Thời gian qua, hình thức bán hàng qua livestream (phát trực tiếp) được các nơi bán hàng online sử dụng nhiều. Khách mua chỉ cần chọn mã hàng, để lại thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại dưới phần bình luận, chốt đơn là xong.
Một số đối tượng lừa đảo lợi dụng điểm này, dùng số điện thoại khách hàng đã cung cấp dưới phần bình luận để giả danh chủ hàng gọi điện cho người mua để lừa đảo.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo đã dùng số điện thoại người mua cung cấp ở phần bình luận để gọi báo chốt đơn hàng và yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản để giao hàng.
Không ít trường hợp người mua hàng tá hoả khi hàng nhận về là quần áo cũ, đồ gia dụng hư cũ không như hàng đã đặt trước đó.
Chị Thanh Huyền ngụ quận 9, TP.HCM, cho biết chị vừa bị lừa bằng hình thức như trên. Theo chị Huyền cho biết chị có xem một buổi livestream bán hàng của một shop bán áo quần quen thuộc. Sau đó chị chọn hàng và chốt đơn hàng.
Như mọi lần, chị để lại thông tin cá nhân gồm tên, số điện thoại và địa chỉ giao cùng mã sản phẩm đặt mua. Vài ngày sau, chị nhận được gói hàng được đóng gói cẩn thận, có ghi địa chỉ nơi bán rõ ràng nên chị thanh toán tiền. Khi mở gói hàng ra xem thì chị té ngửa, vì đó không phải là mặt hàng chị đã đặt trước đó.
“Cái tôi nhận được là hai bộ quần áo cũ, rách chứ không phải là hai bộ quần áo mới tôi đã đặt trước đó. Quá giận, tôi nhắn tin hỏi nơi bán hàng thì được biết đơn hàng của tôi vẫn chưa giao kịp. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa và mất tiền”- chị Huyền nói.
Không nên cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân ở phần bình luận khi mua hàng online. Ảnh minh họa |
Cũng với hình thức chốt hàng khi bán hàng livestream, có nhiều nơi bán hàng không yêu cầu người mua phải cung cấp địa chỉ trực tiếp ngay dưới phần bình luận. Theo đó, khách hàng chỉ để lại mã hàng muốn mua, còn địa chỉ giao thì sẽ được nơi bán hàng trao đổi qua tin nhắn. Đây là một trong số những hình thức để cảnh giác kẻ lừa đảo hiện nay. Tuy nhiên, dù các nơi bán hàng đã cảnh giác vẫn có người mua bị lừa.
Theo đó, chị Dung ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM cũng bị lừa bằng hình thức như trên. Chị thường xuyên theo dõi mua vải may áo dài qua một trang Facebook. Trang này có số lượng người theo dõi đến hơn 61.000 người nên chủ cửa hàng đã cẩn thận, thường xuyên cảnh báo người mua trên hai khung giờ cố định. Đồng thời, cửa hàng cũng để lên đầu trang Facebook các tài khoản đứng tên mình.
"Như thường lệ, tôi vào trang bán hàng quen thuộc để chọn, đặt mua vải may áo dài và có để lại số điện thoại. Đến ngay sáng hôm sau, tôi nhận được điện thoại hỏi địa chỉ và báo nhận hàng, thanh toán tiền. Tôi cũng thấy hơi lạ vì đơn hàng nay giao quá nhanh, vì thường phải từ 2-3 ngày sau tôi mới nhận được hàng. Kiểm tra hàng thì cũng thấy là xấp vải với màu tôi đặt như chất lượng quá xấu," - chị Dung nói.
Ngay sau đó, chị Dung liên lạc với nơi bán hàng thì được biết đơn hàng của chị đang trên đường giao, khoảng hai ngày sau mới đến. Chị gọi lại số điện thoại báo giao hàng hôm trước thì không liên lạc được.
Chị Thanh Ngọc, quản lý một trang bán hàng online trên Facebook, cho biết để tránh những trường hợp bị lừa như trên, người mua tuyệt đối không cung cấp địa chỉ giao hàng ở phần bình luận. Chỉ cần báo mã hàng muốn mua, cửa hàng sẽ liên lạc qua tin nhắn để trao đổi cụ thể về giá cả, phương cách thanh toán, giao hàng. Có như vậy mới đảm bảo uy tín của nơi bán và giúp khách hàng không bị lừa đảo.
Theo Pháp luật TP HCM