Hay khi Internet vẫn còn cảnh quay modem 56K “tút tút, tạch tạch tè” tốc độ chậm đến gửi email còn sợ bị tắc thì cũng khó ai hình dung được Internet lại trở nên phổ biến ở Việt Nam đến vậy, ngồi café lướt Net Wi-Fi rất thuận tiện và thích thú. Đó chính là thành quả của việc biến những ý chí, những tư duy và tầm nhìn mang tính cách mạng của bản Chỉ thị số 58/CT-TW của Bộ Chính trị (ngày 17/10/2000) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ CNH, HĐH đất nước thành hiện thực.
Đó cũng chính là một trong những điều được khẳng định tại cuộc Tọa đàm “Viễn thông – Internet Việt Nam 10 năm thực hiện Chỉ thị 58” do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/10/2010.
Cho dù chưa có một văn bản chính thức mang tính tổng kết nào về 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, nhưng chúng tôi có thể khẳng định rằng chính những tư duy, tầm nhìn đầy chất đổi mới, đầy chất cách mạng trong bản chỉ thị quan trọng này của Đảng đã tạo nền móng vững chắc và có giá trị mở đường cho sức bật mạnh mẽ của CNTT-TT Việt Nam trong suốt thập kỷ qua, cũng chính là một minh chứng rõ nét về sức bật của tiềm năng và trí tuệ Việt Nam trong một lĩnh vực tiên tiến của nhân loại.
Một ví dụ rất đơn giản, tư duy mở cửa thị trường trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam có thể lấy cột mốc là năm 1995, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép thành lập 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần BCVT Sài Gòn (Saigon Postel) và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel). Nhưng trong suốt 5 năm từ 1995-2000, cả hai doanh nghiệp này được ví như là “hai cây cảnh” và những hoạt động kinh doanh rất mờ nhạt. Tư duy đổi mới, mở cửa đã bị sự rụt rè, sự bảo thủ, sự trì trệ tạo thành những rào cản bó chặt và kìm hãm phát triển. Chỉ đến khi những quan điểm mở cửa thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh, phổ cập các dịch vụ viễn thông – Internet… được nêu lên trong một bản chỉ thị của Đảng, thì thực sự những doanh nghiệp như Viettel, Saigon Postel mới như được cởi trói để bứt phá, để vươn mình. Còn rất nhiều những câu chuyện khác có thể dẫn chứng để cho thấy giá trị mở đường của bản chỉ thị này.
Nhưng thực tế cũng cho thấy không phải ngày một, ngày hai những tư duy, những quan điểm mang tính đột phá của Chỉ thị 58 có thể nở hoa trong thực tế cuộc sống, và cũng không phải tất cả những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của bản chỉ thị này đều trở thành hiện thực trong ngày hôm nay. Từ tầm nhìn đến hành động và cho kết quả thực tế là một quá trình đầy trăn trở, thậm chí là đấu tranh quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa tính bảo thủ và tính cách mạng, giữa tư duy và lợi ích cục bộ với tư duy vì đại cục và đặt lợi ích chung lên hàng đầu.
Tròn 1 thập kỷ đã qua, thế và lực của viễn thông – Internet Việt Nam đã khác, chúng ta đã có thể tự tin khẳng định vị thế của mình trên sân nhà và bước đầu vươn mạnh ra bên ngoài, khẳng định hình ảnh của viễn thông Việt Nam ở quy mô quốc tế. Nhưng viễn thông Việt Nam nói riêng và CNTT-TT Việt Nam nói chung vẫn rất cần những tư duy, những tầm nhìn mới mang tính cách mạng như bản Chỉ thị 58 của 10 năm về trước, để thổi bùng lên bầu nhiệt huyết, để thắp sáng trí tuệ Việt Nam, và để tiếp thêm niềm tin nội tâm, sức mạnh nội lực vươn mình ra biển lớn.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 130 ra ngày 29/10/2010.