- Học sinh đến trường thời nay khiến "nhà giàu cũng khóc". Khóc vì chương trình nặng, quá tải, lạm thu...Nhưng điều khiến phụ huynh lo ngại là chất lượng sống của các con ở trường từ chuyện ăn, ở, ngủ, nghỉ đến đi vệ sinh có thực sự đem lại môi trường học thân thiện?. Tất cả đã đến mức báo động khi mỗi ngày có thêm tin học sinh bị ngộ độc, quạt trần rơi vào đầu, nhịn đi vệ sinh đến...tử vong vì điện giật. Giải pháp nằm trong tay các nhà giáo dục nếu đặt trách nhiệm lên trên.

Ba năm gần đây (2009, 2011, 2012) đi cùng với các cuộc vận động, các giải pháp nâng chất lượng giáo dục là những "tai nạn ngoài ý muốn" xảy đến với học sinh ngay trong giờ học, giờ chơi...tại trường khiến phụ huynh bất an.

Đi cấp cứu vì quạt trần rơi trúng đầu

Tháng 9 năm 2009 sự kiện học sinh lớp 12A15 - THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chuẩn bị bước vào tiết học thứ 3, chiếc quạt trần đang chạy vù vù đột nhiên rơi xuống làm 2 học sinh nam và nữ bị thương.

Hai học sinh này đã được đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân được các học sinh chia sẻ, do quạt trần ở các lớp đã cũ, các lớp học dột nát, trần lở vữa rơi xuống đầu học sinh không ít lần...

Còn Hiệu phó THPT Kim Liên Nguyễn Xuân Lâm lên báo nhận trách nhiệm, nguyên nhân tai nạn là do chiếc quạt này được sử dụng lâu (5-6 năm) nên chốt ở bầu quạt đã bị gẫy khi đang quay.

Dù là một trong những trường có chất lượng hàng đầu của thủ đô nhưng đến nay, cơ sở vật chất của THPT Kim Liên (được xây dựng từ những năm 1980) xuống cấp, nhiều phòng học trần lở loang lổ, cửa sổ bị mọt ăn ruỗng...

Đang học vữa rơi lả tả

Đến cuối tháng 4/2011, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) lại xuất hiện trên các báo với sự cố vữa rơi vào đầu học sinh. Cụ thể, sáng 26-4, tại lớp 11A1 một mảng vữa lớn nặng hàng chục kg trên trần nhà đã rơi xuống trong giờ học.


Tuy nhiên, do mảng vữa rơi từng đám nhỏ nên học sinh kịp chạy ra ngoài. Không học sinh nào bị thương nặng, chỉ có một học sinh bị xước tay.

Theo ban giám hiệu, những mảng vữa trên trần, trên tường bị lở rơi xuống không chỉ có ở lớp này mà đã từng xảy ra ở lớp khác, kể cả phòng của ban giám hiệu. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giải pháp tình thế của Trường THPT Kim Liên là cử người kiểm tra hằng ngày, nếu có dấu hiệu khả nghi thì sơ tán lớp học để xử lý.

Nhập viện vì gãy lan can

Tháng 1/2011, bảy học sinh lớp 6A, Trường THCS thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) phải nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch vì bị rơi xuống từ tầng 2 của trường xuống đất do lan can lớp học tầng 2 bị gãy.


Ngay sau khi xảy ra tai nạn số học sinh trên đã được đưa vào bệnh viện huyện Ba Bể cấp cứu. 4 em bị thương nặng đã phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cấp cứu.

Sự cố đau lòng đã khiến 2 em bị gẫy tay, 1 em dập mũi, 1 em gãy sương đòn, một em bị sụn cột sống…

Lý giải về sự cố này, thầy Vi Nguyên Hồng - Hiệu trưởng nhà trường đổ tại, tháng 8/2009 dãy này lớp học này được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng đến tháng 12/2009 đã có nhiều vết nứt, tường, nền gạch thì bong chóc, cửa đi, cửa sổ cong vênh…, nhà trường đã làm văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án Sở Giáo dục (đơn vị Chủ đầu tư) lên xem xét sửa chữa, nhưng không ai biết sợi sắt kết nối trong lan can này lại không hàn hoặc buộc với cột trụ, nên lan can rất yếu ớt. Khi các em dựa lưng vào, nó bất ngờ đổ xuống gây ra hậu quả đáng tiếc này.

Dễ mắc bệnh


Theo các bác sĩ nếu trẻ phải nhịn đại tiểu tiện kéo dài sẽ rất dễ mắc các bệnh táo bón, đường ruột... Nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh này ở trẻ là do việc trẻ nín nhịn quá lâu, không chịu đi vệ sinh do nhà vệ sinh trong trường quá bẩn.


Câu chuyện vệ sinh trường học nói mãi vẫn không tốt hơn. Học sinh nhịn đi vệ sinh là chuyện thường xảy ra khắp nơi.

Chuyện các cháu Trường Mầm non Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội phải đi vệ sinh vào túi nilông vì cả trường gần 700 cô và trò chỉ có một nhà vệ sinh dùng cho tiểu tiện đã khiến cho dư luận giật mình.

Nhưng không riêng gì Thạch Thất, tại tỉnh Hậu Giang, có một câu chuyện hài hước mà mỗi khi nhắc đến “chuyện nhà vệ sinh” thì giáo viên nào cũng biết. Ở một trường THPT trong tỉnh, do nhà vệ sinh ít lại không sạch sẽ nên nữ giáo viên mỗi khi có nhu cầu lại phải chạy xe về nhà giải quyết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do nhà trường thiếu kinh phí, phần khác là nhiều trường học không mấy coi trọng câu chuyện vệ sinh của các em vì cho rằng thành tích học tập mới là quan trọng, còn chuyện vệ sinh là chuyện “sau cánh gà” không cần quan tâm.

Tử vong vì điện giật

Sự kiện đau lòng xảy ra trong giờ nghỉ giải lao của nhóm học sinh Trường THPT Thu Xà (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) ngày 28/12 mới đây. Trong khi nô đùa ở chân cầu thang của trường, bất ngờ em Nguyễn Chí Đời va vào khung sắt thông gió bị điện giật chết.


Trao đổi với báo chí, phó Hiệu trưởng nhà trường nhận trách nhiệm ban đầu, em Đời bị điện rò giật ở khung sắt thông gió, ngay tại cầu thang lên xuống ở Khu A của trường.

Ông Kháng cho biết thêm, hệ thống điện của trường được lắp đặt từ năm 1998, đến nay chưa một lần nâng cấp, sửa chữa do thiếu kinh phí. Mặc dù Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần trình dự án đầu tư mới toàn bộ hệ thống điện để đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh nhưng nhiều năm qua Sở GD-ĐT Quảng Ngãi chưa phê duyệt.

Nguyễn Hiền (tổng hợp)