Dù mức độ ứng dụng CNTT trong Bộ Thông tin & Truyền thông đang trong tốp đầu của các Bộ, ngành nhưng Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng vẫn cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng, đánh giá xem các đơn vị trực thuộc đã hành động tương xứng với mức độ cần thiết của CNTT hay chưa.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc son phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Giang

Việc Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp phụ trách lĩnh vực CNTT đòi hỏi Bộ phải "gương mẫu" về ứng dụng CNTT, không thể yếu kém hơn các Bộ, ngành khác. Hơn thế nữa, Bộ còn phải giúp Chính phủ tham mưu, giám sát hoạt động ứng dụng CNTT của các Bộ, ban, ngành, cũng như tham mưu Ban Bí thư TW Đảng đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng nhấn mạnh tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT của Bộ TT&TT sáng 18/12.

Trước đó, Văn phòng Bộ cũng đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng là Phó Trưởng ban cùng 4 Ủy viên thường trực . Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong Bộ, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả ứng dụng CNTT của Bộ và các đơn vị trực thuộc, báo cáo, thông tin định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu rõ, mục đích của phiên họp sáng nay sẽ nhằm để đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT của Bộ TT&TT tại thời điểm này, cũng như đưa ra những định hướng, giải pháp, chính sách để quán triệt Nghị quyết 36 vào mọi mặt hoạt động của Bộ, đưa ra những nhiệm vụ cụ thể để triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong năm 2015 và xa hơn là trong giai đoạn 2016- 2020. Do Bộ TT&TT là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (báo chí, xuất bản, CNTT, Viễn thông, bưu chính), liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội nên Bộ càng cần phải trở thành hình mẫu điển hình về ứng dụng CNTT.

Liên quan đến hiện trạng ứng dụng CNTT của Bộ, theo Báo cáo được Trung tâm Thông tin công bố sáng nay, năm 2013, xếp hạng ICT Index của Bộ đứng thứ 6, Trang thông tin điện tử đứng thứ 4, Đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT đứng thứ 5, Chỉ số hiện đại hóa hành chính xếp thứ nhất trong số các Bộ, ban, ngành. 100% các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng, 80% đơn vị có trang/cổng thông tin điện tử. Hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ có hơn 2.000 người sử dụng thuộc 46 đơn vị thuộc Bộ, trung bình một năm Bộ nhận được 40.000 văn bản đến và gửi đi 14.000 văn bản.

Hệ thống thư điện tử của Bộ hiện có hơn 2.250 tài khoản. Cổng Thông tin điện tử của Bộ tính đến tháng 7/2014 có gần 95 triệu lượt truy cập, trung bình khoảng 13 triệu lượt truy cập/tháng, tăng 44% so với 2013.... Một số đơn vị đã ứng dụng CNTT vào quản lý các chuyên môn nghiệp vụ như Quản lý nhân sự, Quản lý khoa học - công nghệ, Quản lý Kế toán - Tài chính, Quản lý Thanh tra, Khiếu nại và tố cáo...

Tổng số thủ tục hành chính của Bộ là 206, 100% đạt trực tiếp cấp độ 1,2, 13 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức 3 và có 4 dịch vụ đang được cung cấp ở mức 4. Hiện tại, đang có 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nữa được thử nghiệm của Cục Viễn thông và Cục Xuất bản, In & Phát hành.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ, như Thông tin trên website Bộ chưa tích hợp với thông tin trên các trang tin điện tử của các đơn vị khác thuộc Bộ, nhất là dịch vụ công trực tuyến để tạo thành Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Các hệ thống ứng dụng CNTT của các đơn vị trong Bộ chưa có kết nối liên thông để chia sẻ tài nguyên, dữ liệu và thông tin…

T.C