Các vụ việc liên quan đến hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân đã và đang trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện thông tin ở Việt Nam. Hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trái pháp luật đặt ra nguy cơ xâm hại tới quyền con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí để lại những hậu quả nghiêm trọng cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Với việc phổ biến của các thiết bị ghi âm, ghi hình, cùng với đó là số lượng người sử dụng mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, việc kiểm soát thông tin, hình ảnh cá nhân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, trong môi trường mạng xã hội ngày nay, quyền riêng tư đặc biệt là quyền riêng tư về hình ảnh đang ngày càng dễ bị xâm phạm.
Buổi tọa đàm về các vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Thạc sỹ Đậu Công Hiệp - Khoa Pháp Luật Hành chính, ĐH Luật Hà Nội, Việt Nam có nền tảng nhận thức về quyền riêng tư chậm hơn các nước khác.
Nền tảng quyền riêng tư gắn với quyền sở hữu và quyền nhân thân. Quyền riêng tư đã được nói đến ở nước Anh ngay từ thời phong kiến. Trong khi đó ở Việt Nam, nhận thức về quyền riêng tư vẫn chưa được sâu sắc.
Đặt vấn đề về quyền riêng tư trong bối cảnh sự phát triển của các mạng xã hội tại Việt Nam, Thạc sỹ Đậu Công Hiệp cho rằng: “Khi lên mạng tìm kiếm về ô tô, quảng cáo ngay sau đó sẽ hiện ra khi chúng ta vào Facebook, điều này liệu có đúng hay không?”
Theo ông Hiệp: “Facebook nói việc thu thập thông tin là tự động, tuy nhiên nó cũng đặt ra vấn đề khi một nhà cung cấp mạng xã hội lại đang nắm trong tay một quyền lực rất lớn. Thông tin cá nhân là bí mật, nhưng khi cần Facebook hoàn toàn có thể truy xuất.”.
Thực tế cho thấy, Facebook đã từng bán thông tin người dùng của mình trong vụ Cambridge Anatalyca. Thông tin lúc này không chỉ được sử dụng để kinh doanh thương mại mà còn mang mục đích chính trị.
Tại Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề trong việc bảo đảm quyền riêng tư của người dân trên các trang mạng xã hội. |
Chia sẻ một góc nhìn khác về vấn đề trên, bà Nguyễn Minh Giang – Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, hiện có nhiều hành vi thu thập thông tin trên mạng xã hội để phục vụ cho mục đích phát tán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác rất tinh vi mà ngay chính người trong cuộc cũng không nhận ra, thậm chí còn vô tư tham gia, hưởng ứng.
Dẫn chứng về thực tế đó, bà Giang nhắc tới các trò chơi trắc nghiệm trên Facebook với những câu hỏi gợi tò mò như: Năm 2020 bạn sẽ như thế nào; Bạn phù hợp với nghề gì; Kiếp trước bạn là ai… Theo bà Giang, việc tạo ra các ứng dụng này chính là cách mà kẻ xấu đánh vào tâm lý người dùng để thu thập thông tin bất hợp pháp.
Cần chế tài xử phạt riêng về xâm phạm đời tư cá nhân
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tồn tại 2 loại hình mạng xã hội khác nhau, bao gồm các mạng xã hội trong nước do Bộ TT&TT cấp phép, quản lý và các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook và YouTube.
Tuy vậy, việc quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do các mạng xã hội này không có sự hiện diện pháp lý, cũng như không có đại diện thường xuyên tại Việt Nam để cơ quan nhà nước có thể liên lạc, trao đổi.
Theo ông Vũ Minh Phương – Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục PTTH&TTĐT đang đấu tranh quyết liệt với những thông tin xấu độc trên mạng.
Việc quản lý này được thực hiện theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này hiện đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP ban hành năm 2018.
Bên cạnh đó, các hành vi cụ thể về việc thu thập, xử lý, truyền đưa và lưu trữ thông tin số được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 66 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Ông Vũ Minh Phương – Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Vũ Minh Phương, Nghị định 174 hiện đã lạc hậu so với các hoạt động thực tế trên không gian mạng, mức xử phạt chưa nghiêm khắc, do vậy Nghị định này đang được Bộ TT&TT tiến hành sửa đổi.
Đặt vấn đề về việc quản lý thông tin trên mạng, bà Nguyễn Minh Giang – Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: “Có rất nhiều người ẩn danh khi tham gia mạng xã hội. Làm thế nào tìm ra thủ phạm khi nguồn phát tán tin sai sự thật đến từ tài khoản ảo? Việc yêu cầu phải cung cấp thông tin thật khi tham gia mạng xã hội là việc cần và nên làm.”.
Theo bà Giang, nhiều nước đã ký kết biên bản ghi nhớ với các mạng xã hội để được cấp quyền truy xuất thông tin. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao để các thông tin này không bị rò rỉ hay mua bán tràn lan trên mạng. Việc bảo vệ đời sống riêng tư tại Việt Nam đã có nhưng vẫn còn thiếu, còn yếu, do đó cần phải thường xuyên được thảo luận để lấp đầy.
Theo TS Nguyễn Thị Thuỷ (Khoa Pháp luật Hành chính – ĐH Luật HN), Việt Nam cần có một Nghị định xử phạt trong lĩnh vực xâm phạm đời tư cá nhân. Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ dưới góc độ pháp lý về việc xử phạt hành chính đối với hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội bất hợp pháp, TS Nguyễn Thị Thuỷ - Khoa Pháp luật Hành chính – ĐH Luật HN cho rằng, các chế tài xử lý vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Các quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội bất hợp pháp đang nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau. Điều này dẫn đến một thực tế là các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác định và xử lý các vi phạm. Do đó, bà Thuỷ gợi ý về việc nên cho ra đời một Nghị định xử phạt trong lĩnh vực xâm phạm đời tư cá nhân.