1.jpg
Ảnh: minh họa

Tính đến thời điểm này, Dự án đã triển khai được 10 tháng tại 33 điểm truy cập thí điểm (bao gồm 24 điểm BĐVHX và 9 điểm thư viện) trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua hơn một tháng đưa máy tính vào khai thác sử dụng, các điểm truy cập thí điểm của dự án đã phục vụ hàng nghìn lượt người dân đến sử dụng máy tính, truy nhập Internet, khai thác thông tin phục vụ cho việc học tập, công tác và SXKD.

Trên thực tế, trong quá trình vận hành sử dụng và bảo hành thiết bị máy tính tại các các điểm phục vụ đã xuất hiện một số bất cập như: Các điểm triển khai Dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An rộng; nhiều nơi, đường điện lưới không ổn định đã ảnh hưởng đến tính ổn định của máy tính. Bên cạnh đó, đường truyền Internet không ổn định nên cũng gây khó khăn cho việc truy cập Internet và giám sát hoạt động từ xa.

Đến thời điểm này, công tác đào tạo nhân viên các điểm truy cập của dự án đã thực hiện đào tạo Intrenet cơ bản và nâng cao, quản trị mạng cho 67 lượt học viên là 47 nhân viên điểm BĐVHX, nhân viên thư viện. Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc Sở TT&TT Nghệ An và Trung tâm CNTT Bưu điện tỉnh Nghệ An đã tổ chức đào tạo 48 lớp cho gần 1000 người dân tại các vùng có đặt điểm truy cập Internet của Dự án.

Từ thực tế triển khai tại Nghệ An thời gian qua cho thấy, Dự án đã bước đầu đáp ứng nhu cầu của người dân là được truy cập Internet, sử dụng máy tính như một công cụ hữu ích đối với đời sống. Nhờ vậy, khoảng cách số ở những vùng có dự án với các khu vực thành thị khác trong tỉnh được giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục để Dự án thành công và có tính bền vững cao. Ví dụ như số lượng máy tính bị sự cố xảy ra nhiều, công tác khắc phục chậm, thời gian bảo hành thay thế thiết bị kéo dài.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, trình độ sử dụng máy tính còn hạn chế, kỹ năng truy cập Inetrnet tìm kiếm thông tin của người dân chưa cao nên chưa phát huy được tính ưu việt của Dự án. Giờ mở cửa của nhiều điểm thí điểm chưa thực hiện theo yêu cầu đặt ra.

Theo ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở TT&TT, do Dự án triển khai trên phạm vi rộng nên yếu tố phối hợp của các bên liên quan như chi nhánh Viettel Nghệ An, Bưu điện tỉnh, Viễn thông tỉnh Nghệ An, Thư viện Nghệ An và FPT là rất quan trọng, có vai trò quyết định sự thành công của Dự án. Vì vậy, để có cơ sở xây dựng và thực hiện Dự án này có hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn của Dự án thí điểm. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo yêu cầu về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công tác đào tạo phải đảm bảo sát với trình độ người quản lý các điểm truy cập, sát với trình độ mặt bằng nhận thức vốn có của người dân.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 149 ra ngày 14/12/2009