Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran gồm các hoạt động làm giàu uranium, sản xuất điện và nghiên cứu tại một số cơ sở. Chương trình này đang hoạt động dưới sự giám sát của quốc tế, hoặc đang trong tiến trình được xây dựng.
TIN BÀI KHÁC:


Dưới đây là cái nhìn tổng quan về các cơ sở hạt nhân then chốt của Iran:

Iran đang xây dựng một lò phản ứng ở Arak, nơi nước này đã có một nhà máy sản xuất nước nặng. 

Arak - nhà máy nước nặng

Sự tồn tại của một cơ sở nước nặng gần thành phố Arak lần đầu xuất hiện bằng việc Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế ở Mỹ công bố các hình ảnh vệ tinh của vào tháng 12/2002.

Nước nặng được sử dụng để điều tiết chuỗi phản ứng phân hạch hạt nhân trong hoặc một lò phản ứng - mặc dù không phải là loại mà Iran đang xây dựng hiện nay - hoặc để sản xuất plutonium dùng cho một quả bom hạt nhân.

Hồi tháng 8/2010, IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế) đã tới thăm lò phản ứng nước nặng IR-40 tại Arak. Cơ quan này cho hay, cơ sở vẫn đang trong quá trình xây dựng song một số thiết bị chính đã được lắp đặt. Iran thông báo với IAEA rằng hoạt động của lò phản ứng dự kiến bắt đầu vào năm 2013.

IAEA cho biết, dựa vào hình ảnh vệ tinh, cơ sở sản xuất nước nặng này có vẻ như đang hoạt động nhưng họ không được tiếp cận nhà máy để khẳng định những thông tin như vậy.

Bushehr - Nhà máy Điện hạt nhân

Chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu năm 1974 bằng các kế hoạch nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Bushehr với sự trợ giúp của Đức. Dự án này bị bỏ dở do cuộc Cách mạng Hồi giáo 5 năm sau đó nhưng được phục hồi vào thập niên 1990 khi Tehran ký một thỏa thuận với Nga nhằm nối lại công việc ở địa điểm này.

Moscow đã trì hoãn hoàn thành dự án trong khi Hội động Bảo an Liên Hợp Quốc bàn thảo và sau đó thông qua các nghị quyết nhằm chấm dứt các hoạt động làm giàu uranium ở Iran.

Vào tháng 9/2007, Moscow bắt đầu chuyển uranium đã làm giàu tới nhà máy. Trước đó trong cùng tháng, một báo cáo tình báo của Mỹ nói Iran hiện không vận hành một chương trình hạt nhân quân sự nào.

Hiện có hai lò phản ứng nước điều áp tại Bushehr.

Ảnh vệ tinh hồi tháng 3/2010 cho thấy tòa nhà lò phản ứng được hoàn thành đầu tiên nằm trên một địa điểm rộng 2,5km vuông, cách thành phố Bushehr 17km về phía nam. Các phát triển gần đây bao gồm một kênh nhỏ đưa nước lạnh từ Vùng Vịnh tới tới lò phản ứng.

Hồi tháng 5, những người Nga làm việc tại nhà máy cho biết, nhà máy điện hạt nhân này đã bắt đầu hoạt động ở cấp độ thấp, và báo chí Iran đưa tin hồi tháng 9 rằng nhà máy đã kết nối với mạng lưới điện quốc gia.

Gachin - mỏ uranium 

Vào tháng 12/2010, Iran tuyên bố nước này đã đưa mẻ bột quặng uranium đầu tiên được sản xuất trong nước, hay còn gọi là "bánh vàng", tới một nhà máy để chuẩn bị cho việc làm giàu. 

Giám đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi, cho biết mẻ bột quặng đầu tiên đã được chuyển từ mỏ Gachin tới một cơ sở chuyển hóa tại Isfahan. Các hoạt động khai mỏ tại Gachin bắt đầu năm 2004.

Iran được cho là đang vận hành ở cấp độ thấp kho "bánh vàng" của nước này, ban đầu được nhập khẩu từ Nam Phi hồi những năm 1970. 

Isfahan - nhà máy chuyển hóa uranium 

Iran đang xây dựng một nhà máy tại một cơ sở nghiên cứu hạt nhân để chuyển hóa "bánh vàng" thành 3 dạng:

- Khí Hexafluoride - được sử dụng trong các máy li tâm khí.
- Uranium Oxide - được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng, tuy không phải loại Iran đang phát triển.
- Metal - thường được dùng trong các lõi bom hạt nhân. IAEA lo ngại về việc sử dụng chất này vì các lò phản ứng của Iran không dùng nó làm nhiên liệu.  

Iran đang dự định xây các cơ sở mới ở Natanz.  

Natanz - Nhà máy làm giàu uranium

Iran nối lại hoạt động làm giàu uranium tại Natanz hồi tháng 7/2004, sau một thời gian đình lại trong khi đàm phán với các cường quốc hàng đầu châu Âu về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. 

Vào tháng 9/2007, Iran tuyên bố nước này đã lắp đặt 3.000 máy li tâm làm giàu uranium. Năm 2010, Iran cho IAEA hay rằng Natanz sẽ là một nơi phục vụ các cơ sở làm giàu mới - mà việc xây dựng những cơ sở đó bắt đầu vào khoảng tháng 3/2011. 

Cơ sở này là tâm điểm cuộc tranh cãi giữa Iran với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hội đồng lo ngại bởi vì kỹ thuật dùng cho sản xuất nhiên liệu điện hạt nhân có thể được sử dụng để làm giàu uranium lên mức độ cao hơn nhiều nhằm sản xuất một quả bom nguyên tử. 

Parchin

Một khu vực ở Parchin được xác định là một cơ sở tình nghi phát triển vũ khí hạt nhân. 

Toàn bộ tổ hợp này là một trong những trung tâm vũ khí hàng đầu của Iran - về nghiên cứu, phát triển và sản xuất đạn, rocket và các chất nổ có sức công phá mạnh. Một cuộc thanh sát hạn chế của IAEA năm 2005 không tìm thấy bằng chứng về các hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân nào tại Parchin. 

Tuy nhiên, theo các thông tin rò rỉ từ một báo cáo của IAEA, cơ sở này được tin là còn được sử dụng để thử nghiệm chất nổ có sức công phá lớn mà có thể được sử dụng trong vũ khí nguyên tử.

Qom - nhà máy làm giàu uranium 

Iran tiết lộ sự tồn tại của cơ sở làm giàu Fordo, đang được xây dựng cách thành phố Qom 30km về phía bắc, hồi tháng 9/2009.

Cơ sở này được tin là nằm trong một quả núi tại nơi từng là bãi tên lửa của Lực lượng Vệ binh Iran. 

Iran bắt đầu dự án này năm 2007 - song IAEA tin rằng công việc thiết kế đã bắt đầu ở nơi này từ một năm trước đó. 

IAEA thông báo cơ sở Wom bắt đầu làm giàu uranium năm 2011. Được biết, nhà máy này được trang bị khoảng 3.000 máy li tâm để làm giàu uranium. 

Iran đã viết cho IAEA nói rằng nước này dự định xây một nhà máy để làm giàu uranium ở mức 5% - không đủ để chế tạo vũ khí. 

Thanh Hảo (Theo BBC)