Mỹ dự định sẽ thường xuyên duy trì tác chiến khoảng 11 tàu sân bay cỡ lớn cả trong ngắn và dài hạn (khoảng 30 năm) để luôn bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.


TIN BÀI LIÊN QUAN:


Số lượng tàu sân bay này có thể bảo đảm cho Hải quân Mỹ đủ sức triển khai nhanh và triển khai theo kế hoạch các nhóm tấn công bên tàu sân bay ở tất cả các Hạm đội cũng như thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ đặt ra đã được xác định trong học thuyết quân sự quốc gia và chiến lược Biển của Mỹ.

Tàu sân bay đa năng có khả năng mang từ 75-85 máy bay và máy bay trực thăng các loại, được biên chế thành liên đội không quân trên boong. Loại tàu sân bay này là hạt nhân nòng cốt của liên đoàn và cụm tàu sân bay tấn công thuộc các Hạm đội hải quân hiện đang triển khai hoạt động thường xuyên và luân phiên trên Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ngay từ khi ra đời cho đến nay, loại siêu tàu chiến này vẫn là phương tiện quan trọng nhất quyết định đến việc giành ưu thế trên không và trên biển trước các đối phương giàu tiềm năng trong các cuộc xung đột quân sự. 

Tàu sân bay đa nhiệm của Mỹ có khả năng mang từ 75-85 máy
bay các loại
Trong biên chế của Hải quân Mỹ hiện nay có khoảng 11 tàu sân bay nguyên tử đa năng, trong đó có 10 chiếc lớp Nimitz và 1 chiếc lớp Enterprise.

Chiếc thứ 10 trong lớp này là tàu sân bay nguyên tử đa năng George Bush (CVN-77) đã chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 1/2009, đồng thời trong thời gian này Mỹ cũng đã rút ra khỏi biên chế một chiếc tàu sân bay đa năng không được trang bị lò phản ứng hạt nhân là tàu sân bay Kitty Hawk (CV-63).

Từ dự án tàu sân bay nguyên tử đa năng George Bush, các chuyên gia Mỹ đã lựa chọn ra một số yếu tố kết cấu và công nghệ có thể tham gia vào dự án tàu sân bay thế hệ mới thế kỷ 21 mang số hiệu CVN-21.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên của dự án mới thuộc lớp Gerald R.Ford (CVN-78) đã bắt đầu triển khai chế tạo vào năm 2008 và dự kiến sẽ chính thức chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào cuối năm 2015.

Mỹ dự kiến, vào năm 2013 sẽ rút tàu sân bay nguyên tử đa năng “Enterprise” (CVN-65) ra khỏi biên chế. Như vậy, trong suốt từ năm 2013 đến năm 2015 Mỹ chỉ có 10 tàu sân bay nguyên tử đa năng trong biên chế tác chiến, do đó cần phải bổ sung thêm 1 tàu sân bay nguyên tử đa năng mới, đó chính là Gerald R.Ford (CVN-78).

Mỹ thường xuyên duy trì 11 tàu sân bay trong biên chế tác chiến
để luôn bảo đảm khả năng tác chiến nhanh.
Mỹ không thể ra hạn sử dụng thêm cho tàu sân bay Enterprise (CVN-65) cho tới khi chính thức bàn giao Gerald R.Ford (CVN-78) cho Hải quân vì điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ, kinh phí bổ sung cũng như thời hạn bàn giao Gerald R.Ford (CVN-78).

Trong tương lai, các tàu sân bay lớp Nimitz (có thời hạn sử dụng 45-50 năm) sẽ lần lượt được thay thế bằng tàu sân bay lớp Gerald R.Ford để bảo đảm luôn duy trì ổn định 11 tàu sân bay trong biên chế tác chiến.

Dự kiến, 11 tàu sân bay nguyên tử đa năng lớp Gerald R.Ford sẽ được chuyển giao lần lượt cho Hải quân Mỹ trong vòng 55 năm, tức là đều đặn 5 năm/1 chiếc.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút ngắn bớt thời gian chuyển giao này xuống chỉ còn khoảng 4 năm/1 chiếc để trong vòng 30 năm tới sẽ bàn giao được 7 chiếc tàu sân bay loại này cho Hải quân, như vậy mới bảo đảm thay thế đúng thời hạn các tàu sân bay đã hết hạn sử dụng và Hải quân Mỹ sẽ luôn duy trì đủ 11 tàu sân bay trong đội hình tác chiến thường xuyên. 

Tàu sân bay của Mỹ trung bình có thời hạn sử dụng khoảng 45-50
năm.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cho tàu sân bay luôn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và khả năng tác chiến nhanh thì đòi hỏi mỗi chiếc tàu sân bay phải mất tới gần nửa thời gian sử dụng của mình để tiến hành sửa chữa, nâng cấp và đại tu.

Thông thường, mỗi chiếc tàu sân bay của Mỹ có thời hạn sử dụng khoảng 45-50 năm, như vậy mỗi chiếc tàu sân bay sẽ phải mất từ 20-25 năm để nâng cấp, sửa chữa, đại tu và nạp lại điện cho lò phản ứng hạt nhân.

Những chiếc tàu sân bay đầu tiên đã được nâng cấp trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2005 là tàu Nimitz (CVN-68) và Dwight Eisenhower (CVN-69), tiếp đó là tàu Carl Vinson (CVN-70) trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009 và hiện nay là tàu Theodore Roosevelt (CVN-71) đang trong giai đoạn nâng cấp bắt đầu từ năm 2009.

Theo thiết kế, lớp vỏ tàu sân bay nguyên tử đa năng đầu tiên thế hệ mới nhất lớp Gerald R.Ford (CVN-78) vẫn được kế thừa từ tàu sân bay CVN-77, song nó được trang bị thiết bị năng lượng hạt nhân và máy phóng điện từ mới bảo đảm cho máy bay có trọng lượng 45 tấn khi cất cánh có thể đạt tới tốc độ 130 dặm/giờ.

Mô hình và cấu tạo của tàu sân bay thế hệ mới CVN-78

Sàn bay của CVN-78 cũng được nới rộng hơn để có thể bố trí và triển khai tác chiến mọi loại máy bay, máy bay trực thăng và thiết bị bay không người lái mà trong tương lai sẽ thuộc biên chế của liên đội không quân trên boong.

Biên chế người trên tàu sân bay CVN-78 và số phi công điều khiển máy bay trên tàu sân bay này sẽ chỉ còn có 4.300 người so với 5.500 người như các tàu sân bay hiện nay của Hải quân Mỹ. Tàu sân bay loại này có lượng choán nước không quá 100.000 tấn.

Mỹ sẽ bắt đầu triển khai chế tạo chiếc tàu sân bay thứ hai lớp Gerald R.Ford (CVN-79) vào năm 2012 thay vì vào năm 2011 như dự định trước đó và dự kiến chiếc tàu này sẽ có mặt trong đội hình tác chiến của Hải quân Mỹ vào năm 2020.

Về mặt kết cấu, so với CVN-78 sẽ có một số khác biệt lớn. Nó sẽ được trang bị hệ thống máy phóng điện từ mới bảo đảm cho máy bay hạ cánh an toàn trên boong mà không cần các vật cản làm giảm tốc như các tàu sân bay hiện nay.

Bên cạnh đó, trên CVN-79 còn biên chế thêm cả bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật cho máy bay giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị trước khi xuất kích, đồng thời tăng tần xuất bay từ 120 lần đối với tàu sân bay lớp Nimitz lên 160 lần với tàu sân bay lớp Gerald R.Ford.

Mô hình tàu sân bay trong tương lai CVN-79
Tương đương với một tổ chức hành chính của Hải quân, các tàu sân bay của Mỹ được đưa vào biên chế của liên đội tàu lực lượng không quân hải quân – cụm tàu sân bay tấn công.

Trong cơ cấu tổ chức biên chế của Hạm đội Đại Tây Dương hiện nay có cụm tàu sân bay tấn công số 2, 8, 10 và 12, còn Hạm đội Thái Bình Dương thì được biên chế các cụm tàu sân bay tấn công số 1, 3, 5, 7, 9 và 11.
Ngoài tàu sân bay, trong biên chế của hai Hạm đội trên còn có cả các tuần dương hạm mang tên lửa có điều khiển (lớp Ticonderoga) lấy từ biên chế của lực lượng tàu nổi của Hải quân.

Biên chế của mỗi cụm tàu sân bay tấn công trước khi đưa vào biên chế tác chiến hoặc khi tham gia vào chu trình huấn luyện tác chiến trong các lần tập trận thường bao gồm các tàu bảo vệ và bảo đảm tác chiến.

Khi ra khơi, các tàu sân bay sẽ được tiếp nhận các máy bay chiến đấu theo đội hình phi đội và liên đội tương tứng thuộc lực lượng không quân trên boong.

 

(Theo giaoduc.net.vn)