Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Tây Ninh.

Theo cáo trạng, ngày 28/7/2017, ông Hoa Công Hậu (cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh) có công văn trình UBND tỉnh đề xuất phương án hỗ trợ ngân sách đầu tư máy CT Scanner 128 lát cắt cho Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ngày 11/9/2017, Văn phòng UBND tỉnh có văn bản thông báo ý kiến của ông Phạm Văn Tân (thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, hiện đã nghỉ hưu) và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Thanh Ngọc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh) và Dương Văn Thắng thống nhất với đề xuất của Sở Y tế.

Cáo trạng cho rằng, trên cương vị lãnh đạo UBND tỉnh, các ông Phạm Văn Tân, Nguyễn Thanh Ngọc và Dương Văn Thắng đã thực hiện theo chức năng, thẩm quyền của mình. Việc xảy ra sai phạm tại Sở Y tế là do cấp dưới gian dối, thông đồng nhà thầu, hợp thức hồ sơ mà cấp lãnh đạo UBND tỉnh không biết.

Vì vậy không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với 3 cá nhân trên. Tuy nhiên, căn cứ quy chế làm việc của UBND tỉnh, các ông đã thiếu kiểm tra giám sát, dẫn đến không phát hiện sai phạm của cấp dưới, cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

Đối với ông Liêu Chí Hùng (thời điểm đó là giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã nghỉ hưu) và các thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật Bệnh viện, VKSND Tối cao cho rằng đã có thiếu sót khi đề xuất Sở Y tế mua hệ thống CT Scanner 128 lát cắt nhưng không tổ chức họp Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bệnh viện.

Tuy nhiên ông Hùng cùng các thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật Bệnh viện không quen biết, thông đồng với bà Hoàng Thị Thúy Nga hay Công ty NSJ và không được hưởng lợi ích gì từ việc mua sắm hệ thống CT Scanner 128 lát cắt.

Vì vậy, hành vi của các cá nhân này chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên VKSND Tối cao cũng cho rằng cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với các cá nhân nêu trên.

Khối tài sản kếch sù bị kê biên

Liên quan đến vụ án, CQĐT đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn và thu giữ, tạm giữ khối tài sản kếch sù của bị can Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch HĐTV Công ty NSJ) và ông Hoa Công Hậu (cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh).

VKSND Tối cao cho rằng, tài sản đứng tên các cá nhân, công ty trong hệ sinh thái NSJ Group bản chất là của bà Nga, cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, tạm giữ để đảm bảo thi hành án cho bà Nga trong các vụ án liên quan.

Theo đó, tiếp tục kê biên thửa đất có diện tích 7345,5m2 và thửa đất diện tích 9397,7 m2 ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh của Công ty TNHH đồ chơi Polesie Việt Nam; 3 căn hộ ở tòa nhà Leman Luxyry Apartments ở quận 3, TP HCM; Căn hộ diện tích 115,6m2 ở tòa nhà Diamond Flower, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngoài ra còn có các tài sản hiện đang thế chấp tại các ngân hàng cần giải tỏa kê biên giao cho ngân hàng xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi xử lý các khoản nợ tại ngân hàng phải được chuyển về cơ quan thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bà Nga gồm:

Sàn Văn phòng diện tích 264,7 m2 và sàn Văn phòng diện tích 286 m2 tại Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng và nhà ở, tại quận Thanh Xuân, Hà Nội của Công ty Bình An; Tòa nhà Văn phòng số 72, đường 64 và thửa đất diện tích 160m2 tại TP Thủ Đức, TP HCM của Công ty NSJ; Căn hộ chung cư diện tích 269,9m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội; căn hộ chung cư diện tích 137,2m2 ở quận Hà Đông, Hà Nội.

CQĐT cũng phong tỏa 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm và tiếp tục tạm giữ 10.000 USD của bà Hoàng Thị Thúy Nga để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường.

Liên quan đến vụ án, CQĐT cũng kê biên của ông Hoa Công Hậu số tài sản gồm: thửa đất diện tích 880m2 ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh; thửa đất 524,3 m2 tại khu phố Long Bình, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh; thửa đất diện tích 952,5m2 tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Các thửa đất trên đều đứng tên vợ chồng ông Hậu.