Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 đồng ý thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản tiền nhỏ lẻ và ban đầu sẽ thí điểm với một đơn vị viễn thông.
Trả lời ICTnews hôm 21/3 về việc này, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết việc thanh toán bằng tài khoản viễn thông rất tốt cho nền kinh tế số, giúp người dùng tiếp cận tốt hơn với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào - Ảnh: H.Đ |
Tuy nhiên, bà Dung cho rằng nên mở rộng để hình thức thanh toán bằng tài khoản viễn thông trở thành hệ sinh thái mở, kết nối được với các hình thức thanh toán khác.
Các công ty viễn thông có nhiều thuê bao, do đó người dùng của các công ty này có thể dùng số dư tài khoản viễn thông để thanh toán, trả tiền điện nước,... trong hệ sinh thái được xây dựng bởi công ty đó. Tuy nhiên đây mới chỉ là hệ sinh thái đóng. Cần xây dựng quy chuẩn để tạo hệ sinh thái mở, giúp thuê bao viễn thông có thể thanh toán trong hệ sinh thái rộng hơn của nhiều công ty, đồng thời có thể thanh toán chéo, và thanh toán được ra ngoài Việt Nam.
“Để xây dựng một xã hội số hoá và không dùng tiền mặt, ngoài mục tiêu người dùng còn có mục tiêu khác là mở rộng hệ sinh thái”, bà Dung trả lời trong họp báo công bố Báo cáo Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 do Visa tổ chức.
Tương tự như hình thức thanh toán viễn thông là thanh toán bằng các ví điện tử, hiện nay vẫn còn “đóng” - bà Dung nói. Các công ty fintech hiện nay ở Việt Nam làm việc rất hiệu quả, có khởi đầu tốt. Tuy nhiên các tổ chức nên làm việc với nhau, chuẩn hoá và đưa ra giải pháp để hệ sinh thái được mở rộng hơn, tránh tình trạng các ví tự phát triển khách hàng và dịch vụ được xây dựng chỉ cho người dùng một ví điện tử nhất định.
Hình thức thanh toán QR Code cũng là một ví dụ, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào dẫn chứng. Đến một cửa hàng, sẽ có một lúc người dùng phải nhìn thấy rất nhiều bảng đặt mã QR của nhiều đơn vị khác nhau, sẽ không mang đến trải nghiệm tốt nhất. Do đó cần có cơ chế thống nhất để các hình thức thanh toán QR của các đơn vị có thể liên thông nhau, tạo một hệ thống QR Code xuyên suốt.
Trong Báo cáo Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 công bố hôm qua 21/3, Visa cho biết người tiêu dùng tích cực đón nhận thanh toán kỹ thuật số, tuy vậy hình thức thanh toán dùng tiền mặt trên tổng giá trị thanh toán vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, 90-91%.
Số liệu về sự gia tăng tần suất sử dụng thẻ Visa từ năm 2017 đến 2018 thể hiện xu hướng tăng trưởng tích cực của các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Tổng giá trị giao dịch được thực hiện bởi người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Visa tăng 37%, trong khi đó số lượng giao dịch tăng 25%. Thương mại điện tử nói riêng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch lên đến 40%.
Khảo sát cho thấy người Việt Nam mang tiền mặt ít hơn và một nửa số người được khảo sát sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và di động ít nhất hai đến ba lần một tuần.
“Mặc dù thanh toán kỹ thuật số vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, vẫn có thể nhận thấy một điều rằng người tiêu dùng đang tích cực ứng dụng các công nghệ thanh toán mới, mở ra kỷ nguyên cho các công nghệ này nói riêng, cũng như ngành thanh toán kỹ thuật số nói chung”, bà Dung nói.