểm xét xử sơ, phúc thẩm, luật sư Biền và luật sư Thấm đều đưa ra quan điểm và lập luận: "Không thể sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai của bị cáo và khẳng định bị cáo Chấn bị oan, không đủ căn cứ để kết tội, nói cách khác là bị cáo Chấn không phạm tội". Sau khi nghiên cứu các chứng cứ và toàn bộ hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra nhận thấy có dấu hiệu oan sai (theo suy đoán của điều tra viên, 90% ông Chấn bị oan). Đặc biệt là chứng cứ duy nhất để buộc tội bị cáo Chấn lại chính là lời khai của ông Chấn", ông Long cho biết.
Sau khi điều tra, xác minh, Thủ trưởng cơ quan điều tra, ông Vũ Đăng Khoa đã chỉ đạo thành lập tổ xác minh, tố giác tội phạm, phân chia thành nhiều mảng để tiến hành điều tra xác minh.
Có thể nói, cơ quan điều tra đã điều tra, xác minh rất thận trọng. Nếu ông Chấn bị oan thì phải minh oan cho ông ta, đồng thời phải làm rõ hung thủ gây ra vụ án này là ai? Theo ông Long, sau khi xác minh, cơ quan điều tra nhận thấy có căn cứ để khẳng định đối tượng gây ra vụ án không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn mà là người khác.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định đối tượng tình nghi trong vụ án là Lý Nguyễn Chung, người cùng thôn với ông Chấn. Tuy nhiên, đối tượng Chung rất khôn ngoan, lúc ẩn lúc hiện, y thay đổi chỗ ở liên tục, thay sim điên thoại nhiều lần, để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Một cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng giữa cơ quan điều tra với đối tượng đã lẩn trốn trót lọt trong suốt 10 năm...
Lần theo những chứng cứ trong hồ sơ, cơ quan điều tra xác nhận ngay sau khi gây án, đối tượng Chung đã bỏ trốn vào Đắk Lắk. Đối tượng đã di chuyển rất nhiều nơi như: Lạng Sơn, TP.HCM, Trung Quốc..., các điều tra viên đã phải kiên trì bám theo từng địa phương mà Chung đã tới đồng thời kết hợp với gia đình động viên kêu gọi Chung ra đầu thú. Đích thân ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan điều tra VKSNDTC đã trực tiếp gọi điện thoại cho Chung, nhưng Chung luôn thay số nên việc kết nối bất thành.
Ông Lê Minh Long, Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra VKSNDTC. |
Với tư cách là người trực tiếp triển khai vụ án, ông Lê Minh Long cho biết: Mọi phương án đã được dự tính, các điều tra viên chia thành nhiều mảng, luôn kiên trì bám sát đối tượng, không lơ là một giây, đồng thời di chuyển theo đối tượng. Lần theo dấu vết của Chung, các điều tra viên đã tiếp cận được gia đình Chung (trong quá trình lẩn trốn, Chung đã lấy vợ, có con). Tuy nhiên, khi các điều tra viên tìm đến, Chung đã cao chạy xa bay...
Luật sư có đóng góp rất lớn trong vụ án
Trở lại vụ án cách đây 10 năm trước. Theo hồ sơ vụ án, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang có tổ chức giao lưu bóng đá, vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn bán nước ở sân.
Khi tan trận, bà Chiến (vợ ông Chấn) bảo chồng đi múc nước. Trên đường đi qua nhà chị Nguyễn Thị H., nhìn thấy chị này từ nhà tắm đi ra, Chấn vào sàm sỡ chị H.. Bị Chấn khống chế, H. đập vỡ chai bia để tự vệ. Chấn rút dao bấm trong người ra đâm nhiều nhát và dùng tay đập đầu H. xuống đất cho đến chết.
Quá trình thực nghiệm điều tra cho thấy, ông Chấn thực hiện hành vi giết người rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác. Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm hiện trường, các điều tra viên tìm thấy dấu bàn chân hung thủ để lại, ướm bàn chân của ông Chấn vào thì vừa. Ngoài ra, ông Chấn miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất trùng khớp... Căn cứ vào những chứng cứ trên, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người.
Ông Long khẳng định, trong vụ án này, vai trò của luật sư là rất quan trọng, giúp các cơ quan chức năng phân tính, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan. "Rõ ràng lời khai của bị can, bị cáo, nhân chứng, nạn nhân (nếu còn sống) chỉ được coi là nguồn chứng cứ, không thể sử dụng là chứng cứ duy nhất. Chính vì điều này đã dẫn đến sai sót đáng tiếc" - ông Long day dứt nói.
“Tôi đã bật khóc vì thấy cảnh chồng bị tù oan, vợ phát bệnh...”
Ròng rã mấy tháng trời, các điều tra viên "nếm mật nằm gai" để áp sát đối tượng Chung. Ông Long chia sẻ: Đích thân ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan điều tra VKSNDTC, đã trực tiếp tới viện thăm bà Chiến, lúc đó bà Chiến đang phải điều trị vì stress.
Trao đổi với PV, ông Khoa cho biết: "Trong khi tôi đi thị sát thực tế, gặp gỡ bà Chiến, vợ ông Chấn, cảm giác của tôi lúc đó là vô cùng day dứt. Đúng là tôi đã bật khóc khi hình dung hai vợ chồng, người bị oan sai, người thì nghĩ quá mà phát bệnh. Điều đó thôi thúc tôi cũng như những đồng nghiệp cần phải minh oan cho người bị oan không chỉ là trách nhiệm mà trên hết là tình cảm giữa người với người".
Lý Nguyễn Chung tại cơ quan điều tra |
Là người trực tiếp chỉ đạo vụ án, ông Long chia sẻ: "Áp sát đối tượng không thành, chúng tôi chuyển sang phương án khác, vận động chị gái, anh rể, mẹ kế của Lý Nguyễn Chung. Sau khi lấy được số điện thoại của Chung, anh Khoa tiếp tục gọi điện phân tích cho Chung: "Khi phạm tội Chung chưa đủ 15 tuổi, theo quy định của pháp luật, Chung sẽ không phải chịu mức án cao nhất là tử hình.
Mặt khác, nếu Chung ra đầu thú sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật". Sau khi nghe những lời phân tích có tình có lý của anh Khoa, ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú".
Ông Lê Minh Long cũng cho biết, khi Chung đầu thú, Chung có tâm sự: Lý do Chung ra đầu thú là được gia đình và cơ quan điều tra động viên, mặt khác, đêm nào Chung cũng bị ám ảnh thấy cảnh giết chị H.. và nghĩ đến việc người khác đang phải ngồi tù oan cho mình. Tuy nhiên đây mới chỉ là lời Chung nói.
Khi tôi hỏi ông Lê Minh Long về hành trình bắt giữ đối tượng Chung, ông Long đáp: "Việc bắt đối tượng Lý Nguyễn Chung là trách nhiệm của chúng tôi nói riêng và cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, tránh làm oan người vô tội cũng như không để lọt tội phạm".
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, đoàn Luật sư Hà Nội: cho biết: "Chứng cứ đóng vai trò quan trọng trong việc khởi tố, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng trong sửa đổi BLTTHS 2003 là phải đổi mới chế định chứng cứ trong tố tụng hình sự nhằm tăng dân chủ, giảm oan sai, đáp ứng yêu cầu cải cách và hội nhập".
(Theo Người đưa tin)