Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, chương trình cầu truyền hình 70 năm - niềm tin và khát vọng, kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) diễn ra tối 1/9 tại ba điểm cầu là: TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), cảng Cát Lái, (TPHCM) và TP Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955, tại xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ từ miền Nam ra Bắc.
Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, là địa điểm được tỉnh Thanh Hóa bố trí để đón cán bộ và đồng bào miền Nam.
Theo lãnh đạo UBND TP Sầm Sơn, năm 2014 nhân kỷ niệm 60 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã bày tỏ nguyện vọng xây dựng một khu lưu niệm tại khu vực cảng Lạch Hới.
Nhận thấy nguyện vọng này rất ý nghĩa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao UBND TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng khu lưu niệm.
Tháng 8/2022, khu lưu niệm được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2 cạnh cảng Lạch Hới. Dự án do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 255 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 76 tỷ đồng, vốn ngân sách TP Sầm Sơn cùng các nguồn huy động xã hội hóa khác là gần 180 tỷ đồng.
Các hạng mục của khu lưu niệm bao gồm: tượng đài con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung; nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, chiếu phim tư liệu và công trình phụ trợ; 3 lán trại mô phỏng nơi ăn ở sinh hoạt và con đường ký ức.
Điểm nhấn của công trình là tượng đài Con tàu tập kết ra Bắc, được làm bằng bê tông cốt thép với diện tích mặt bằng 3.200m2 và điểm cao nhất là mũi tàu, cao 12m. Kinh phí cho hạng mục này gần 80 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ là điểm đến thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa và lịch sử khi về với TP Sầm Sơn.
Ảnh: Lê Dương